Thứ hai, 09/05/2022 09:54

Nam Định: Đẩy mạnh hoạt động quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ

Thời gian vừa qua, việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) tại TP Nam Định ngày càng được quan tâm, chú ý từ các cơ quan Nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp. Những giải pháp đồng bộ được thực hiện hiệu quả như tư vấn, hướng dẫn và hỗ trợ các nội dung bảo hộ tài sản trí tuệ, kiểu dáng công nghiệp, thông tin sáng chế, cung cấp thông tin nhãn mác, hàng hóa… Đồng thời, hoạt động thanh tra, kiểm tra, xử lý các vụ xâm phạm, vi phạm về sở hữu công nghiệp cũng được tăng cường.

Những kết quả đạt được

Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Nam Định đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền về SHTT bằng nhiều hình thức đa dạng, có chiều sâu, góp phần tạo chuyển biến nhận thức của cán bộ các cấp, các ngành và toàn xã hội. Từ năm 2018 đến nay, Sở đã tổ chức 9 lớp tập huấn cho gần 1.100 học viên là cán bộ các cơ quan quản lý Nhà nước và quản lý các đơn vị kinh doanh, doanh nghiệp, sinh viên các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, Sở KH&CN Nam Định đã phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng xây dựng chương trình tuyên truyền hoạt động SHTT trong cuộc sống; sổ tay hướng dẫn xác lập quyền SHTT; tổ chức nhiều đợt tập huấn, hội thảo về SHTT. Cùng với hoạt động giáo dục, phổ biến, việc hỗ trợ thực thi quyền SHTT cũng được Sở chú trọng.

Trong khoảng thời gian trên, Sở KH&CN Nam Định cũng đã hỗ trợ thực hiện các dự án xây dựng nhãn hiệu tập thể “Hiệp hội Nông nghiệp sạch tỉnh Nam Định” và dự án tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận “Bánh nhãn Hải Hậu” cho sản phẩm bánh nhãn của huyện Hải Hậu, nhãn hiệu tập thể “Cơ khí Xuân Tiến”, nhãn hiệu chứng nhận “Mật ong sú vẹt vườn quốc gia Xuân Thủy”… Đến năm 2020, sản phẩm Bánh nhãn Hải Hậu đã được Cục SHTT cấp Giấy chứng nhận đăng ký Nhãn hiệu chứng nhận; đồng thời hệ thống và mô hình quản lý, sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Bánh nhãn Hải Hậu” được đưa vào vận hành, góp phần nâng cao thu nhập, tạo sinh kế bền vững cho người làng nghề và những người tham gia chuỗi sản xuất, kinh doanh sản phẩm.

Nhắc đến đặc sản Nam Định không thể không nhắc đến món bánh nhãn Nam Định.

Bên cạnh đó, Sở KH&CN Nam Định đã hỗ trợ ứng dụng tiến bộ KH&CN, xây dựng bảo hộ nhãn hiệu, ghi nhãn hàng hóa, mẫu mã bao bì sản phẩm, đăng ký mã số, mã vạch để nâng cao chất lượng, phát triển thương hiệu. Điển hình là các sản phẩm: “Kẹo Sìu châu” của Công ty Kim Thành Hoa (Nam Định); “Gạo nếp” của các huyện Nghĩa Hưng, Hải Hậu; “Gạo sạch Hương Cốm” của Công ty TNHH Cường Tân, xã Trực Hùng (Trực Ninh); “Trà tươi hương chanh mật ong S24”, cá bống bớp Nghĩa Hưng, nước mắm Ninh Cơ… Đến nay, toàn tỉnh có 3.367 đơn đăng ký bảo hộ sở hữu công nghiệp gồm: 2.991 đơn nhãn hiệu hàng hoá, 308 đơn kiểu dáng công nghiệp, 48 đơn sáng chế, 20 đơn giải pháp hữu ích. Hiện đã có 1.558 nhãn hiệu, 128 kiểu dáng công nghiệp, 10 giải pháp hữu ích, 5 sáng chế của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tại địa phương được Cục SHTT cấp văn bằng bảo hộ. Việc thiết lập bản quyền thương hiệu đã giúp các đơn vị, doanh nghiệp từng bước nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng trưởng quy mô sản xuất và doanh thu.

Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động quản lý Nhà nước về SHTT

Có thể khẳng định, việc đẩy mạnh quản lý Nhà nước về SHTT tại Nam Định đã góp phần nâng cao nhận thức cho toàn xã hội về hoạt động SHTT, khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong hoạt động xác lập và bảo vệ quyền SHTT. Mặc dù vậy, công tác quản lý Nhà nước về SHTT vẫn còn một số hạn chế, cụ thể: i) Việc xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách chưa thực sự phát huy hết tiềm năng, thế mạnh tài sản trí tuệ của địa phương; ii) Công tác kiểm tra, thanh tra, trao đổi thông tin giữa các cơ quan chức năng chưa thường xuyên; iii) Các hoạt động hỗ trợ tuyên truyền, đào tạo; cung cấp thông tin và tư vấn về tài sản trí tuệ chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp. iv) Nhiều sản phẩm đủ sức cạnh tranh trên thị trường trong nước, thậm chí khu vực nhưng do nhiều nguyên nhân vẫn chưa được bảo hộ, dẫn đến tình trạng bị xâm phạm, làm giả, làm nhái, đánh mất thị trường.

Để khắc phục những vấn đề này, trong thời gian tới, UBND tỉnh Nam Định tiếp tục chỉ đạo các cấp các ngành nâng cao năng lực hoạt động bộ máy các cơ quan quản lý, cơ quan thực thi và cơ quan bổ trợ hoạt động SHTT. Hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển hoạt động SHTT. Tăng cường tuyên truyền, giáo dục, phổ biến nâng cao nhận thức của xã hội về SHTT. Xây dựng và hiện đại hóa hệ thống thông tin về SHTT. Nâng cao hiệu quả phát triển tài sản trí tuệ địa phương. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý các vụ xâm phạm, vi phạm về sở hữu công nghiệp. Phối hợp tổ chức các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, các tổ chức tập thể, tổ chức KH&CN phát triển nguồn nhân lực quản trị tài sản trí tuệ và trao đổi về các nội dung liên quan đến định hướng phát triển SHTT tỉnh Nam Định đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030.

Đoàn Khải

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)