Thứ tư, 20/04/2022 14:36

Bắc Giang: Tăng cường vai trò của Trung tâm Ứng dụng KH&CN

Trương Thị Hồng Minh

Giám đốc Trung tâm Ứng dụng KH&CN Bắc Giang

Trong thời gian qua, Trung tâm Ứng dụng khoa học và công nghệ (KH&CN) Bắc Giang đã từng bước khẳng định được vai trò của mình, góp phần nâng cao giá trị các nông sản chủ lực của tỉnh, thúc đẩy người dân tiếp nhận và nhân rộng các mô hình, quy trình trong sản xuất và đời sống, đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Để có được kết quả đó, Bắc Giang đã chủ động kiện toàn bộ máy, sáp nhập 3 đơn vị (Trung tâm Thông tin và Thống kê KH&CN, Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN) và đổi tên thành Trung tâm Ứng dụng KH&CN tỉnh Bắc Giang trực thuộc Sở KH&CN. Bên cạnh đó, tỉnh cũng tăng cường tiềm lực cho Trung này nhằm từng bước nâng cao hiệu quả hoạt động, tiến tới tự chủ về chi cho hoạt động thường xuyên.

Góp phần nâng cao giá trị các nông sản chủ lực của tỉnh

Một trong những kết quả nổi bật của hoạt động KH&CN tỉnh Bắc Giang được thể hiện trong lĩnh vực nông nghiệp. Trong khoảng 5 năm trở lại đây, tỉnh đã xây dựng được 766 mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao và 56 sản phẩm nông sản chủ lực, hình thành một số vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, tạo ra chuỗi giá trị như: vùng chăn nuôi gà đồi Yên Thế, vùng chăn nuôi và tiêu thụ lợn sạch Tân Yên. Trong trồng trọt, Bắc Giang đang hình thành vùng cây ăn quả trọng điểm quốc gia theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ với quy mô gần 50.000 ha, trong đó Lục Ngạn là nòng cốt với sản phẩm chủ lực vải thiều, cam, bưởi, ổi, táo… được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap, nhờ đó đã góp phần tăng năng suất 10-15%, giá bán bình quân tăng 20-30%. Ngoài ra, Bắc Giang cũng đã hình thành các vùng chuyên canh khác như: cây công nghiệp (miến dong Sơn Động, chè Yên Thế, khoai tây Lạng Giang, Yên Dũng); dược liệu (Ba kích Lục Nam, Sơn Động; sâm tố nữ Yên Thế; diếp cá, mã đề Hiệp Hòa); rau an toàn (Yên Dũng, Lạng Giang, Việt Yên, Hiệp Hòa)… Những vùng chuyên canh này nhờ ứng dụng tiến bộ KH&CN năng suất, chất lượng đều được nâng lên, giá trị gia tăng của sản phẩm tăng 15-30%.

Bắc Giang đang hình thành vùng cây ăn quả trọng điểm quốc gia theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ với quy mô gần 50.000 ha, trong đó Lục Ngạn là nòng cốt với sản phẩm chủ lực là vải thiều và một số cây ăn quả khác.

Ngoài việc ứng dụng tiến bộ trong quy trình nuôi, trồng, Bắc Giang cũng rất quan tâm phát triển sản phẩm chủ lực nông nghiệp thông qua việc tạo lập, quản lý và phát triển các đối tượng sở hữu công nghiệp. Hiện nay, Bắc Giang đã có 947 sản phẩm được cấp văn bằng bảo hộ sở hữu công nghiệp, trong đó có 62 sản phẩm nông sản chủ lực, đặc trưng đã được cấp nhãn hiệu (nhiều nhất cả nước), gồm: 3 chỉ dẫn địa lý (vải thiều Lục Ngạn, na Lục Nam, sâm nam núi Dành); 5 nhãn hiệu chứng nhận (bưởi Hiệp Hòa, gà đồi Yên Thế, rượu Vân Hương - Việt Yên, nhãn chín muộn Yên Thế, chè Bản Ven - Yên Thế) và 54 sản phẩm được cấp nhãn hiệu tập thể. Một số sản phẩm đã có trang thông tin điện tử, sàn giao dịch thương mại điện tử như vải thiều, mỳ, chè... giúp giới thiệu, quảng bá rộng rãi về sản phẩm, tăng cơ hội xúc tiến thương mại trong và ngoài nước, giúp người tiêu dùng có thể tiếp cập dễ dàng hơn với sản phẩm.

Để có được những kết quả nêu trên, Trung tâm Ứng dụng KH&CN Bắc Giang đã chủ động hợp tác, liên kết với các viện nghiên cứu, trường đại học để thực hiện các nhiệm vụ KH&CN của địa phương, góp phần tăng cường ứng dụng các tiến bộ KH&CN, cơ giới hóa sản xuất nhằm nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng của các sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc trưng của tỉnh. Trung tâm cũng đã xây dựng nhiều mô hình và chuyển giao thành công vào sản xuất như: các mô hình về giống cây trồng mới (lúa thuần, lúa lai, khoai tây, hoa...); chuyển giao tiến bộ KH&CN các giống gia cầm, thủy sản (gà Ri lai, gà HMông trên địa bàn các huyện Yên Thế, Sơn Động; ngan Pháp, chim bồ câu Pháp trên địa bàn các huyện Việt Yên, Yên Dũng; cá trắm đen, cá rô phi đơn tính, tôm càng xanh…). Có thể nói, Trung tâm Ứng dụng KH&CN Bắc Giang trong thời gian qua đã từng bước khẳng định tính phù hợp của các tiến bộ KH&CN, thúc đẩy người dân tiếp nhận và nhân rộng các mô hình, quy trình trong sản xuất và đời sống, mang lại hiệu quả cao, đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Mô hình trồng rau thủy canh của Trung tâm Ứng dụng KH&CN Bắc Giang.

Đầu tư tăng cường năng lực

Cùng với chủ trương đổi mới tổ chức và hoạt động của đơn vị sự nghiệp KH&CN công lập, đáp ứng lộ trình từng bước đưa Trung tâm Ứng dụng KH&CN tiến tới tự chủ 100% vào năm 2026, UBND tỉnh Bắc Giang đã phê duyệt Đề án “Phát triển Sàn giao dịch công nghệ và thiết bị trực tuyến tỉnh Bắc Giang”, đáp ứng mục tiêu tại Quyết định số 1158/QĐ-TTg ngày 13/7/2021 về “Chương trình phát triển thị trường KH&CN quốc gia đến năm 2030”. Sàn giao dịch công nghệ và thiết bị trực tuyến tỉnh Bắc Giang đang được giao cho Trung tâm Ứng dụng KH&CN vận hành, với hệ thống máy tính tốc độ cao, kết nối internet nhanh, phục vụ tra cứu, tìm kiếm, cập nhật nguồn cung - cầu công nghệ và chuyên gia. Mục tiêu của Sàn giao dịch là đến năm 2025, có trên 2.000 doanh nghiệp tham gia với trên 5.000 sản phẩm chào bán và tìm mua. Thông qua sàn giao dịch, bên bán (bên cung) và bên mua công nghệ (bên cầu) có thể tìm kiếm thông tin, đàm phán, giao dịch thương mại dễ dàng nhất. Đây sẽ là kho cơ sở dữ liệu về thông tin công nghệ và thiết bị, hồ sơ các thành viên tham gia giao dịch tương đối đầy đủ của Bắc Giang, đáp ứng nhu cầu giao dịch thường xuyên trên trên môi trường trực tuyến.

Lãnh đạo Bộ KH&CN, tỉnh Bắc Giang và các đại biểu bấm nút khai trương Sàn giao dịch công nghệ và thiết bị trực tuyến tỉnh Bắc Giang.

Bên cạnh đó, năm 2021, tỉnh Bắc Giang cũng đã quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, tiềm lực cho Trung tâm thông qua Dự án “Nâng cao năng lực Trung tâm Ứng dụng KH&CN tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2021-2023” với tổng kinh phí đầu tư trên 31 tỷ đồng. Việc đầu tư trang thiết bị và cơ sở vật chất sẽ góp phần nâng cao năng lực hoạt động của đơn vị, đáp ứng yêu cầu hoạt động KH&CN, phục vụ hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Để thực hiện hiệu quả đề án, dự án nêu trên, trong thời gian tới, Trung tâm sẽ thực hiện một số định hướng, giải pháp ưu tiên:

Một là, tập trung nghiên cứu, ứng dụng KH&CN phát triển các sản phẩm chủ lực. Điều này đồng nghĩa với việc cần phát triển các công nghệ do Trung tâm làm chủ trên cơ sở vai trò cầu nối, liên kết với các tổ chức, nhà nghiên cứu và nhà sản xuất; lựa chọn các sản phẩm công nghệ, quy trình, kỹ thuật chủ lực để phát triển phù hợp với nhu cầu sản xuất tại mỗi vùng, miền của địa phương. Ưu tiên triển khai thực hiện các nhiệm vụ KH&CN về chuyển đổi số, truy xuất nguồn gốc, phục vụ xây dựng kho dữ liệu số tỉnh Bắc Giang.

Hai là, tăng cường hoạt động hợp tác, liên kết phát triển thị trường KH&CN. Trao đổi thông tin, cung cấp nguồn tin KH&CN, tạo môi trường tác nghiệp điện tử trong việc cập nhật, cung cấp thông tin ngành KH&CN, tích hợp vào hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về KH&CN. Chủ động liên kết với các trung tâm của địa phương khác nhằm giới thiệu và trao đổi thông tin KH&CN; chuyển giao công nghệ; triển lãm các kết quả nghiên cứu của các trung tâm trong vùng và khu vực.

Ba là, cần có cơ chế bảo đảm thực hiện tự chủ. Cụ thể là: 1) Bố trí, sắp xếp theo vị trí việc làm, đào tạo nhân lực (chú trọng công tác đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, viên chức, nhân viên Trung tâm, nhất là viên chức kiểm định và phòng thí nghiệm); 2) Thực hiện cơ chế tài chính theo hướng phân định rõ việc thực hiện nhiệm vụ chính trị do Nhà nước giao với hoạt động kinh doanh dịch vụ; danh mục dịch vụ sự nghiệp công; 3) Xây dựng phương án, lộ trình thực hiện tự chủ chi hoạt động thường xuyên theo Nghị định 60/2021/NĐ-CP.

 

 

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)