Kết quả đạt được
Với mục tiêu nâng cao hoạt động sở hữu trí tuệ góp phần phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Hà Nam, trong thời gian qua, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Hà Nam đã chủ động xây dựng các giải pháp và đạt được nhiều kết quả mong đợi.
Về nhãn hiệu tập thể: Sở đã tham mưu giúp UBND tỉnh triển khai 12 dự án về bảo hộ nhãn hiệu tập thể đối với các sản phẩm đặc thù của tỉnh. Trong đó, có 10 nhãn hiệu tập thể đã được cấp văn bằng bảo hộ (Bánh đa nem làng Chều, Trống Đọi Tam, Gà móng Tiên Phong, Lụa Nha Xá, Rượu Vọc, lợn sạch Ngọc Lũ, Gốm Quyết Thành, thêu ren Thanh Hà, cá kho Nhân Hậu, Bánh đa sợi, miến Bích Trì; 2 nhãn hiệu tập thể Rượu Bèo, bánh đa Kiện Khê đang triển khai.
Sản phầm sữa chua Mục Đồng thuộc danh mục sản phẩm OCOP tiêu biểu tại tỉnh Hà Nam
Về nhãn hiệu chứng nhận: tỉnh Hà Nam đã triển khai thực hiện dự án: xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận Hà Nam cho các sản phẩm nổi tiếng tỉnh Hà Nam. Đây là tỉnh đầu tiên trong cả nước xây dựng thành công và được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu vùng cho 10 nhóm sản phẩm sử dụng nhãn hiệu “sản phẩm chất lượng Hà Nam” gồm: trống; hương thắp; gỗ, tre, song, mây, sừng, xương, chất dẻo; đồ gốm; lụa; đồ thêu; cá kho, thịt cá, gia cầm; bánh đa nem, bánh cuốn chả; rau tươi, quả tươi, động vật sống; rượu gạo. Đây là nhãn hiệu cho phép đăng ký nhiều sản phẩm, nhóm sản phẩm đủ tiêu chuẩn chất lượng có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Đến thời điểm này, có hơn 20 tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh được cấp quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận Hà Nam cho các sản phẩm như: ổi, bưởi, dưa lưới chất lượng cao, long nhãn, ngô sấy, khoai lang sấy, chuối sấy, sen sấy, nấm rơm, nấm sò, mộc nhĩ, nấm hương, nấm linh chi, rượu, miến, bánh đa sợi...
Về chỉ dẫn địa lý: là sản phẩm đặc sản của vùng quê Hà Nam, chuối ngự Đại Hoàng (chuối tiến Vua) từ lâu được biết đến bởi sự thơm ngon nổi tiếng đã gắn với lịch sử hàng trăm năm và nét văn hóa cộng đồng dân cư. Những năm qua, với sự nỗ lực của các cấp, các ngành, chuối ngự Đại Hoàng đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận Chỉ dẫn địa lý, đây là sản phẩm thứ 17 được bảo hộ Chỉ dẫn địa lý trên toàn quốc.
Công tác quản lý và khai thác các tài sản trí tuệ của tỉnh Hà Nam
Việc xây dựng, bảo hộ, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ cho các sản phẩm địa phương trên địa bàn tỉnh Hà Nam được thực hiện bằng nhiều hình thức khác nhau như: chú trọng và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến đa dạng, phong phú để phù hợp với từng đối tượng cụ thể như tổ chức hội thảo khoa học, hội nghị tập huấn, phát hành tài liệu, sách, báo, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng báo, đài, internet... Hàng năm, Sở KH&CN Hà Nam đều phối hợp với Cục Sở hữu trí tuệ, các sở, ban, ngành và các địa phương trong tỉnh tổ chức hội nghị, hội thảo, tập huấn về sở hữu trí tuệ, về đăng ký, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận và chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm chủ lực của địa phương đến trực tiếp các đối tượng là cán bộ quản lý nhà nước, doanh nghiệp, hiệp hội, hội, hợp tác xã và người dân. Qua đó, tạo động lực mạnh mẽ khuyến khích và thúc đẩy các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tích cực chủ động tham gia đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ để bảo vệ, phát triển tài sản trí tuệ, đặc biệt là xây dựng và bảo hộ các sản phẩm nông sản đặc sản của địa phương, góp phần tạo dựng uy tín, danh tiếng, năng lực cạnh tranh trên thị trường.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động sở hữu trí tuệ còn nhiều khó khăn, hạn chế: vai trò của tổ chức, tập thể trong việc kiểm soát, quản lý và sử dụng tài sản trí tuệ đối với các sản phẩm đã được bảo hộ trong nhiều trường hợp chưa phát huy hiệu quả. Trong quá trình đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với các loại hình chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể thì việc thành lập các tổ chức tập thể là một quy định bắt buộc và tổ chức này có vai trò rất quan trọng trong việc duy trì chất lượng sản phẩm và phát triển danh tiếng, uy tín của sản phẩm được bảo hộ nhưng trên thực tế vai trò của các tổ chức tập thể này còn mờ nhạt do các yếu tố về con người, kinh phí hoạt động, sự đoàn kết vì mục tiêu chung bền vững... chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường, đặc biệt là thị trường nước ngoài, đây chính là điểm hạn chế trong việc khai thác, phát huy tài sản trí tuệ đã được bảo hộ.
Có thể khẳng định, việc sử dụng công cụ sở hữu trí tuệ để nâng cao giá trị cho các sản phẩm đặc sản địa phương cần có sự phối hợp, tham gia tích cực của các cấp, các ngành có liên quan, nâng cao vai trò của doanh nghiệp, cộng đồng người dân vùng đặc sản và có lộ trình phù hợp cho sản phẩm đặc sản phát triển một cách bền vững. Trong thời gian tới, UBND các huyện, thành phố cần tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức về giá trị của nhãn hiệu chứng nhận Hà Nam; đồng thời có cơ chế chính sách, phát triển sản phẩm của địa phương phù hợp với thị trường; tạo điều kiện hỗ trợ về xây dựng cơ sở vật chất để mở rộng quy mô sản xuất và phát triển sản phẩm mang nhãn hiệu chứng nhận Hà Nam.
Đoàn Khải