Theo Báo cáo của Sở Khoa học và Công nghệ Bắc Giang tại buổi làm việc, đến nay, toàn tỉnh có 2.569 đơn đăng ký nhãn hiệu, đã được cấp 1.284 Giấy chứng nhận nhãn hiệu. Năm 2021 là năm có nhiều nhất các sản phẩm được bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp, gồm 1 sáng chế, 2 chỉ dẫn địa lý, 2 nhãn hiệu chứng nhận, 7 nhãn hiệu tập thể và 123 nhãn hiệu thông thường. Tính đến nay, tỉnh Bắc Giang đã có 3 chỉ dẫn địa lý (Vải thiều Lục Ngạn, Na dai Lục Nam và Sâm nam núi Dành), 6 nhãn hiệu chứng nhận và 67 nhãn hiệu tập thể. Một số sản phẩm tiêu biểu của tỉnh đã được đăng ký bảo hộ tại nước ngoài. Nhiều đề tài, dự án khoa học và công nghệ trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ được triển khai và phát huy hiệu quả, chuyển dần từ hướng đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp sang đi vào chiều sâu, khai thác và phát huy giá trị của tài sản trí tuệ. Hiện tại, Bắc Giang cũng đang tiến hành triển khai thực hiện đăng ký bảo hộ 02 chỉ dẫn địa lý và nhiều nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể.
Vải thiều Lục Ngạn đã được bảo hộ chỉ dẫn địa lý.
Hội đồng sáng kiến tỉnh đã duy trì nề nếp hoạt động trong việc xét, công nhận các sáng kiến có phạm vi ảnh hưởng cấp tỉnh, qua đó khơi dậy phong trào nghiên cứu sáng kiến trong cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân, đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội. Đặc biệt là sau khi có Chỉ thị số 01/CT-UBND của Chủ tịch UBND tỉnh về sáng kiến thì với trung bình hơn 1.000 sáng kiến được công nhận mỗi năm đã mang lại hiệu quả thiết thực, giúp tăng năng suất lao động, giảm tiêu hao nguyên, vật liệu và năng lượng, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, hình thành tài sản trí tuệ cho doanh nghiệp; rút ngắn thời gian và đơn giản hóa việc giải quyết các thủ tục hành chính cho người dân; nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và chất lượng giáo dục toàn diện.
Phát biểu tại buổi làm việc với tỉnh Bắc Giang ngày 17/3/2022, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ nêu lên 5 nhiệm vụ trọng tâm để phát triển khoa học và công nghệ tỉnh Bắc Giang trong thời gian tới. Đặc biệt, Bộ trưởng đề nghị, Bắc Giang cần tiếp tục đẩy mạnh công tác bảo hộ xác lập quyền và khai thác, phát huy giá trị tài sản trí tuệ cho các sản phẩm hàng hóa đã được hình thành tại thị trường trong và ngoài nước.
Vũ Hưng