Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Phạm Thanh Hà, một trong những chức năng, nhiệm vụ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là chủ trì, phối hợp với các cơ quan hữu quan xây dựng chính sách, kế hoạch và tổ chức thực hiện phòng, chống rửa tiền. Luật Phòng, chống rửa tiền đã được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 18/6/2012, có hiệu lực thi hành kể từ đầu năm 2013 và hiện là văn bản pháp lý cao nhất về lĩnh vực phòng, chống rửa tiền. Tuy nhiên, qua gần 10 năm triển khai thi hành, Luật Phòng, chống rửa tiền đã bộc lộ một số hạn chế, chưa cập nhật và đáp ứng được các chuẩn mực quốc tế mới cũng như yêu cầu quản lý trước sự phát triển nhanh chóng của thực tiễn, đặt ra yêu cầu cần thiết phải rà soát, tổng kết và đề xuất sửa đổi, bổ sung.
Tại hội thảo, các đại biểu đều cho rằng, các giao dịch thanh toán với tài sản ảo khác với các giao dịch tài chính truyền thống, việc chuyển tiền được thực hiện giữa người với người qua các hệ thống thanh toán công nghệ mới, thay vì thông qua ngân hàng hoặc các tổ chức tài chính truyền thống khác. Các tài sản ảo có thể được chuyển giao ảo ở mọi nơi trên thế giới. Do đó, việc trao đổi, thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm xoay quanh các nội dung như tài sản ảo và nhà cung cấp dịch vụ tài sản ảo; các rủi ro về phòng, chống rửa tiền liên quan đến tài sản ảo; thực trạng khung pháp luật Việt Nam về tài sản ảo; công nghệ mới phòng chống rửa tiền… là cơ sở, nền tảng hữu ích để các cơ quan quản lý Việt Nam nghiên cứu, áp dụng trong thời gian tới.
Phạm Hà Phương