Thứ ba, 17/05/2022 14:31

Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo góp phần thúc đẩy phát triển mạnh ngành lâm nghiệp

Ngày 17/5/2022, tại Hà Nội, Trường Đại học Lâm nghiệp phối hợp với Tổng cục Lâm nghiệp tổ chức Hội thảo “Định hướng phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo lâm nghiệp giai đoạn 2022-2030”. Hội thảo được tổ chức trong chuỗi sự kiện chào mừng Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam 18/5. Hội thảo có sự tham dự của nhiều chuyên gia là các nhà quản lý, khoa học đến từ các bộ, ngành, địa phương và các tổ chức quốc tế như: Đại Sứ quán Phần Lan tại Việt Nam, Cơ quan trao đổi Hàn lâm Đức (DAAD), Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ), Trung tâm Nghiên cứu Lâm nghiệp thế giới (CIFOR)…

Trong những năm qua, ngành lâm nghiệp đã có sự phát triển mạnh mẽ, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ có tốc độ tăng trưởng nhanh và đã được khẳng định là ngành kinh tế - kỹ thuật đặc thù, liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm lâm nghiệp từ quản lý, bảo vệ, phát triển đến sử dụng rừng, chế biến và thương mại lâm sản. Trong tương lai không xa, Việt Nam sẽ trở thành một trung tâm toàn cầu về sản xuất, xuất khẩu đồ gỗ có thương hiệu, có uy tín trên thế giới.

Đánh giá về sự phát triển của ngành lâm nghiệp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Quốc Doanh cho biết, nhờ có khoa học và công nghệ ngành lâm nghiệp mới phát triển mạnh với những con số ấn tượng như đạt 42% diện tích che phủ rừng, xuất siêu đạt 13 tỷ USD. Đặc biệt, trong năm 2021 mặc dù chịu nhiều tác động của đại dịch Covid-19, nhưng nguồn thu về  chi trả dịch vụ môi trường rừng nước ta vẫn đạt xấp xỉ 3.200 tỷ đồng, tương đương trên 150 triệu USD. Thành công đó là nhờ các nhà khoa học đã có những nghiên cứu về chọn tạo giống cây lâm nghiệp mới; phát triển rừng trồng tạo ra nguồn nguyên liệu cho đầu vào sản xuất sản phẩm lâm nghiệp. Trong đó có đóng góp quan trọng của 2 cơ quan nghiên cứu lớn về lâm nghiệp là Trường Đại học Lâm nghiệp và Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cũng đặt ra nhiều câu hỏi cho các nhà khoa học như: chúng ta phải phát triển thế nào trong điều kiện nguồn nguyên liệu thế này? Vẫn rừng như bây giờ, vẫn các loại cây thế này… chúng ta có đáp ứng thị trường trong những năm tới không? Chúng ta biết là cần gỗ lớn, nhưng chúng ta vẫn cần các loại cây cho thu hoạch nhanh. Để giải quyết các mâu thuẫn này thì phải trồng thế nào, chăm sóc thế nào, công nghệ thế nào?”…

Để góp phần thực hiện hiệu quả Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2022-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và trên cơ sở những kết quả đã đạt được, PGS.TS Phùng Văn Khoa - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Lâm nghiệp cho biết, nhiệm vụ ưu tiên được Nhà trường đặt ra là đẩy mạnh đổi mới công nghệ, nghiên cứu các quy trình ứng dụng công nghệ cao trong quản lý, giám sát và đánh giá tài nguyên và môi trường, phòng tránh thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng nông thôn, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế khó khăn và đặc biệt khó khăn. Đồng thời, Nhà trường sẽ phát triển thành một trung tâm đổi mới sáng tạo.

Phát biểu tại Hội thảo, Đại sứ Phần Lan tại Việt Nam Keijo Norvanto chia sẻ, rừng ở đất nước Phần Lan được coi là “nguồn cảm hứng” bởi rừng “thống trị” thiên nhiên Phần Lan khi chiếm trên 75% diện tích đất tự nhiên. Đặc biệt hơn, hầu hết diện tích rừng ở Phần Lan có chủ rừng là hộ gia đình (620.000 chủ rừng)… Người Phần Lan bảo vệ rừng bằng cách trồng mới 4 cây con để thay thế cho 1 cây con bị chặt. Phần Lan có 90% rừng thương mại được chứng nhận PEFC/FSC. Theo Đại sứ Phần Lan, gỗ là một vật liệu hữu dụng với quan điểm “mọi thứ có thể được làm từ nhựa thì cũng có thể được làm từ gỗ”. Các công ty của Phần Lan thậm chí còn sản xuất bồn rửa bằng gỗ và dùng bột gỗ để bó bột cho xương bị gãy.

Tại Hội thảo, các nhà khoa học bày tỏ sự đồng tình và đánh giá cao dự thảo, từ quan điểm, mục tiêu, định hướng cho đến những giải pháp phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo lâm nghiệp giai đoạn 2022-2030, tầm nhìn 2050. Các nhà khoa học nhận định, dự thảo định hướng phát triển công nghệ tập trung chuyển giao, đổi mới công nghệ sản xuất, kinh doanh nâng cao giá trị sản xuất Lâm nghiệp, phát triển công tác chọn giống cây lâm nghiệp phục vụ trồng rừng cung cấp nguyên liệu cho ngành công nghiệp chế biến gỗ; nghiên cứu ứng dụng công nghệ cao vào hoạt động điều tra, theo dõi diễn biến tài nguyên rừng; thúc đẩy quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng thông qua phương pháp tiếp cận hợp tác công tư cộng đồng, từ đó thúc đẩy sản xuất kinh doanh trong doanh nghiệp để bắt kịp với mặt bằng của thế giới, nâng cao chất lượng của nền kinh tế, tạo nền tảng công nghệ tiên tiến để thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa theo hướng hiện đại.

CT

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)