Chủ nhật, 15/05/2022 14:36
Vĩnh Phúc: Hoàn thiện tiêu chuẩn, quy chuẩn giúp mở rộng thị trường xuất khẩu trái thanh long
Hiện nay, thanh long là một trong số mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam vào thị trường Australia và New Zealand. Tại New Zealand, thanh long là một trong 3 loại quả được cấp phép nhập khẩu vào thị trường này. Để trái thanh long chiếm lĩnh tốt thị trường nước ngoài, Vĩnh Phúc cần phải xây dựng các phương pháp cải tiến, hoàn thiện, tối ưu hóa từng công đoạn của chuỗi giá trị và chuỗi cung ứng thanh long, từ khâu chọn giống, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ giống, đến thu hoạch, đóng gói, bảo quản để hướng tới sự phát triển bền vững cho ngành thanh long Việt Nam.
Thanh long được trồng tại Vĩnh Phúc.
Về điều kiện nhập khẩu thanh long vào thị trường Australia, trước khi nhập khẩu, thanh long cần có giấy phép nhập khẩu hợp lệ do Bộ Nông nghiệp, Nước và Môi trường Australia cấp. Thanh long tươi trước khi vận chuyển phải được xử lý bằng biện pháp nhiệt hơi với thời gian 40 phút ở nhiệt độ 46,5oC, độ ẩm 90% trở lên tại cơ sở được Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) của Việt Nam phê duyệt. Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật phải được gửi kèm theo chuyến hàng. Các doanh nghiệp xuất khẩu phải tuân thủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn với trái thanh long tại thị trường nhập khẩu. Cùng đó, việc bảo đảm chất lượng sản phẩm sau thời gian vận chuyển dài cũng là vấn đề cần được chú trọng nhằm kéo dài thời gian bảo quản và tiêu thụ trên thị trường. Quan trọng là tránh được trải nghiệm không tích cực cho người tiêu dùng khi mua phải sản phẩm chất lượng không tốt, ảnh hưởng tới quyết định mua hàng lần sau.
Trong thời gian tới, để nâng cao lợi thế cạnh tranh của thanh long trên thị trường xuất khẩu, Vĩnh Phúc đưa vào các phương pháp cải tiến, hoàn thiện, tối ưu hóa từng công đoạn của chuỗi giá trị và chuỗi cung ứng thanh long, từ khâu chọn giống, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ giống, đến thu hoạch, đóng gói, bảo quản để hướng tới sự phát triển bền vững cho ngành thanh long Việt Nam. Sản phẩm xuất khẩu phải được thiết kế riêng cho thị trường, bao bì đóng gói phù hợp; bảo đảm nguồn cung ổn định cả chất lượng và số lượng. Nên có sự liên kết chặt chẽ giữa người trồng thanh long và nhà nhập khẩu ngay từ khâu đầu tiên, giúp sản phẩm sớm đạt các yêu cầu và tiêu chuẩn, thuận lợi cho xuất khẩu. Đặc biệt, sản phẩm chế biến từ thanh long là phân khúc còn nhiều tiềm năng, được người tiêu dùng ưa chuộng, doanh nghiệp trong nước có thể khai thác, tận dụng.
Mai Văn Thủy