Đồng chí Đỗ Trọng Hưng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa kết luận về Kế hoạch hành động thực hiện khâu đột phá về phát triển KH&CN tại Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy diễn ra mới đây.
UBND tỉnh Thanh Hóa cũng đã phê duyệt “Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2021-2025” với trọng tâm là tiếp tục nâng cao nhận thức về tầm quan trọng, quyền lợi, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đối với sở hữu trí tuệ; đẩy mạnh tạo lập, quản lý, bảo hộ và phát triển các tài sản trí tuệ. Tỉnh Thanh Hóa đề ra mục tiêu: 100% các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có nhu cầu tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ xác lập và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ được đáp ứng; có ít nhất 40 sản phẩm, dịch vụ chủ lực, đặc thù, sản phẩm làng nghề truyền thống và sản phẩm OCOP của tỉnh được hỗ trợ đăng ký bảo hộ, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ thông qua triển khai thực hiện các nhiệm vụ KH&CN; thực hiện được ít nhất 1 nhiệm vụ KH&CN về triển khai các biện pháp bảo vệ và nâng cao hiệu quả hoạt động thực thi quyền sở hữu trí tuệ; 100% các trường đại học, cao đẳng, viện nghiên cứu và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh được tuyên truyền nâng cao nhận thức về sở hữu trí tuệ và hỗ trợ bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho các kết quả nghiên cứu KH&CN... Bên cạnh đó, nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác và phát triển tài sản trí tuệ; thúc đẩy và tăng cường hiệu quả thực thi và chống xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; triển khai các biện pháp bảo vệ và nâng cao hiệu quả hoạt động thực thi quyền sở hữu trí tuệ; tổ chức trưng bày, triển lãm phân biệt sản phẩm được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và sản phẩm xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; phát triển, nâng cao năng lực các tổ chức trung gian và chủ thể quyền sở hữu trí tuệ; hình thành, tạo dựng văn hóa sở hữu trí tuệ trong xã hội.
Theo số liệu thống kê của Sở KH&CN Thanh Hóa, tính đến đầu năm 2022, toàn tỉnh có hơn 400 văn bằng bảo hộ được cấp cho các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh, bao gồm đăng ký nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, kiểu dáng công nghiệp, giải pháp sáng chế. Ngoài ra, còn có hàng chục sản phẩm được cấp chứng nhận nhãn hiệu tập thể. Trong đó, có 4 sản phẩm được chứng nhận chỉ dẫn địa lý gắn với địa danh địa phương, gồm mắm tôm Hậu Lộc, cói Nga Sơn, bưởi Luận Văn Thọ Xuân, quế ngọc Thường Xuân; 23 sản phẩm được xác lập quyền sở hữu trí tuệ đối với sản phẩm, như nước mắm Do Xuyên - Ba Làng, nước mắm Khúc Phụ, tơ Hồng Đô, nón lá Trường Giang, bánh gai Tứ Trụ, kẹo nhãn Lang Chánh, chè lam Phủ Quảng, mắm tép Hà Yên, tương Làng Ái...; hàng trăm sản phẩm của các doanh sản xuất, chế biến nông, lâm, thủy sản được chứng nhận nhãn hiệu.
Xuân Bình