Thứ hai, 30/05/2022 10:14

Ứng dụng công nghệ 5.0 để đổi mới phát triển bền vững ngành nông nghiệp và chuỗi cung ứng

Trong khuôn khổ "Hội thảo quốc tế về nông nghiệp hiệu quả cao tại Việt Nam năm 2022", ngày 29/5/2022, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) đã phối hợp với Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam - Australia (NIC AU) tổ chức Hội thảo với chủ đề “Ứng dụng công nghệ 5.0 để đổi mới phát triển bền vững ngành nông nghiệp và chuỗi cung ứng, nhằm nâng cao chất lượng, phân phối và giá trị nông sản một cách hiệu quả tuần hoàn”.

Trong thời gian qua, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã lan tỏa rộng rãi với sự nỗ lực của nhiều quốc gia trong chuyển đổi số dẫn tới sự phát triển nhanh chóng của các thành phố thông minh lấy công nghệ làm trung tâm. Tuy nhiên, trong bối cảnh thế giới đang phải đối mặt với nhiều thách thức toàn cầu như tình trạng cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, thu hẹp diện tích canh tác, biến đổi khí hậu… thì việc thúc đẩy ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ trong các ngành kinh tế nói chung, nông nghiệp nói riêng là rất cấp thiết. Đặc biệt, ngành nông nghiệp Việt Nam có chủ thể là hàng chục triệu nông dân với quy mô sản xuất còn nhiều hạn chế, trình độ công nghệ chưa cao, năng suất lao động thấp dễ tổn thương và chịu nhiều tác động của sự phát triển như vũ bão của các ngành công nghiệp. Do vậy, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Quốc Doanh mong muốn ngành công nghiệp 5.0 phải mang lại tầm nhìn về một nền công nghiệp, không chỉ lấy hiệu quả và năng suất làm mục tiêu duy nhất, mà còn tăng cường vai trò và đóng góp của công nghiệp cho xã hội. Đồng thời đây là cơ hội to lớn đối với ngành nông nghiệp Việt Nam khi việc ứng dụng khoa học và công nghệ hiện đại song hành với người sản xuất (cụ thể là hàng chục triệu nông dân Việt Nam) sẽ được tiếp cận, đào tạo nâng cao kỹ năng, trình độ và năng lực đủ để thích ứng với công nghệ mới, tạo ra những sản phẩm nông sản đa giá trị kể cả về kinh tế cũng như xã hội, nâng cao thu nhập. Đây cũng là mục tiêu phát triển bền vững của ngành nông nghiệp Việt Nam trong bối cảnh mới.

Phát biểu tại Hội thảo, Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia Vũ Quốc Huy đã đánh giá cao những kết nối cụ thể do Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam tại Úc chủ trì, cùng với sự phối hợp của các mạng lưới ở các nước khác đang thực hiện. Đây là những hoạt động kết nối cụ thể, thiết thực giữa chuyên gia - nhà quản lý và doanh nghiệp nhằm thúc đẩy sự liên kết hợp tác, chia sẻ kiến thức, mở rộng cơ hội kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp thông minh. Đồng thời, Giám đốc Vũ Quốc Huy cũng tin tưởng rằng, với sự hợp tác thúc đẩy tri thức, ưu tiên vấn đề nghiên cứu và phát triển trong nông nghiệp, ứng dụng cuộc cách mạng 5.0 vào nền nông nghiệp sẽ tạo bước tiến lớn và bền vững cho ngành nông nghiệp Việt Nam.

Trong bài tham luận của mình với chủ đề “Công nghệ chuỗi khối (blockchain), NFTs, AI, IoT, Drones và công nghệ tổ chức tự vận hành phi tập trung (DAO) - Nền tảng kinh tế Token cho một thị trường sinh lợi lớn hơn, một mô hình kinh doạnh bình đẳng cho chuỗi nông nghiệp”, GS.TS Nguyễn Duy Luận - CEO kiêm Chủ tịch của Uzip Inc và JWC Lab; giáo sư thành viên tại Trường Kinh doanh McCombs thuộc Đại học Texas cho rằng, cuộc cách mạng 5.0 với việc sử dụng blockchain NFTs, IoT, AI và DAO sẽ là mô hình kinh doanh bình đẳng mới cho ngành nông nghiệp Việt Nam cũng như chuỗi nông nghiệp thế giới. Đồng thời giúp phát triển hiệu quả chuỗi cung ứng nhu cần thực phẩm toàn cầu và góp phần giải quyết vấn nạn thiếu lương thực trên thế giới nói chung.

Từ thực tiễn hiện nay, GS.TS Nguyễn Duy Luận đã đề xuất 3 chiến lược để ngành nông nghiệp Việt Nam có thể tạo vị thế dẫn đầu trong thời gian tới: “Chiến lược ngắn hạn đầu tiên sẽ diễn trong vòng 1 năm. Việt Nam cần tập trung "mượn" ý tưởng, công nghệ, kiến thức, con người, nguồn lực và hệ sinh thái ở trong nước và trên thế giới. Đối với chiến lược trung hạn kéo dài 3 năm, Việt Nam nên tập trung vào gia tăng mức nhận diện, quan tâm giành thị phần và tạo vị thế trong trường quốc tế. Trong chiến lược 5 năm Việt Nam có thể dẫn đầu về công nghệ, xu hướng, cùng với đó tăng doanh thu, lợi nhuận từ nông sản”.

Theo các đại biểu, bên cạnh việc xây dựng các cơ chế, chính sách, chiến lược, chương trình mặc định trong thời gian dài, cần có sự thích ứng với sự thay đổi của kế hoạch giai đoạn 1, 3 năm hoặc 5 năm để điều chỉnh chính sách phù hợp. Đặc biệt là các chính sách hỗ trợ các thành phần tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất như ủng hộ khởi nghiệp sáng tạo, đổi mới sáng tạo và những đầu tư cho nghiên cứu rủi ro, nghiên cứu thử nghiệm, đặc biệt là những thí điểm để đưa chính sách vào cuộc sống song hành với ứng dụng các công nghệ để hình thành một chuỗi mà các bên cùng tham gia. Hay đầu tư cho logistics và cơ sở hạ tầng tại các vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm cũng là vấn đề quan trọng cần có sự tham gia của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giao thông và Vận tải để hình thành một nền nông nghiệp tiên tiến mà trong đó chuỗi giá trị được kết nối và ứng dụng công nghệ cho tất cả các công đoạn, vói sản phẩm đầu ra tạo được giá trị gia tăng.

CT

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)