Ngày 2/12/2021, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã họp phiên thứ 76 và cho biết năm 2022 được công bố là “Năm quốc tế khoa học cơ bản về phát triển bền vững”, đồng thời nhấn mạnh các ứng dụng của khoa học cơ bản đóng vai trò vô cùng quan trọng trong những tiến bộ của y học, công nghiệp, nông nghiệp, tài nguyên nước, quy hoạch năng lượng, môi trường, truyền thông và văn hóa. Các công nghệ đột phá từ khoa học cơ bản đáp ứng nhu cầu của nhân loại bằng cách cung cấp quyền truy cập thông tin và tăng cường phúc lợi xã hội, thúc đẩy hòa bình thông qua hợp tác cải thiện hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững.
Theo PGS.TS Phan Thị Hà Dương - Viện Toán học (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam), ở Việt Nam hiện nay, nhận thức về việc bảo vệ môi trường và tầm quan trọng của KH&CN trong vấn đề này vẫn đang rất cần được phát triển sâu và rộng hơn. Chính vì thế, sự kiện Ngày KH&CN Việt Nam năm nay hướng tới việc phổ biến các kiến thức từ khoa học đến thực tiễn về chủ đề này. Sự kiện có sự đóng góp của các nhà khoa học lý thuyết cũng như các chuyên gia đầu ngành về đo lường các chỉ số môi trường, vật liệu mới, khu sinh quyển, mạng lưới không khí sạch của Việt Nam như: GS.TS Nguyễn Đại Hưng - Chủ tịch Hội Vật lý Việt Nam, PGS.TSKH Trần Đình Phong - đồng Trưởng khoa Khoa học cơ bản và Ứng dụng, Trường Đại học KH&CN Hà Nội; PGS.TS Ngô Đức Thành - đồng Trưởng khoa Vũ trụ và Ứng dụng, Trường Đại học KH&CN Hà Nội; TS Nguyễn Thị Huyền Trang - Đại học Southern California; GS.TS Nguyễn Hoàng Trí - Chủ tịch Uỷ ban Quốc gia Chương trình Con người và Sinh quyển…
Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã được nghe các tham luận gồm: Vật lý trong quan trắc môi trường không khí; Bài toán ngược ở quanh ta; Hydro - Một "nhiên liệu" thân thiện môi trường?; Tư duy hệ thống trong xây dựng và quản lý các khu sinh quyển UNESCO tại Việt Nam…
Phượng - Diện