Phát biểu khai mạc hội thảo, Chủ nhiệm VNU-SIS PGS.TS Nguyễn Văn Hiệu cho biết: Việt Nam là một quốc gia có số lượng di sản phong phú, loại hình đa dạng của cộng đồng 54 dân tộc. Di sản được coi như là tài sản văn hóa, vô giá đối với cộng đồng, dân tộc, quốc gia và đóng góp vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đất nước. Tuy nhiên, di sản cũng đang đứng trước nhiều thách thức về sự tồn tại, bảo vệ và phát huy giá trị. Di sản bị mai một, hư hại do tác động của thiên tai cũng như sự can thiệp con người một cách thiếu kiểm soát, sai mục đích, vô nguyên tắc. Hiện nay, Việt Nam có trên 10.000 di tích được xếp hạng cấp tỉnh; 3.581 di tích quốc gia; 119 di tích quốc gia đặc biệt, 08 di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, 14 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh; 396 di sản văn hóa phi vật thể ghi danh trong danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, 3 di sản tư liệu thế giới và 4 di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
PGS.TS Nguyễn Văn Hiệu khẳng định, nhiều di sản bị xâm hại trong quá trình trùng tu, tôn tạo di tích; khai thác quá mức nguồn tài nguyên di sản thiên nhiên trong khi chưa quan tâm đầy đủ đến tính hài hòa và bền vững về mặt môi trường và xã hội; hiểu sai về vai trò của cộng đồng trong thực tiễn bảo vệ di sản, đặc biệt là đối với di sản văn hóa phi vật thể. Trong bối cảnh đó, VNU-SIS với tâm thế của một đơn vị tiên phong đào tạo chuyên sâu về lĩnh vực di sản đã, đang và sẽ triển khai các hoạt động hợp tác về khoa học, góp phần vào chiến lược phát triển văn hóa, bảo tồn và phát huy giá trị di sản, hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam.
Hội thảo hội tụ những nhà khoa học đầu ngành về di sản, các chuyên gia, các nhà quản lý Trung ương và địa phương, các nhà báo, đại diện cộng đồng tham dự. Hội thảo là một diễn đàn học thuật cần thiết để các nhà khoa học, nhà quản lý trình bày, trao đổi về các khía cạnh của công tác quản lý, bảo vệ và phát huy di sản văn hóa trong bối cảnh đương đại. Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung trao đổi và thảo luận một số nội dung sau: i) di sản học, lý thuyết và cách tiếp cận; ii) bảo vệ và phát huy di sản trong phát triển; iii) những thách thức bảo vệ và phát huy di sản trong bối cảnh đương đại; iv) nguồn nhân lực và giáo dục di sản.
VVH