Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Nguyễn Công Danh - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh cho biết: Bà Rịa - Vũng Tàu là địa phương có nhiều tiềm năng để áp dụng mô hình KTTH; có vị trí trọng yếu kết nối kinh tế - xã hội, quốc phòng và an ninh vùng Đông Nam Bộ, đồng thời là địa phương có nhiều giá trị văn hóa lịch sử cách mạng rất quan trọng, luôn được Đảng và Nhà nước dành nhiều sự quan tâm, chỉ đạo trong bảo tồn, khai thác và phát triển kinh tế - xã hội. Để phát triển tương xứng với những thế mạnh hiện có, tận dụng có hiệu quả những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, cùng với sự chuyển đổi thường xuyên của nền kinh tế số, Bà Rịa - Vũng Tàu cần phải có những bước chuyển hóa mạnh mẽ hơn nữa trong xây dựng, phát triển kinh tế xã hội tại địa phương, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, giảm thiểu phát thải, bảo vệ môi trường vì mục tiêu tăng trưởng xanh, phát triển bền vững.
Việc áp dụng mô hình KTTH cho Côn Đảo, một mặt có thể đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, mặt khác giữ gìn vệ sinh môi trường, phát huy các giá trị văn hóa, sinh thái, chủ động ứng phó với những thay đổi của môi trường (bao gồm biến đổi khí hậu, mực nước biển dâng) đáp ứng các yêu cầu, chủ trương phát triển bền vững, tăng trưởng xanh mà Đảng và nhà nước đề ra. Đồng thời, sẽ tạo ra nhiều chuyển biến tích cực trong việc phục vụ thúc đẩy tăng trưởng bền vững của huyện đảo, trở thành huyện đảo tiên phong và hình mẫu điển hình trong áp dụng kinh tế tuần hoàn trong tỉnh và cả nước.
Tham luận tại hội thảo, PGS.TS Nguyễn Hồng Quân - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển KTTH cho biết, Côn Đảo có nguồn tài nguyên thiên nhiên và hệ sinh thái phong phú, đa dạng sinh học cao, có tiềm năng lớn trong khai thác dịch vụ sinh thái rừng. Tuy nhiên, Côn Đảo đang đối mặt với những thách thức từ các hoạt động của ngành du lịch. Bên cạnh đó, Côn Đảo đang gặp nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế nông nghiệp và công nghiệp, phụ thuộc nguồn cung ứng về nguyên vật liệu, thực phẩm, dịch vụ từ đất liền với chi phí vận chuyển cao; giá trị gia tăng mang lại cho nền kinh tế Côn Đảo từ việc di dân là không cao, trái lại tạo ra áp lực trong việc cung ứng nhu cầu thiết yếu và những thách thức trong duy trì sự phát triển bền vững của Côn Đảo. PGS.TS Nguyễn Hồng Quân nhấn mạnh, “Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, nếu có sự quyết tâm chính trị của lãnh đạo địa phương, sự tham gia của các bên liên quan và người dân thì việc áp dụng KTTH sẽ tạo ra nhiều chuyển biến tích cực trong việc phục vụ thúc đẩy tăng trưởng bền vững của Côn Đảo”.
Với những lợi thế và thách thức mà Côn Đảo đang gặp phải, các đại biểu đã gợi ý các chiến lược, giải pháp và kế hoạch hành động cho Côn Đảo như: giải pháp ứng dụng KTTH trong ngành du lịch, tái tạo vốn con người để đáp ứng được các yêu cầu trong bối cảnh mới, bảo tồn thiên nhiên... Các ý kiến góp ý này sẽ là gợi ý quan trọng để tỉnh hoàn thiện Đề án “Nghiên cứu và ứng dụng mô hình KTTH phục vụ phát triển kinh tế - xã hội bền vững huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giai đoạn 2022-2026’’
Tin và ảnh: CTV