Sự ra đời Google scholar
Từ năm 2004, Google phát triển tính năng “Google scholar” để cập nhật công trình và số trích dẫn (citations) khoa học. Và từ đây, nhà khoa học có thêm một kênh thông tin hữu ích để tra cứu cập nhật năng suất khoa học của mình và các đồng nghiệp. Thông thường chỉ số H index và số trích dẫn (citations) luôn được nhắc đến. Một xu thế công khai hồ sơ khoa học của người làm nghề nghiên cứu ngày càng rõ nét. Thông qua các chỉ số này, người ta biết được mức độ tầm ảnh hưởng của nhà khoa học trong lĩnh vực của họ.
Câu chuyện trở nên ý nghĩa với tôi khi về công tác tại Trường Đại học Kinh tế (UEB), Đại học Quốc gia Hà Nội. Nhà trường yêu cầu cán bộ giảng viên, nghiên cứu viên cập nhật hồ sơ khoa học lên trang Google scholar. Tôi cho rằng đây là một bước đi đúng đắn của UEB trong bối cảnh bùng nổ thông tin, hội nhập quốc tế gắn với nhu cầu công khai minh bạch ngày càng cao. Cũng từ đây, cán bộ giảng viên, nhà nghiên cứu có cơ hội để kiểm tra, đo đếm tác động khoa học của bản thân mình và có kế hoạch cải thiện nó qua thời gian.
Preprints và sự văn minh
Cách đây không lâu, trong quá trình làm nghiên cứu, tôi được đồng nghiệp khả kính giới thiệu một kênh lưu trữ các bản thảo khoa học, còn gọi là bản Preprint (s). Bản chất bản Preprints chính là bản thảo khoa học gốc chưa qua phản biện từ đồng nghiệp. Hiện nay, có rất nhiều trang web lưu bản Preprint cho nhiều lĩnh vực. Ví dụ như OSF Preprints dành cho đa ngành, agriRxiv dành cho ngành nông nghiệp, SocArXiv dành cho khối xã hội... Sau một thời gian tìm hiểu và sử dụng dạng Preprint, tôi nhận ra rằng, Preprints là công cụ văn minh và rất hữu ích cho nhà khoa học. Sau đây xin điểm lại một số lợi ích chính của Preprints như sau:
Thứ nhất, miễn phí, người sử dụng (nhà khoa học) không phải trả bất cứ khoản chi phí nào. Trang Preprint vẫn cho phép update các bản mới hơn liên tục qua thời gian và điều này mang lại nhiều tiện lợi trong quá trình hoàn thiện bản thảo.
Thứ hai, lưu giữ ý tưởng gốc. Trong khi làm khoa học, ý tưởng gốc vô cùng quan trọng, đó là ý tưởng thể hiện quan điểm đầu tiên của nhà khoa học. Ý tưởng đó có thể chưa hoàn hảo, xù xì nhưng đó lại toát lên vẻ đẹp cá tính của nhà khoa học. Bản thảo này khi gửi đi tạp chí khoa học sẽ trải qua quá trình phản biện và chỉnh sửa theo yêu cầu của ban biên tập và phản biện. Cố nhiên, đa phần những góp ý có tác dụng tốt nhưng không phải luôn luôn như vậy khi (nếu) làm mất đi sắc vị ban đầu của ý tưởng. Ví dụ, một đồng nghiệp của tôi từng chia sẻ có lần ông ấy nhất định không đồng ý với yêu cầu chỉnh sửa của phản biện và rút lại bài để đăng ở dạng bản Preprint. Điều thú vị là chính bản thảo này sau này được trích dẫn khá nhiều. Như vậy, việc lưu giữ ý tưởng gốc là quý giá, nó không chỉ thể hiện phẩm chất hạt nhân ban đầu của bản thảo mà còn giúp cho nhà khoa học theo dõi quá trình cải tiến (thay đổi) bản thảo.
Thứ ba, phản ánh văn minh công khai minh bạch. Đây có lẽ là một đóng góp quan trọng của Preprint. Khoa học văn minh nhờ sự công khai [1] và bản Preprint giúp nhà khoa học công khai sản phẩm của mình. Hay nói cách khác, nguồn gốc của bài báo có vết tích ở preprint cho thấy sự minh bạch (đạo đức) của nhà khoa học trong nghề.
Thứ tư, chia sẻ và đóng góp ý tưởng khoa học cho thế giới học thuật. Nhà khoa học rõ ràng chia sẻ ý tưởng bản thảo trong khi chưa hoàn thiện, điều đó cũng đồng nghĩa với việc nhà khoa học không những thể hiện sự khiêm tốn khi muốn đón nhận sự đóng góp và hợp tác của những người có cùng chung mối quan tâm về chủ đề đó mà còn mong muốn đóng góp ý tưởng khoa học cho cộng đồng khoa học. Suy cho cùng đó là mỹ cảm hướng thượng của nghề nghiên cứu.
Thứ năm, Preprint giúp bạn có thêm trích dẫn khoa học. Đây là phần thưởng ý nghĩa cho nhà khoa học có tâm hồn hướng thượng, đóng góp ý tưởng, tri thức cho khoa học. Mỗi một bài Preprint cũng sẽ giúp bạn tăng cơ hội trích dẫn từ đồng nghiệp. Chẳng phải chúng ta làm khoa học để đóng góp cho tri thức nhân loại và có tác động lên cộng đồng khoa học? Preprint giúp bạn thực hiện điều này một cách hiệu quả và nhân văn.
Cuối cùng, là chỗ để nhà khoa học thực hành quá trình tu luyện bản thân. Một tác phẩm đến từ quá trình lao động dài lâu, là sự tổng hợp từ nhiều mảnh ghép nhỏ. Mỗi mảnh ghép lại không phải xuất hiện tại một thời điểm. Preprint thôi thúc nhà khoa học thực hành viết ra những suy nghĩ vừa xuất hiện và lưu giữ chúng, nó giống như quá trình lưu giữ nhật ký khoa học. Điều kiện không thể thiếu để thực hành hệ nguyên lý 3DMS (3D-Mindsponge-Serendipity) [2-5]. Có thể nói, ấn phẩm Preprint giúp nhà khoa học hình thành bức tranh (con đường) lớn hơn thay vì chỉ tập trung vào 1 bài báo. Đây có lẽ là giá trị lớn nhất của Preprint mang lại.
Tin vào tương lai
Không còn nghi ngờ gì nữa, Google scholar và Preprint thực sự là những vũ khí lợi hại của thời đại bùng nổ công nghệ cho các nhà khoa học với những lợi ích không thể chối bỏ. Từ trải nghiệm của riêng mình, tôi thấy được vai trò to lớn của Google scholars và Preprint trong quá trình tu rèn bản thân và lan tỏa mỹ cảm tri thức, hướng thượng ra cộng đồng khoa học và xã hội.
Nhâm nhi cốc trà xanh, thưởng thức hương vị, cảnh sắc của đất trời những ngày cuối năm dương lịch 2021, tôi được đồng nghiệp - một nhà nghiên cứu tài ba chia sẻ một bài viết đặc sắc nói về quá trình tìm tòi giải nghĩa chữ “研究” [6]. Đọc xong bài của ông, tôi ngộ ra rất nhiều điều về “nghiệp” nghiên cứu. Và trong những điều ấy tôi không quên rằng, trong hành trình nghiên cứu gian khổ và hạnh phúc này, Google scholar và Preprint thực sự là món quà giá trị cho tôi và các đồng nghiệp trong kỷ nguyên số 4.0.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Q.H. Vuong (2020), “Reform retractions to make them more transparent”, Nature, 582(7811), DOI: 10.1038/d41586-020-01694-x.
[2] Khuc Q. Van (2021), "Questioning in the 3D-Mindsponge-Serendipity (3DMS) system", OSF Preprints,DOI: 10.31219/osf.io/uz2yn.
[3] N.K. Napier, Q.H. Vuong (2013), Serendipity as a strategic advantage? (Strategic Management in the 21st Century), Praeger/ABC-Clio, pp. 175-199.
[4] Q.H. Vuong, N.K. Napier (2014), "Making creativity: the value of multiple filters in the innovation process", International Journal of Transitions and Innovation Systems, 3(4), DOI: 10.1504/ijtis.2014.068306.
[5] Q.H. Vuong, N.K. Napier (2015), "Acculturation and global mindsponge: an emerging market perspective", International Journal of Intercultural Relations, 49, DOI: 10.1016/j.ijintrel.2015.06.003.
[6] Q.H. Vuong (2021), Tìm hiểu về chữ nghiên cứu 研究, https://nhovuonque.blogspot.com/2021/12/tim-hieu-ve-chu-nghien-cuu.html.