Thứ hai, 13/12/2021 15:51

Sản phẩm mác mật của tỉnh Lạng Sơn cần sớm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý

Nhằm thúc đẩy phát triển thực thi quyền sở hữu trí tuệ, đáp ứng yêu cầu hội nhập, đưa sở hữu trí tuệ trở thành công cụ quan trọng nhằm nâng cao giá trị các sản phẩm chủ lực của địa phương, trong đó có sản phẩm mác mật, Lạng Sơn đang trình Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) xem xét phê duyệt nhiệm vụ KH&CN thuộc Chương trình phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2021-2030. 

Mác mật là cây bản địa có từ rất lâu ở chân núi đá vôi thuộc các huyện Bắc Sơn, Bình Gia, Văn Quan, Chi Lăng, Cao Lộc thuộc tỉnh Lạng Sơn. Lá và quả mác mật là thực phẩm sạch để chế biến nhiều món ăn nổi tiếng ở Lạng Sơn từ bao đời nay. Ngoài làm gia vị, mác mật còn được biết đến là có nhiều tác dụng tốt đến sức khỏe con người. Trong lá, quả, hạt mác mật chứa nhiều tinh dầu có tác dụng giảm đau tốt, cao chiết từ quả có tác dụng lợi mật, cao chiết từ lá và tinh dầu từ quả có tác dụng ức chế men gan.

Tại Lạng Sơn, cây mác mật tập trung tại 5 huyện (Bắc Sơn, Bình Gia, Văn Quan, Chi Lăng, Cao Lộc) với diện tích khoảng 350 ha, sản lượng thu hoạch hàng năm đạt trên 5.000 tấn quả. Giá bán trung bình quả mác mật tươi tại Lạng Sơn đã tăng lên nhanh chóng trong thời gian vừa qua. Năm 2015, giá bán tại vườn của hộ nông dân là 15.000 đồng/kg, thì năm 2020 đã tăng lên thành 25.000 đồng/kg. Với giá bán như hiện nay, thu nhập trung bình của mỗi ha trồng mác mật đạt 40-50 triệu đồng/năm. Vì vậy, từ chỗ thu hái tự nhiên, người dân Lạng Sơn đã chủ động mở rộng diện tích trồng cây mác mật. Điều đó cho thấy, tỉnh Lạng Sơn có nhiều tiềm năng để nâng cao hiệu quả khai thác chuỗi giá trị mác mật trong thời gian tới.

Mặc dù có nhiều lợi thế và tiềm năng phát triển, hoạt động sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm mác mật của người dân tỉnh Lạng Sơn hiện nay còn gặp một số hạn chế và khó khăn trong bảo vệ danh tiếng, uy tín chất lượng sản phẩm đặc sản, tổ chức quản lý chất lượng sản phẩm, liên kết, phát triển thị trường tiêu thụ theo chuỗi giá trị...

Để phát triển sản xuất một cách bền vững, cần sớm xây dựng chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm mác mật Lạng Sơn để đảm bảo có các thông tin về nguồn gốc xuất xứ, tiêu chuẩn chất lượng (cảm quan, lý hóa) rõ ràng, áp dụng chung một quy trình kỹ thuật sản xuất để đảm bảo chất lượng đồng đều của sản phẩm. Quản lý, khai thác chỉ dẫn địa lý sau khi được bảo hộ sẽ góp phần duy trì chất lượng đặc thù của sản phẩm và ngăn chặn hiện tượng hàng giả/hàng nhái thông qua việc xây dựng hệ thống các văn bản, công cụ quản lý chỉ dẫn địa lý, kiểm soát chất lượng và nguồn gốc sản phẩm được bảo hộ, thiết lập mô hình sản xuất, quản lý sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý theo chuỗi giá trị gắn với truy xuất nguồn gốc và quản lý chất lượng. Ngoài ra, việc xây dựng chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm mác mật của tỉnh Lạng Sơn góp phần nâng cao năng lực cho các tác nhân trong chuỗi giá trị thông qua tổ chức các hội nghị đào tạo, tập huấn về các kiến thức liên quan đến sở hữu trí tuệ, kỹ thuật sản xuất sản phẩm, marketing và phát triển thị trường tiêu thụ...

Việc sản phẩm mác mật Lạng Sơn được bảo hộ chỉ dẫn địa lý sẽ cung cấp cơ sở hợp tác có lợi giữa người sản xuất và kinh doanh sản phẩm cũng như giúp tăng khả năng nhận biết, bảo vệ danh tiếng cho sản phẩm, chứng nhận các đặc tính chất lượng và chất lượng đặc thù của sản phẩm gắn với các điều kiện địa lý đặc biệt của khu vực sản xuất. Người tiêu dùng được chỉ dẫn rằng sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ, chất lượng rõ ràng, đảm bảo các điều kiện an toàn thực phẩm. Từ đó, nâng cao khả năng tiếp cận thị trường và giá bán của sản phẩm, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và du lịch của tỉnh Lạng Sơn.

Trong xu thế nền kinh tế thị trường đang ngày càng đòi hỏi các sản phẩm có chất lượng cao với sự đảm bảo về chất lượng, giá cả ổn định, một yêu cầu cấp thiết đặt ra cho các sản phẩm mác mật tỉnh Lạng Sơn là phải xác định được tên tuổi và chỗ đứng trên thị trường... Do đó, việc xây dựng và quản lý chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm mác mật của tỉnh Lạng Sơn là cần thiết, góp phần thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương một cách bền vững theo hướng nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng.

BL

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)