Theo số liệu thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, hiện nay tổng diện tích trồng nhãn trên địa bàn TP Hà Nội là hơn 1.720 ha, gồm nhiều giống khác nhau, với sản lượng ước tính đạt 25.000 tấn. Nhãn chín muộn có diện tích khoảng 600 ha, được trồng tập trung tại hai huyện Quốc Oai, Hoài Đức và rải rác tại một số xã của các huyện Chương Mỹ, Mỹ Đức, Ba Vì, Đan Phượng… Đây là sản phẩm được TP lựa chọn là một trong 4 loại cây trồng chủ lực của ngành nông nghiệp Thủ đô.
Xã Đại Thành, huyện Quốc Oai, Hà Nội được xem là thủ phủ của nhãn chín muộn. Nhãn chín muộn Đại Thành có đặc điểm cùi dày, giòn, ráo nước, dễ tách, vị thơm và ngọt đậm, khối lượng trung bình đạt 70-75 quả/kg, đặc biệt thời gian thu hoạch muộn hơn so với giống nhãn đại trà khác khoảng 1 tháng (từ 20/8-20/9). Trưởng phòng Kinh tế huyện Quốc Oai Nguyễn Quang Thắm cho biết: “Nhãn chín muộn không chỉ là cây ăn quả đặc sản của Hà Nội mà còn là cây trồng chiến lược của huyện Quốc Oai nói chung và xã Đại Thành nói riêng. Với lợi thế về thổ nhưỡng, là nơi lưu giữ nguồn gen giống nhãn chín muộn lâu năm nhất Hà Nội, đến nay, cây nhãn chín muộn đã trở thành cây trồng chủ lực, làm giàu của người dân xã Đại Thành”.
Để phát triển bền vững cho giống nhãn này, một trong những yếu tố được quan tâm hàng đầu của người trồng nhãn Đại Thành là năng suất đi đôi với chất lượng. Hiện nay, hơn 90% số hộ trên địa bàn xã Đại Thành đang đầu tư thâm canh nhãn chín muộn theo quy trình VietGAP. Sản phẩm này đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể “Nhãn chín muộn Đại Thành Quốc Oai” và được xuất khẩu sang Mỹ, Nhật Bản và một số nước châu Âu. Trước tình hình đó, việc xây dựng hệ thống quản lý, phát triển chỉ đẫn địa lý gắn với kiểm soát chất lượng, nguồn gốc sản phẩm đáp ứng các điều kiện xuất khẩu sẽ giúp nâng cao giá trị hiệu quả kinh tế cho sản phẩm nhãn Đại Thành.
BL