Ứng dụng KH&CN trong xây dựng NTM và những kết quả đạt được
Xây dựng NTM là một chương trình tổng thể về phát triển kinh tế - xã hội, chính trị và an ninh quốc phòng do Chính phủ xây dựng và triển khai trên phạm vi nông thôn toàn quốc (theo Nghị quyết số 26-NQ/TW tại Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn). Trên cơ sở đó, để triển khai thực hiện tại các địa phương, Chính phủ đã ban hành các Quyết định liên quan đến NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu như: Quyết định số 691/QĐ-TTg ngày 5/6/2018, Quyết định số 357/QĐ-TTg ngày 10/3/2020 nhằm từng bước nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn.
Hưởng ứng phong trào thi đua cả nước chung sức xây dựng NTM, tỉnh Thái Bình đã ban hành các chính sách, kế hoạch tổ chức thực hiện phù hợp với thực tiễn về xây dựng NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. Mỗi năm, số nhiệm vụ KH&CN trong lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh luôn chiếm trên 55% tổng số các nhiệm vụ KH&CN. Từ các chương trình KH&CN cấp nhà nước, cấp bộ và nguồn vốn khuyến nông, khuyến ngư, đã có nhiều đề tài, dự án KH&CN, mô hình ứng dụng tiến bộ KH&CN được triển khai, đưa sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng khai thác tốt hơn tiềm năng, lợi thế của tỉnh; đóng góp thiết thực phục vụ cho tái cơ cấu nông nghiệp, phát triển nông nghiệp công nghệ cao và xây dựng NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu ở Thái Bình. Cụ thể như:
Đã nghiên cứu tuyển chọn và triển khai thành công nhiều giống vật nuôi, cây trồng mới có giá trị kinh tế cao vào sản xuất. Điển hình là các giống bò lai Sind, bò Brahman; các giống lợn như Đại bạch, Duroc, Yorkshire; các giống gia cầm siêu thịt, siêu trứng như gà Lương Phượng (Ai Cập); vịt (Triết Giang); ngan (Pháp); các giống thủy - hải sản như: cá chim trắng, cá chép lai 3 máu, cá rô phi đơn tính, cá nheo (Mỹ). Về giống cây có thể kể đến: giống lúa thuần, lúa lai (Trung Quốc), ngô, đậu tương, khoai tây, dưa. Đặc biệt, đã có 11 giống cây trồng chọn lọc, nhân giống tại Thái Bình được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận là giống quốc gia (vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra 3 giống) như các giống lúa CNR36, TBR1, BC15, TBR36. Từ hai giống lúa TBR225 và TBR 279 đã tạo được ra hai giống lúa lai chịu ngập mặn là DT68 và Hương ưu 98, thích hợp cho vùng đất nhiễm mặn của tỉnh.
Nhiều mô hình ứng dụng tiến bộ KH&CN phục vụ phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn đã được xây dựng, chuyển giao như: ứng dụng thành công mô hình nuôi vỗ ngao bố mẹ, cho ngao đẻ và ương ấu trùng ngao bằng nguồn thức ăn từ ba loại tảo (Isochrysis gallabana, Chlorellasp, Nannochloropsis oculata) tại Công ty Minh Phú, huyện Thái Thụy. Các mô hình khác như: sản xuất khép kín từ giống lúa đến gạo thương phẩm; sản xuất mạ khay phục vụ cấy máy; áp dụng các quy trình công nghệ nuôi hiện đại, an toàn sinh học theo quy trình VietGAHP để phát triển chăn nuôi theo phương thức trang trại quy mô lớn; ứng dụng công nghệ khí canh và công nghệ nuôi cấy mô tế bào để sản xuất giống khoai tây sạch bệnh; nuôi thương phẩm tôm thẻ chân trắng trong nhà có che phủ nilon; cải tạo đàn bò thịt (bò 3B: Bleanc Blue Belge ở Hưng Hà, Vũ Thư); ứng dụng tiến bộ kỹ thuật nuôi gà Tò thương phẩm theo hướng VietGAHP tại xã An Mỹ, huyện Quỳnh Phụ…
Xây dựng quản lý nhãn hiệu tập thể “Bạc Đồng Xâm” cho sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ bạc của Làng Chạm bạc Đồng Xâm; tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể “Tỏi Thái Thụy” và quản lý, phát triển nhãn hiệu chứng nhận “Ngao Thái Bình”, góp phần quảng bá và phát triển thị trường cho một số sản phẩm truyền thống của địa phương.
Đặc biệt, trong giai đoạn 2016-2021, được sự quan tâm của Bộ KH&CN, tỉnh Thái Bình triển khai thực hiện 14 dự án thuộc Chương hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KH&CN thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số (trong đó có 2 dự án đã được nghiệm thu, 3 dự án chuẩn bị nghiệm thu, 6 dự án đang thực hiện và 3 dự án bắt đầu thực hiện từ năm 2021). Các mô hình thực hiện thành công từ các dự án thuộc Chương trình đã được áp dụng rộng rãi tại các địa phương. Các kết quả ứng dụng KH&CN đã góp phần tạo ra công ăn việc làm cho người dân, bộ mặt mới cho nông thôn Thái Bình.
Sở KH&CN Thái Bình kiểm tra thực tế đề tài “Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật sinh sản tiên tiến nhân giống gà Tò và xây dựng mô hình nuôi gà Tò thương phẩm theo hướng VietGAHP”
Một số hạn chế và giải pháp tháo gỡ
Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động xây dựng NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu vẫn còn một số hạn chế, bất cập như: việc ứng dụng KH&CN vào nông nghiệp còn thấp, chưa tạo ra sự đột phá làm cơ sở vững chắc cho việc thực hiện tái cơ cấu ngành theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Ví dụ, trong sản xuất lúa chưa xác định được cụ thể giống lúa chủ lực để sản xuất hàng hóa. Sản phẩm nông nghiệp chủ yếu vẫn là sản phẩm thô; giá trị sản phẩm nông nghiệp còn chiếm tỷ trọng thấp trong chuỗi giá trị. Mặc dù đã có một số sản phẩm đặc thù của địa phương được Nhà nước cấp văn bằng bảo hộ nhưng sức tiêu thụ còn kém, chưa phát triển thành thương hiệu mạnh như mắm cáy Hồng Tiến, tỏi Thái Thụy.
Ngoài ra, tình trạng ô nhiễm môi trường nông thôn có xu hướng gia tăng, việc ứng phó với biến đổi khí hậu còn hạn chế. Đô thị hóa, công nghiệp hóa gắn với việc quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội thiếu đồng bộ, thiếu tổng thể ít nhiều đã phá vỡ các cảnh quan tự nhiên, cảnh quan bản địa/truyền thống, làm suy giảm các chức năng sinh thái của vùng nông thôn, gia tăng ô nhiễm không khí, tiếng ồn và nước thải công nghiệp tại chỗ ở khu vực nông thôn.
Để khắc phục những hạn chế nêu trên, cần xác định KH&CN phải đi trước một bước nhằm tìm ra những cách làm hay, mô hình hiệu quả, thúc đẩy phát triển sản xuất, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và nâng cao thu nhập của người dân, cụ thể cần chú trọng các giải pháp:
Một là, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến tri thức khoa học để nâng cao dân trí cho vùng nông thôn với nguyên tắc: chính xác, đơn giản, dễ hiểu, dễ áp dụng để giúp người dân tiếp cận và áp dụng ngay vào thực tiễn sản xuất. Tránh hình thức “hàn lâm”, “sách vở” và phải được triển khai thực hiện theo một kế hoạch cụ thể, đảm bảo đúng đối tượng, đúng nhu cầu.
Hai là, chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ KH&CN có trình độ chuyên môn; có kiến thức, kỹ năng nghiên cứu, tiếp thu, làm chủ, phát triển công nghệ cao nhằm ứng dụng tiến bộ KH&CN, tạo bước đột phá trong nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp nông thôn.
Ba là, triển khai các nghiên cứu KH&CN nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng khai thác và phát huy được các lợi thế của từng địa phương, giá trị văn hóa đặc trưng của từng vùng..., qua đó nâng cao giá trị cho sản xuất nông nghiệp theo hướng thúc đẩy phát triển dịch vụ, chuỗi tiểu thủ công nghiệp ở khu vực nông thôn mẫu.
Bốn là, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền làm thay đổi nhận thức của cán bộ các cấp, cộng đồng về tầm quan trọng và ý nghĩa của Chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm - OCOP; ưu tiên các đề xuất nhiệm vụ KH&CN liên quan đến phát triển sản phẩm thuộc Chương trình này. Hỗ trợ các hoạt động liên quan đến ứng dụng KH&CN trong phát triển sản xuất sản phẩm và xúc tiến thương mại, tăng cường các hoạt động quảng bá, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên Sàn Giao dịch công nghệ và thiết bị để sản phẩm của địa phương trở thành thương hiệu, gây dựng được hình ảnh và niềm tin đối với người tiêu dùng trong nước và quốc tế.
Năm là, đẩy mạnh ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KH&CN trong sản xuất, chế biến nguyên liệu và quản lý chất lượng sản phẩm; phát triển sản phẩm gắn với tiêu thụ. Đổi mới và phát triển các HTX nông nghiệp, hỗ trợ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, HTX, cơ sở, làng nghề xây dựng thương hiệu sản phẩm, chỉ dẫn địa lý, đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, ghi nhãn hàng hóa, mã số, mã vạch, truy xuất nguồn gốc, áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, công bố tiêu chuẩn chất lượng cho các sản phẩm thuộc Chương trình OCOP.
Có thể nói, ứng dụng tiến bộ KH&CN được xem là chìa khóa tạo bước đột phá trong nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả của sản xuất nông nghiệp và là động lực quan trọng để xây dựng NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. Trong thời gian tới, Sở KH&CN Thái Bình sẽ tiếp tục chủ động rà soát, phát hiện những vấn đề cấp thiết trong xây dựng NTM, tập trung triển khai các nhiệm vụ KH&CN gắn với những vấn đề cấp thiết của thực tiễn; ưu tiên triển khai các mô hình, dự án chuyển đổi sản xuất, phát huy lợi thế của từng địa bàn dân cư nhằm phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi để phát huy vai trò của các nhà khoa học, các cơ quan nghiên cứu, đưa KH&CN gắn với thực tiễn; phối hợp chặt chẽ với các tổ chức, cá nhân chủ trì đề tài, dự án triển khai trên địa bàn tỉnh để việc thực hiện đảm bảo chất lượng, đúng tiến độ và định hướng.