Thứ ba, 19/10/2021 10:45

Mở cánh cửa ra thế giới cho dầu mù u của Việt Nam

TS Lưu Xuân Cường1, KS Trần Văn Thái2, TS Lê Xuân Tiến3, Nguyễn Đức Hiệp Tâm4

1Công ty CP Quốc tế AOTA

2 Công ty TNHH May Mắn

3Trường Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh

4Công ty TNHH Dermatech Vietnam

Nhóm các nhà nghiên cứu thuộc trường đại học1 và doanh nghiệp2 của Việt Nam đã nghiên cứu phát triển thành công quy trình tinh chế và sản xuất dầu mù u. Đặc biệt, sản phẩm này đã được nhóm đăng ký Tiêu chuẩn nguyên liệu mỹ phẩm tự nhiên (COSMOS) do tổ chức ECOCERT, Pháp chứng nhận. Với tiêu chuẩn này, sản phẩm đủ điều kiện xuất khẩu sang châu Âu. Đây cũng là nguyên liệu mỹ phẩm đầu tiên tại Việt Nam đăng ký thành công Tiêu chuẩn COSMOS. Việc đầu tư một cách hoàn chỉnh từ nghiên cứu công nghệ sản xuất, tới đăng ký tiêu chuẩn quốc tế để rộng đường cho việc thương mại hóa và xuất khẩu sản phẩm như những gì nhóm nghiên cứu đang làm sẽ mang lại lợi ích đa chiều: tạo cơ hội xuất khẩu cho các sản phẩm dược liệu của Việt Nam, khuyến khích nghiên cứu và đổi mới công nghệ trong doanh nghiệp, gắn kết và mang lại lợi ích kinh tế cho các bên liên quan trong chuỗi giá trị của sản phẩm (nông dân, thương nhân, nhà nghiên cứu, doanh nghiệp).

Mù u (Calophyllum inophyllum) - một loại cây mọc nhiều ở nước ta, đặc biệt là tại các tỉnh miền tây như Bến Tre, Cà Mau, mỗi năm có thể thu hoạch khoảng 500 tấn hạt, song hầu như không được quan tâm vì giá rẻ.

Trong dầu mù u (lấy từ hạt mù u) có chứa nhiều acid béo và các hoạt chất có tác dụng tốt cho việc làm lành vết thương. Từ xa xưa, ông cha ta đã biết dùng dầu mù u để chữa bỏng và bôi lên vết thương để chóng lên da non.

Hình 1. Trái mù u.

Mặc dù có tiềm năng song dầu mù u của nước ta chưa được quan tâm sử dụng cũng như thương mại hóa vì nhiều nguyên nhân. Dầu có màu sắc quá đậm và độ rít cao do quá trình ép sử dụng phương pháp thủ công đã khiến một lượng lớn nhựa từ hạt đi ra cùng dầu, làm cho màu sắc của dầu rất đậm và gây rít da; tình trạng lẫn nhiều nhựa trong dầu cũng làm giảm tác dụng của dầu trên da. Bên cạnh đó, việc xuất khẩu dầu làm nguyên liệu cũng rất khó khăn do dầu mù u của Việt Nam chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn kỹ thuật quốc tế, đặc biệt là tiêu chuẩn “organic”.

Để giải quyết vấn đề trên, nhóm các nhà nghiên cứu thuộc trường Trường Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh và Trường Cao đẳng Công nghệ cao Đồng An đã thực hiện đề tài “Sản xuất dầu mù u tinh chế và đăng ký chuẩn nguyên liệu mỹ phẩm tự nhiên phục vụ xuất khẩu” dưới sự tài trợ và phối hợp của 3 doanh nghiệp: Công ty CP Quốc tế AOTA; Công ty TNHH May Mắn; Công ty TNHH Dermatech Vietnam.

Thông qua việc thực hiện đề tài, nhóm nghiên cứu đã phân tích được thành phần hóa học của dầu mù u, khẳng định được các công dụng chính của dầu là: làm ẩm da, mềm da, tái tạo tế bào mới; kháng khuẩn, kháng viêm; giảm đau, làm lành vết thương. Đặc biệt, dầu mù u rất tốt cho việc phục hồi da sau chấn thương (hình 2).

Hình 2. Khả năng phục hồi da bị thương của dầu mù u theo thời gian.

Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu đã xây dựng được quy trình tinh chế và sản xuất dầu mù u. Theo quy trình này, hạt mù u sau khi thu mua về sẽ được loại bỏ các hạt hỏng, tách vỏ, xay hạt và sấy đến độ ẩm từ 4-7%. Tiếp đó, các hạt khô sẽ được ép dầu bằng phương pháp ép thủy lực (việc ép dầu được tiến hành 1-3 lần để đảm bảo thu được hoàn toàn dầu trong hạt). Sau đó dầu thu được sẽ qua bước tách nhựa và mùi (hình 3). Quy trình công nghệ đã được nhóm nghiên cứu đăng ký sở hữu trí tuệ. Sản phẩm dầu mù u sau khi tinh chế có cảm quan, tính chất hóa lý và hoạt tính sinh học tốt hơn dầu mù u thô (hình 4). Nhờ vậy sản phẩm được người tiêu dùng lựa chọn và sử dụng nhiều hơn.

Hình 3. Quy trình tạo dầu mù u tinh chế từ hạt mù u.

Hình 4. Dầu mù u thô và dầu mù u sau khi tinh chế.

Đặc biệt, nhóm nghiên cứu đã đăng ký thành công Tiêu chuẩn nguyên liệu mỹ phẩm tự nhiên (COSMOS) do tổ chức ECOCERT, Pháp chứng nhận. Với tiêu chuẩn này, sản phẩm có thể xuất khẩu sang châu Âu. Đây là tiêu chuẩn có độ tin cậy cao và có uy tín trên thế giới, được các nhà sản xuất nguyên liệu và sản phẩm mỹ phẩm cao cấp lựa chọn để nâng cao chất lượng sản phẩm, độ an toàn cho người sử dụng, bảo vệ môi trường sinh thái, tạo nền tảng để các thương hiệu phát triển bền vững theo thời gian. Hiện nay đã có hơn 10.000 sản phẩm mỹ phẩm được chứng nhận COSMOS trên toàn thế giới và hơn 1.300 công ty đã đăng ký chứng nhận ECOCERT. Tại Việt Nam, sản phẩm dầu mù u của nhóm nghiên cứu là nguyên liệu mỹ phẩm đầu tiên đăng ký thành công Tiêu chuẩn COSMOS. Hiện tại, nhóm đang hướng đến việc đăng ký tiêu chuẩn khắt khe và nghiêm ngặt hơn là Organic/USDA của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ để có thể xuất khẩu sản phẩm ra toàn cầu.

*

*      *

Việt Nam là nước nhiệt đới, có nhiều loại dược liệu quý, tiềm năng xuất khẩu cao. Tuy nhiên để có thể cạnh tranh với dược liệu của các quốc gia khác, chúng ta cần có sự đầu tư bài bản để sản phẩm đạt chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế. Việc nghiên cứu một cách hoàn chỉnh từ công nghệ tới đăng ký tiêu chuẩn quốc tế và công bố lưu hành sản phẩm như dầu mù u tinh chế sẽ giúp các dược liệu của Việt Nam dễ dàng tiếp cận thị trường quốc tế hơn. Qua đó, góp phần mang lại giá kinh tế lớn cho các bên liên quan trong chuỗi giá trị của sản phẩm (nông dân, thương lái thu mua, nhà nghiên cứu, doanh nghiệp sản xuất và thương mại hóa sản phẩm).

 

1Trường Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh, Trường Cao đẳng Công nghệ cao Đồng An

2Công ty CP Quốc tế AOTA, Công ty TNHH Dermatech Vietnam

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)