Chủ tịch Hồ Chí Minh ghi Sổ vàng truyền thống khi về thăm Học viện (năm 1959):“Đoàn kết chặt chẽ, cố gắng không ngừng, để tiến bộ mãi”.
Lược sử hình thành và phát triển của Học viện
Học viện Nông nghiệp Việt Nam là một trong 4 trường đại học được thành lập đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngay sau ngày hòa bình được lập lại ở miền Bắc. Nhận rõ tầm quan trọng của nông nghiệp đối với sự phát triển của đất nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trực tiếp cử một số cán bộ đảng viên và trí thức yêu nước về xây dựng Học viện. Trong thời kỳ mới thành lập, Học viện chỉ có 3 khoa với 4 ngành đào tạo, 27 giáo viên, 1 chi bộ, 467 sinh viên; cơ sở vật chất hết sức nghèo nàn, thiếu thốn. Giảng đường, phòng thí nghiệm chỉ được làm bằng tranh, tre, nứa, lá; phòng thực tập mới có vài chiếc kính hiển vi đơn sơ.
Sau khi sáp nhập với một số viện nghiên cứu của Bộ Nông Lâm, Học viện có tên gọi là Học viện Nông Lâm (1958-1963). Để đáp ứng nhiệm vụ chính trị mới, Học viện lại san sẻ lực lượng để thành lập một số đơn vị khác của Bộ Nông nghiệp như Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp Việt Nam (1963), Khoa Lâm nghiệp được tách ra để thành lập Trường Đại học Lâm nghiệp (1965), Khoa Thủy sản được tách ra thành lập Trường Đại học Thủy sản (1966), từ đây Học viện mang tên Trường Đại học Nông nghiệp. Năm 1967, Học viện tiếp tục san sẻ lực lượng để thành lập Trường Đại học Nông nghiệp II (nay là Trường Đại học Nông Lâm Huế) và mang tên gọi mới là Trường Đại học Nông nghiệp I. Năm 1970, Học viện tiếp tục san sẻ lực lượng để thành lập Trường Đại học Nông nghiệp III (nay là Trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên).
Sau ngày thống nhất đất nước, Học viện đã cử hàng trăm cán bộ vào tiếp quản và xây dựng Trường Cao đẳng Nông nghiệp Huế, Trường Đại học Nông nghiệp IV (nay là Trường Đại học Nông Lâm TP Hồ Chí Minh), Trường Đại học Cần Thơ… Tháng 5/1984, thực hiện Nghị quyết số 73-HĐBT ngày 12/7/1983 của Hội đồng Bộ trưởng, Trường Đại học Nông nghiệp I được chuyển từ Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm sang Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp (nay là Bộ Giáo dục và Đào tạo). Ngày 14/3/2008, sau khi các Trường Đại học Nông nghiệp I, II, III lần lượt đổi tên, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định số 283/QĐ-TTg đổi tên Học viện thành Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội. Ngày 28/3/2014, Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội được nâng cấp thành Học viện Nông nghiệp Việt Nam và trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo quyết định số 441/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Những thành tựu đạt được trong 65 năm xây dựng và phát triển
Ngay từ những ngày đầu mới thành lập, cán bộ, giảng viên của Học viện đã thi đua thực hiện 3 hóa: “chuyên môn hóa, Việt Nam hóa, tinh giản hóa”; sinh viên có phong trào thi đua “học tập tốt, lao động tốt”. Với phương châm “nghiên cứu khoa học là sức sống của trường đại học”, những giống lúa cấp quốc gia đầu tiên của nước Việt Nam mới như 813, 828, VN1, NN1 ngắn ngày, năng suất cao đã được Học viện tạo ra trong những điều kiện vô cùng khó khăn và thiếu thốn.
Trong những năm tháng ác liệt của cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước, Học viện đã gửi ra mặt trận hàng nghìn cán bộ và sinh viên ưu tú. Trong khói lửa chiến tranh, trên các vùng căn cứ của cách mạng miền Nam, các biện pháp kỹ thuật nông nghiệp như: canh tác sạ khô, sạ gác, sạ ngầm; phong trào lên líp nâng cao mặt ruộng, rửa chua phèn, cải tạo đất, phát triển vụ lúa hè thu; phong trào lên vuông kết hợp trồng lúa, nuôi cá và trồng cây ăn quả... Góp phần không nhỏ trong việc cung cấp lương thực cho cách mạng miền Nam. Trong những năm tháng chống Mỹ, Học viện đã nghiên cứu chuyển đổi vụ lúa chiêm sang lúa xuân, với các giống lúa cấp quốc gia như: ĐX2, ĐX4, DX5, VN10, VN20... có khả năng thâm canh và cho năng suất cao; phát triển vụ đông, đẩy mạnh phong trào “5 tấn thóc, 2 con lợn/lao động/ha gieo trồng”; nghiên cứu sử dụng phân lân, bèo hoa dâu trong thâm canh lúa, xây dựng bờ vùng, bờ thửa, kỹ thuật gieo vãi lúa, làm mạ sân, đưa máy móc về đồng ruộng... Góp phần đắc lực cho phong trào “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người” của hậu phương lớn đối với tiền tuyến lớn.
Đất nước thống nhất, khó khăn chồng chất, thầy và trò Học viện vừa giữ vững truyền thống “dạy tốt, học tốt, phục vụ tốt” vừa đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học. Những giống lúa mới năng suất cao, các mẫu máy nông nghiệp mới tiếp tục ra đời và được áp dụng. Phong trào phát triển vườn quả Bác Hồ, mô hình VAC (vườn, ao, chuồng)... Hàng nghìn lượt giảng viên và sinh viên của Học viện đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiến hành các chương trình điều tra dịch bệnh gia súc, điều tra cơ bản nông nghiệp và đất đai Tây Nguyên, các tỉnh phía Nam, tham gia xây dựng bản đồ thổ nhưỡng toàn quốc.
Những năm gần đây, Học viện đã thực hiện đổi mới mạnh mẽ công tác quản lý và quản trị theo mô hình của các trường đại học tiên tiến trên thế giới. Về đào tạo, Học viện dựa trên tinh thần tự học, thực nghiệp, lấy người học làm trung tâm; thực hiện sống động nguyên lý của quá trình đào tạo “học đi đôi với hành, nhà trường gắn liền với xã hội”. Học viện đã mở ra nhiều chương trình đào tạo liên kết trình độ đại học và sau đại học với các trường đại học, viên nghiên cứu danh tiếng của Hoa Kỳ, Hà Lan, Bỉ, Czech; đồng thời chủ động đẩy mạnh phát triển mô hình đào tạo theo hai hướng: mô hình định hướng nghề nghiệp và mô hình định hướng nghiên cứu. Dù quy mô mở rộng nhưng chất lượng đào tạo luôn được củng cố và nâng cao, được xã hội chấp nhận, số thí sinh đăng ký dự thi vào Học viện và số lượng sinh viên có việc làm sau tốt nghiệp đạt tỷ lệ cao, không ít sinh viên tìm được việc làm ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Đến nay, Học viện đã đào tạo cho đất nước trên 100.000 kỹ sư và cử nhân, trên 10.000 thạc sỹ, gần 600 tiến sỹ và đào tạo cho các nước Lào, Campuchia, Mozambique, Angola gần 500 kỹ sư và thạc sỹ, tiến sỹ các ngành kỹ thuật và quản lý kinh tế.
Những năm gần đây, hàng trăm đề tài, chương trình cấp quốc gia, cấp bộ và tương đương, các dự án hợp tác quốc tế được thực hiện bởi các nhà khoa học của Học viện. Học viện luôn đi đầu trong khoa học với các ứng dụng công nghệ sinh học trong lai tạo và là tác giả của các sản phẩm mang thương hiệu VNUA như: giống lúa lai TH, CT; các giống cà chua lai thương hiệu HT; giống ngô lai thương hiệu MH, HUA, VNUA; công nghệ khí canh, công nghệ chế tạo một số vắc xin chịu nhiệt trong thú y, KIT chuẩn đoán bệnh tai xanh trên lợn, KIT chuẩn đoán bệnh dịch tả lợn châu Phi... Bên cạnh đó, hàng trăm tiến bộ kỹ thuật, biện pháp canh tác, quản lý mới được công nhận và áp dụng đã đóng góp tích cực cho sự phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.
Đến nay, Học viện đã có trên 100 nhà giáo được vinh danh là Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú; hơn 100 giáo sư, phó giáo sư; ba công trình và cụm công trình được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và công nghệ... Với những thành tựu và cống hiến to lớn cho đất nước, Học viện đã vinh dự được trao tặng nhiều phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước: 2 Huân chương Hồ Chí Minh; danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân; Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới...
TT