Từng bước khẳng định “vóc dáng”
Nhận thức được tầm quan trọng, ý nghĩa của dự án VKIST, Lãnh đạo Bộ KH&CN đã rất sát sao, quan tâm chỉ đạo để dự án được triển khai đúng tiến độ và yêu cầu đặt ra. Tính đến nay, VKIST đã chính thức đi vào hoạt động được hơn 4 năm. Tuy thời gian không đủ dài để viết nên lịch sử, nhưng đây là thời gian có ý nghĩa lớn, đánh dấu mốc trưởng thành của một tập thể. Trên chặng đường xây dựng và phát triển, đặc biệt là nghiên cứu ứng dụng theo mô hình mới, VKIST đã không ngừng nỗ lực và bắt đầu đặt những bước chân đầu tiên trên con đường thực hiện sứ mệnh của mình, xứng đáng là biểu tượng của mối quan hệ hợp tác chiến lược Việt Nam - Hàn Quốc ngày càng bền chặt.
Trong giai đoạn đầu, VKIST đã hình thành 4 phòng thí nghiệm trong các lĩnh vực ưu tiên là công nghệ sinh học; công nghệ thông tin; công nghệ tích hợp công nghệ sinh học - công nghệ thông tin và điện tử. Trong 4 năm qua, Viện đã tích cực kiện toàn cơ cấu tổ chức, mở rộng, tăng cường hợp tác với các viện nghiên cứu, trường đại học trong nước (Viện Ứng dụng công nghệ, Trường Đại học Phenikaa, Đại học Quốc gia Hà Nội) thông qua việc ký kết các biên bản ghi nhớ nhằm thúc đẩy triển khai các hoạt động nghiên cứu chung. Trong năm 2021, mặc dù gặp nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19, nhưng được sự quan tâm của Lãnh đạo Bộ KH&CN, nhiều hoạt động đã được Viện tập trung triển khai, trong đó có vấn đề về chính sách ưu đãi cho các nhà khoa học, nghiên cứu viên làm việc tại VKIST; các hoạt động nghiên cứu và triển khai (R&D)... Đây chính là nền tảng, tạo động lực nâng cao tiềm lực nghiên cứu cho Viện, từng bước tiến tới mục tiêu xây dựng và vận hành thành công mô hình viện nghiên cứu hợp đồng tại Việt Nam.
Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt phát biểu tại kỳ họp lần thứ 5 của VKIST
Đánh giá cao những kết quả đã đạt được trong thời gian qua, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt đề nghị, VKIST cần sớm kiện toàn bộ máy tổ chức, hoàn thiện và ổn định cơ sở vật chất để đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, nhanh chóng mở rộng hợp tác với khối doanh nghiệp và đối tác nước ngoài. Đồng thời, Viện cần cập nhật, bám sát tinh thần Chiến lược khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (ĐMST) giai đoạn 2021-2025 mà Bộ đang xây dựng; đề xuất hình thức tham gia cùng với các đơn vị chuyên môn của Bộ để xây dựng khung chương trình KH&CN, đặc biệt liên quan đến các định hướng nghiên cứu của VKIST nhằm tạo được sự gắn kết cũng như thống nhất trong việc triển khai các nhiệm vụ KH&CN ưu tiên của Bộ nói chung, VKIST nói riêng. Bên cạnh đó, VKIST cần chuẩn bị kỹ lưỡng kế hoạch khi bước sang giai đoạn tự chủ hoàn toàn trên cơ sở mở rộng hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam và Hàn Quốc, cùng các đối tác nước ngoài khác. Tích cực tham gia các chương trình KH&CN của Bộ để tăng cường năng lực nghiên cứu, mở rộng nguồn thu từ việc thực hiện các nhiệm vụ KH&CN này.
Xây dựng VKIST trở thành viện nghiên cứu theo mô hình mới
Tại kỳ họp lần này, Viện trưởng VKIST Kum Dongwha đã báo cáo về tình hình và kết quả chính của Dự án VKIST giai đoạn 1. Theo đó, giai đoạn 1 của Dự án chủ yếu tập trung vào xây dựng cơ bản, ít tập trung đầu tư trang thiết bị nghiên cứu phục vụ trực tiếp cho việc xây dựng hệ thống phòng nghiên cứu hiện đại, tiên tiến cho VKIST. Với vị thế là một người đến sau trong lĩnh vực KH&CN tại Việt Nam, VKIST có những lợi thế nhất định và một nền tảng vững chắc để phát triển bền vững. Để có thể đạt được vị trí dẫn đầu tại Việt Nam cũng như trong khu vực ASEAN, VKIST cần có kế hoạch tiếp tục mở rộng trong thời gian tới như trong định hướng tại Kế hoạch tổng thể năm 2014. Cụ thể, VKIST cần kiện toàn bộ máy nhân sự, xây dựng thêm hệ thống phòng thí nghiệm, mua sắm thêm các trang thiết bị nghiên cứu hiện đại đạt tiêu chuẩn quốc tế.
Do vậy, việc mở rộng Dự án sang giai đoạn 2 có ý nghĩa then chốt trong việc xây dựng và phát triển VKIST trở thành một viện nghiên cứu theo mô hình mới tại Việt Nam, mang tầm cỡ khu vực như kỳ vọng của Chính phủ hai nước. Trong giai đoạn 2, VKIST hướng tới việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất hiện đại, đáp ứng nhu cầu nghiên cứu và kiện toàn bộ máy tổ chức thông qua công tác đào tạo nhân lực nguồn từ việc triển khai chương trình đào tạo sau đại học tại Viện.
Các đại biểu khai trương biển tên của VKIST
Để xây dựng VKIST trở thành viện nghiên cứu theo mô hình mới, một cơ sở nghiên cứu mạnh, Viện cần thoát khỏi sự bó buộc của cơ chế, tạo ra môi trường đột phá để thu hút được chuyên gia giỏi. Theo Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy, mô hình sendbox mà VKIST đang thực hiện là mới ở Việt Nam, nhưng thế giới đã thực hiện cách đây mấy chục năm. VKIST là đơn vị để Việt Nam thử nghiệm đi theo con đường mà thế giới đang đi, để nhà khoa học sống được bằng thu nhập.
VKIST ký kết hợp tác với Công ty Cổ phần Nam Dược
Trong khuôn khổ của sự kiện này, VKIST đã ký kết Biên bản ghi nhớ với Công ty Cổ phần Dược mỹ phẩm CVI, Công ty Cổ phần Nam dược và Viện Kỹ thuật điều khiển và tự động hóa (Trường Đại học Bách khoa Hà Nội) nhằm thúc đẩy hoạt động nghiên cứu và phát triển trong lĩnh vực công nghệ sinh học và điện tử. Việc ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác giữa VKIST và các doanh nghiệp nhằm thể hiện mong muốn và cam kết hợp tác trong nghiên cứu và phát triển công tác đào tạo nâng cao năng lực, chia sẻ cơ sở vật chất, trang thiết bị nghiên cứu…, từ đó góp phần nâng cao năng lực nghiên cứu và phát triển của các bên.
Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam Park Noh-Wan phát biểu tại Lễ ký kết biên bản ghi nhớ
Phát biểu tại sự kiện, Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam Park Noh-Wan bày tỏ mong muốn trong giai đoạn 2 của dự án, VKIST sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm của cá nhân Bộ trưởng nói riêng và Bộ KH&CN nói chung để xây dựng Viện trở thành đơn vị dẫn đầu về tiến bộ công nghệ và tạo động lực tăng trưởng cho Việt Nam trong tương lai. Qua đó, giúp nâng tầm mối quan hệ đối tác cùng phát triển giữa hai quốc gia Việt Nam và Hàn Quốc.
AT