Thứ ba, 28/09/2021 14:52

Xây dựng nông thôn mới bền vững gắn với đô thị hóa đến năm 2030, tầm nhìn 2045

TS Nguyễn Văn Thịnh, ThS Trần Thị Thanh Bình

Chương trình khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới

Xây dựng nông thôn mới (NTM) gắn với đô thị hóa (ĐTH) là chủ trương lớn có ý nghĩa quan trọng của Đảng, tạo điều kiện để cư dân nông thôn trở thành cư dân đô thị mà không xảy ra việc di cư quy mô lớn (ly nông bất ly hương). Trên cơ sở những kết quả đạt được và định hướng mục tiêu xây dựng NTM gắn với ĐTH đến năm 2030, tầm nhìn 2045, bài viết đề xuất một số giải pháp nhằm thực hiện được mục tiêu đề ra.

Mở đầu

Hiện nay, tốc độ ĐTH đang diễn ra khá nhanh ở nhiều địa phương, do vậy việc xây dựng huyện NTM gắn với quá trình ĐTH là tất yếu. Đây cũng là yêu cầu mới đặt ra đối với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, phù hợp với thực tiễn theo hướng phát triển đô thị bền vững, đô thị xanh và đô thị ứng phó với biến đổi khí hậu. Hệ thống điểm dân cư nông thôn hiện nay đa số còn phát triển tự phát, mang đặc trưng của nền sản xuất nhỏ, phương tiện lao động thô sơ, chưa được tổ chức để phù hợp với yêu cầu sản xuất hàng hoá lớn, chưa đáp ứng tốt tiến trình hướng tới công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Nhiều vùng nông thôn được nâng thành quận, phường nhưng cơ sở hạ tầng được quy hoạch và xây dựng theo tiêu chuẩn của cấp xã, không đáp ứng được yêu cầu sinh hoạt, phát triển của đô thị, nên phải đầu tư lại, gây ra lãng phí nguồn lực. Thậm chí, nhiều xã đã thành phường, nhưng vẫn làm nghề nông là chính. Đối với nông thôn vùng miền núi, dân tộc... thì còn nhiều khó khăn và bất cập hơn nữa.

Xuất phát từ thực tế nêu trên, để thực hiện thành công Nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ XIII, việc xây dựng NTM bền vững gắn với ĐTH trong giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn 2045 là rất cần thiết, nhằm phát triển nền nông nghiệp hàng hóa, tập trung; hình thành khu vực dân cư và cơ sở hạ tầng trên địa bàn cấp huyện phù hợp với tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; tái cơ cấu ngành nông nghiệp và nâng cao điều kiện sống của người dân nông thôn gần với điều kiện sống của người dân đô thị.

Kết quả thực hiện xây dựng NTM gắn với ĐTH thời gian qua

Sau 12 năm thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn (2008-2020) và 10 năm (2010-2020) triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, cả nước đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, toàn diện, tạo sự thay đổi căn bản bộ mặt nông thôn, đưa nông nghiệp - nông dân - nông thôn Việt Nam lên một tầm cao mới. Kết quả đạt chuẩn NTM tăng mạnh trong giai đoạn 2, nhiều mục tiêu quan trọng về xây dựng NTM sớm hoàn thành ngay trong năm 2019. Tính đến tháng 7/2021, đã có 195/664 đơn vị cấp huyện (chiếm 29,4%) thuộc 52 tỉnh, thành phố được công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Ở cấp xã, số xã đạt chuẩn NTM là 5331/8267 xã (chiếm 64,5%), trong đó, có 351 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 38 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; bình quân cả nước đạt 16,7 tiêu chí/xã; 12 tỉnh, thành phố đã có 100% số xã đạt chuẩn NTM1.

Nam Định là 1 trong 12 tỉnh/thành phố có 100% số xã đạt chuẩn NTM.

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM đã góp phần quan trọng thay đổi diện mạo khu vực nông thôn, hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội ngày càng được hoàn thiện kể cả ở những vùng sâu, vùng xa, miền núi, biên giới và hải đảo; môi trường, cảnh quan nông thôn đã sáng - xanh - sạch - đẹp hơn, giá trị văn hóa truyền thống được bảo tồn, an ninh chính trị được giữ vững, nhiều vùng nông thôn trở thành nơi đáng sống. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được cải thiện. Thu nhập bình quân đầu người/năm khu vực nông thôn năm 2020 tăng 1,7 lần so với năm 2015; tỷ lệ hộ nghèo nông thôn giảm nhanh từ 12,7% năm 2016 xuống còn khoảng 5,6% năm 2020; khoảng cách phát triển giữa nông thôn - đô thị từng bước được thu hẹp.

Có thể kể đến một số kết quả nổi bật trong xây dựng NTM gắn với ĐTH thời gian qua như sau:

Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội cơ bản ở nông thôn được tăng cường theo hướng đồng bộ, làm thay đổi đáng kể bộ mặt nông thôn, từng bước kết nối với đô thị: tính đến năm 2020, hạ tầng giao thông nông thôn của cả nước đã được xây dựng mới và nâng cấp trên 206.743 km, nâng tỷ lệ đường giao thông nông thôn được cứng hóa lên 68,7%; trên 97% số xã có đường giao thông từ trụ sở xã đến UBND huyện được nhựa, cứng hóa; hệ thống thủy lợi ngày càng hoàn thiện, cả nước có hàng ngàn công trình thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng do xã quản lý đã được xây mới, sửa chữa và nâng cấp; trên 80% diện tích đất sản xuất được tưới tiêu chủ động, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao giá trị sản xuất và thúc đẩy tái cơ cấu ngành nông nghiệp ở các địa phương…

Tuyến đường NTM kiểu mẫu.

Phát triển kinh tế nông thôn bền vững, theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, góp phần nâng cao thu nhập của người dân, từng bước thu hẹp khoảng cách với đô thị: giai đoạn 2010-2020, cùng với xây dựng NTM và quá trình ĐTH, kinh tế nông thôn có nhiều chuyển biến mạnh mẽ, cơ cấu chuyển dịch tích cực, đúng hướng. Các ngành công nghiệp, xây dựng, thương mại và dịch vụ ở nông thôn phát triển nhanh và chiếm tỷ trọng ngày càng lớn; sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản bước vào quá trình cơ cấu lại về loại hình và quy mô sản xuất. Công nghiệp và dịch vụ ở nông thôn đã có những thay đổi tích cực, giá trị sản xuất công nghiệp nông thôn tăng trưởng khá. Dịch vụ phát triển đa dạng với sự tham gia của các thành phần kinh tế. Giá trị sản xuất công nghiệp tại nông thôn có xu hướng tăng cao, bình quân giai đoạn 2010-2018 đạt 12,2%. Góp phần tạo việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn (tỷ lệ lao động nông nghiệp giảm từ 49,5% năm 2010 xuống còn 32,8% năm 2020). Nông nghiệp chuyển mạnh sang sản xuất hàng hóa cạnh tranh quốc tế, năng suất, chất lượng sản phẩm ngày càng cao, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia, xuất khẩu tăng nhanh.

Thu nhập và đời sống của người dân nông thôn không ngừng được cải thiện và nâng cao: thu nhập bình quân từ hoạt động phi nông nghiệp ngày càng tăng (chiếm 78% tổng thu nhập của hộ nông thôn năm 2020). Thu nhập bình quân đầu người/năm ở nông thôn tăng nhanh (từ mức 12,8 triệu đồng năm 2010 lên khoảng 41,8 triệu đồng/người năm 2020), cơ bản hoàn thành mục tiêu đề ra; khoảng cách về thu nhập giữa nông thôn và thành thị có chiều hướng giảm (từ 1,99 lần năm 2010 xuống còn 1,61 lần năm 2020). Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều ở nông thôn giảm bình quân khoảng 1%/năm và đến hết năm 2020 còn 7,1%2 (giảm 4,7% so với năm 2016)…

Công tác bảo vệ môi trường: bảo vệ môi trường nông thôn, nhất là trong sản xuất công nghiệp, dịch vụ và làng nghề luôn được quan tâm, ô nhiễm môi trường từng bước được khắc phục. Đến nay, đã có 59/63 tỉnh, thành phố phê duyệt quy hoạch quản lý chất thải rắn trên địa bàn; 42/63 tỉnh, thành phố có kế hoạch xử lý rác thải tập trung ở nông thôn, trong đó có một số địa phương triển khai trên phạm vi toàn tỉnh (như Nam Định, Hà Tĩnh, Đồng Nai...). Nhiều mô hình xử lý nước thải có hiệu quả đã được nhân rộng. Môi trường tại các làng nghề đã được cải thiện và khắc phục đáng kể (33 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã ban hành văn bản chuyên biệt hoặc có điều khoản quy định về bảo vệ môi trường làng nghề lồng ghép trong văn bản chung về bảo vệ môi trường làng nghề).  

Định hướng xây dựng NTM bền vững gắn với ĐTH đến năm 2030, tầm nhìn 2045

Xây dựng NTM bền vững gắn với ĐTH là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước. Xây dựng NTM bền vững về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội và môi trường gắn với quá trình đô thị hóa, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn, giảm dần khoảng cách giữa thành thị và nông thôn; xây dựng NTM bền vững gắn với quá trình ĐTH phải trên quan điểm ĐTH, phải gắn bó chặt chẽ, hỗ trợ đắc lực và phục vụ có hiệu quả cho xây dựng NTM và phát triển nông nghiệp, nông thôn, phát triển lực lượng sản xuất, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát huy lợi thế của từng vùng, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao và nông nghiệp thông minh để tăng năng suất, chất lượng nông sản và nâng cao giá trị gia tăng; chú trọng bảo vệ môi trường, phòng chống, hạn chế và giảm nhẹ thiên tai; phát triển văn hóa, xã hội nông thôn bền vững.

Trong thời gian tới, mục tiêu trước mắt là thực hiện có hiệu quả việc cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng NTM theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân thông minh; chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp. Phát triển nông nghiệp sản xuất hàng hoá lớn, ứng dụng công nghệ cao, hội nhập quốc tế, thích ứng với biến đổi khí hậu, phát huy tiềm năng lợi thế từng vùng, từng địa phương; xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng hiện đại, đồng bộ; quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên thiên nhiên; bảo vệ môi trường, sinh thái. Cụ thể, đến năm 2025 đạt được các mục tiêu sau:

Cấp xã: có ít nhất 80% số xã đạt chuẩn NTM, trong đó có khoảng 40% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 10% số xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. 70% đơn vị cấp xã hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, cơ sở dữ liệu đồng bộ; có các mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực, ứng dụng công nghệ số, 50% mô hình liên kết gắn với vùng nguyên liệu và dịch vụ du lịch trải nghiệm tại nông thôn được số hóa.

Cấp huyện: có ít nhất 50% huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn NTM, trong đó có ít nhất 20% số huyện đạt chuẩn được công nhận là huyện NTM nâng cao và huyện NTM kiểu mẫu. 70% đơn vị cấp huyện hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, cơ sở dữ liệu đồng bộ; có các mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực, ứng dụng công nghệ số, 50% mô hình liên kết gắn với vùng nguyên liệu và dịch vụ du lịch trải nghiệm tại nông thôn được số hóa.

Cấp tỉnh: có ít nhất 15 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Phấn đấu mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có ít nhất 1 mô hình thí điểm xã NTM thông minh theo lĩnh vực nổi trội nhất (kinh tế, du lịch nông thôn, môi trường, văn hoá…), trên cơ sở phát huy lợi thế của địa phương.          

Để thực hiện được mục tiêu nêu trên, theo chúng tôi cần tập trung vào một số giải pháp sau:

Một là, thực hiện xây dựng NTM theo quy hoạch nhằm nâng cao đời sống, kinh tế - xã hội nông thôn gắn với quá trình ĐTH. Theo đó, cần rà soát, điều chỉnh, lập mới (trong trường hợp quy hoạch đã hết thời hạn) quy hoạch chung xây dựng cấp xã, huyện, tỉnh gắn với quá trình công nghiệp hóa, ĐTH theo quy định pháp luật về quy hoạch, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Với quy hoạch NTM ven đô cần phải xác định rõ lộ trình phát triển điểm dân cư nông thôn, cơ sở hạ tầng xã hội, kỹ thuật trong lộ trình xây dựng đô thị hoá trên địa bàn xã; xây dựng kế hoạch phát triển nhằm đảm bảo sử dụng hợp lý tài nguyên đất đai, phát triển phù hợp giữa trước mắt và lâu dài trong phát triển chung đô thị.

Hai là, phát triển cơ sở hạ tầng theo hướng kết nối nông thôn - thành thị là khâu đột phá chiến lược. Thực hiện giải pháp này cần tiếp tục đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng cơ bản phục vụ sản xuất và dân sinh ở nông thôn (giao thông, thủy lợi, trường học, trạm y tế…), nâng cao hiệu quả công tác quản lý, khai thác công trình đảm bảo bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu; chú trọng đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn gắn với phát triển đô thị, từng bước bắt kịp tốc độ phát triển chung của vùng, tạo kết nối đồng bộ, nhất là kết nối liên xã, liên huyện. Ưu tiên đầu tư hình thành và phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng thu mua, kết nối, cung ứng nông sản hiện đại, cơ sở hạ tầng chế biến, thương mại và dịch vụ gắn với vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn.

Ba là, đẩy mạnh chuyển đổi số trong xây dựng NTM. Cụ thể, cần tăng cường chuyển đổi số, nâng cao hiệu quả quản lý, giám sát, truyền thông, năng lực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM như: xây dựng bản đồ số nông nghiệp, nông thôn để kết nối, chia sẻ và cung cấp dữ liệu mở; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số và chuyển đổi số trong công tác quản lý, giám sát, điều hành... Đồng thời, đẩy mạnh xây dựng chính quyền số gắn với thực hiện bộ tiêu chí NTM các cấp: tăng cường xây dựng và áp dụng hệ thống dịch vụ công trực tuyến liên thông, đồng bộ cấp tỉnh, huyện, xã; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số thực hiện quản lý mã số vùng nguyên liệu, truy xuất nguồn gốc theo chuỗi đối với các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, sản phẩm truyền thống của địa phương...

Bốn là, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt chú trọng đến các sản phẩm chủ lực quốc gia. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) nhằm nâng cao giá trị gia tăng, phù hợp với quá trình chuyển đổi số, thích ứng với biến đổi khí hậu; phát triển mạnh ngành nghề nông thôn; phát triển du lịch nông thôn; nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã, hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp ở nông thôn… góp phần nâng cao thu nhập người dân theo hướng bền vững.

Năm là, đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất nông nghiệp. Theo đó, cần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đổi mới và nâng cao hiệu quả các hình thức tổ chức sản xuất và hợp tác xã, thực hiện Chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2021-2025, trong đó, ưu tiên các hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, liên kết với các doanh nghiệp trong tiêu thụ nông sản, thích ứng với cơ chế thị trường; thực hiện các chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp theo hướng liên kết chuỗi giá trị; thúc đẩy thực hiện bảo hiểm trong nông nghiệp.

Sáu là, nâng cao chất lượng môi trường, tăng cường hệ thống cấp nước sạch nông thôn; xây dựng cảnh quan nông thôn sáng - xanh - sạch - đẹp, an toàn; giữ gìn và khôi phục hình ảnh, cảnh quan truyền thống của nông thôn Việt Nam.

Bảy là, đẩy mạnh ĐTH với nâng cao trình độ nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng khoa học và công nghệ. Với giải pháp này, cần có cơ chế, chính sách đẩy mạnh xã hội hóa công tác nghiên cứu khoa học và công nghệ, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh nông nghiệp phù hợp với cơ chế thị trường; phát triển thị trường công nghệ nông nghiệp trên cơ sở đảm bảo quyền sở hữu trí tuệ. Đồng thời, tiếp tục thực hiện Chương trình khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 nhằm nghiên cứu các giải pháp, mô hình xây dựng NTM bền vững gắn với ĐTH, nghiên cứu đề xuất bộ tiêu chí xây dựng NTM vùng ven đô…

Tám là, đẩy mạnh ĐTH với thúc đẩy phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa, cơ giới hóa nông nghiệp và công nghiệp chế biến nông sản; phát triển công nghiệp hỗ trợ và dịch vụ logistic. Phát triển công nghiệp chế biến nông sản cần gắn với phát triển các vùng sản xuất nguyên liệu tập trung được cơ giới hóa đồng bộ, theo nhu cầu và khả năng tiêu thụ của thị trường. Xây dựng các khu công nghiệp chế biến nông sản, công nghiệp sản xuất máy móc và vật tư đầu vào thành các khu công nghiệp hoàn chỉnh, có quy hoạch rõ ràng và định hướng chiến lược công nghệ cụ thể tại các vùng nông nghiệp trọng điểm như Đồng bằng sông Hồng, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long.

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)