Thứ hai, 18/10/2021 20:46

Công tác phòng, chống dịch Covid-19: Kết quả, bài học kinh nghiệm, định hướng và giải pháp trong thời gian tới

Ngày 18/10/2021, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã có buổi làm việc với các nhà khoa học đầu ngành nhằm thảo luận và đánh giá những tác động của đại dịch COVID-19 đến sự phát triển kinh tế - xã hội, cũng như sự đóng góp của ngành KH&CN trong công tác phòng, chống dịch, đồng thời đề xuất các định hướng, giải pháp phòng, chống và khắc phục khó khăn trong trạng thái bình thường mới. Tham dự buổi làm việc còn có Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Huỳnh Thành Đạt, các đồng chí lãnh đạo Ủy ban của Quốc hội, các bộ, ngành, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam và các nhà khoa học, chuyên gia thuộc nhiều lĩnh vực.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu tại buổi làm việc.

Đóng góp nổi bật của KH&CN trong công tác phòng, chống Covid-19

Phát biểu mở đầu buổi làm việc, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam ghi nhận sự vào cuộc chủ động và tích cực của ngành KH&CN với những đóng góp tiên phong và quan trọng. Phó Thủ tướng mong muốn các nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu giải pháp, giúp Chính phủ có cái nhìn tổng thể và sự chuẩn bị tốt hơn trong giai đoạn tới.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho biết, trong thời gian qua, cộng đồng các nhà khoa học Việt Nam đã rất nỗ lực, chủ động thực hiện các hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Nhiều kết quả đã được ứng dụng ngay vào sản xuất và đời sống, góp phần quan trọng trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 của cả nước. Một số kết quả nghiên cứu KH&CN nổi bật trong phục vụ phòng, chống dịch Covid-19 có thể kể đến như: 1) Phân lập, nuôi cấy thành công virus SARS-CoV-2, qua đó đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới phân lập và nuôi cấy thành công virus này - là kết quả quan trọng, tạo tiền đề cho việc nghiên cứu sản xuất bộ KIT chẩn đoán, sản xuất vắc xin và nghiên cứu sâu hơn về virus; 2) Nghiên cứu và sản xuất các bộ sinh phẩm phát hiện virus SARS-CoV-2, đảm bảo phục vụ được nhu cầu trong nước (tiêu biểu là bộ sinh phẩm Realtime RT-PCR do Học viện Quân y chủ trì, phối hợp với Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á, được Bộ Y tế cấp phép và đưa vào sử dụng ngay từ đợt dịch đầu tiên ở Việt Nam, đến nay, hàng triệu bộ xét nghiệm đã được cung cấp cho hầu hết các tỉnh trong cả nước, đóng góp quan trọng vào công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong các đợt dịch bùng phát vừa qua); 3) Hoạt động nghiên cứu sản xuất vắc xin phòng Covid-19 cũng được tiến hành rất sớm (vắc xin Nanocovax do Công ty Cổ phần Công nghệ sinh học Dược Nanogen nghiên cứu sản xuất đã được đánh giá giữa kỳ giai đoạn 3 và đang chờ Bộ Y tế cấp phép sử dụng khẩn cấp; vắc xin Covivax do Viện Vắc xin và Sinh phẩm Y tế nghiên cứu sản xuất được đang thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2; Bộ KH&CN đã cấp giấy chứng nhận chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin phòng Covid-9 bằng công nghệ mRNA cho Công ty VinBioCare thuộc tập đoàn VinGroup…); 4) Kế thừa từ kết quả các nhiệm vụ nghiên cứu, một số loại thuốc điều trị Covid-19 đã được nghiên cứu sản xuất…

Bên cạnh các nghiên cứu về dịch tễ học, sinh phẩm, vắc xin và thuốc điều trị, các tổ chức KH&CN cũng đã triển khai thành công nhiều nghiên cứu khác như: Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh đã xây dựng được mô hình dự báo, diễn biến dịch Covid-19; Viện Nghiên cứu hệ gen đã xác định đặc điểm hệ gen người liên quan đến tiên lượng bệnh; Trường Đại học Y Hà Nội nghiên cứu theo dõi diễn biến các biến chủng của SARS-CoV-2; Học viện Kỹ thuật Quân sự nghiên cứu, sản xuất và thử nghiệm thành công sản phẩm robot hỗ trợ y tế (Vibot); Viện Ứng dụng Công nghệ (Bộ KH&CN) đã nghiên cứu, chế tạo và thử nghiệm thành công robot (NaRoVid1) có tính năng lau khử khuẩn sàn nhà nhằm hỗ trợ, thay thế nhân viên y tế trong các khu vực cách ly điều trị bệnh nhân mắc Covid-19; Trường Đại học Bách khoa Hà Nội phối hợp với các doanh nghiệp đang hoàn thiện công nghệ sản xuất máy thở oxy dòng cao phục vụ điều trị Covid-19… Ngoài ra, các nghiên cứu khoa học xã hội, nhân văn thời gian qua cũng được tích cực thực hiện và tập trung vào một số nội dung như: làm rõ những vấn đề lý luận và thực tiễn về tác động của đại dịch Covid-19 đến phát triển kinh tế - xã hội; phân tích kinh nghiệm của một số quốc gia trên thế giới trong ứng phó với đại dịch Covid- 19 và rút ra bài học cho Việt Nam; đánh giá tác động của đại dịch Covid-19 đến phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam; làm rõ khả năng và các biện pháp ứng phó, đánh giá được những thành công, hạn chế và các thách thức đối với Chính phủ và các địa phương trước các tác động của đại dịch Covid-19 đến phát triển kinh tế - xã hội; đề xuất các khuyến nghị chính sách nhằm giảm thiểu các tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 đến phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam hướng tới phát triển bền vững…

Toàn cảnh buổi làm việc.

Bài học kinh nghiệm và định hướng trong thời gian tới

Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho biết, từ góc độ quản lý nhà nước về KH&CN, lần triển khai các nhiệm vụ KH&CN phục vụ phòng, chống dịch bệnh Covid-19 này đã mang lại nhiều bài học kinh nghiệm, có thể tổng kết bằng 3 nội dung:  

Một là, có thể khẳng định rằng, nền KH&CN của Việt Nam với nòng cốt là các nhà khoa học rất tâm huyết, có đủ năng lực để giải quyết các bài toán của đất nước. Thực tiễn thời gian qua cho thấy, các nhà khoa học của Việt Nam đã đủ năng lực nghiên cứu thành công nhiều sinh phẩm, trang thiết bị phục vụ phòng, chống dịch Covid-19 dựa trên những nghiên cứu rất cơ bản về dịch tễ học và vi rút học, trực tiếp là vi rút SARS-CoV-2. Chúng ta cũng đã bước đầu nghiên cứu sản xuất thành công vắc xin và thuốc điều trị Covid-19. Đội ngũ các nhà khoa học xã hội và nhân văn cũng đã vào cuộc, tổ chức các nghiên cứu về lý luận và thực tiễn về tác động của đại dịch Covid-19 đến phát triển kinh tế - xã hội, cũng như đề xuất các khuyến nghị chính sách nhằm giảm thiểu các tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 đến phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam hướng tới phát triển bền vững.

Hai là, việc huy động tiềm lực của xã hội nhất là từ doanh nghiệp vào thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ đóng vai trò rất quan trọng. Hợp tác công - tư trong tổ chức nghiên cứu KH&CN có thể tận dụng được tối đa tiềm năng của cả 2 khu vực này. Thực tiễn thời gian qua cho thấy, nhiều nhiệm vụ nghiên cứu có sự phối hợp giữa các tổ chức KH&CN và doanh nghiệp đã thành công từ kit test đến vật tư, sinh phẩm, thậm chí cả vắc xin và thuốc điều trị. Đây là kinh nghiệm cần được phát huy trong thời gian tới.

Ba là, cần kiên quyết hơn nữa trong việc cắt giảm thủ tục hành chính trong việc tổ chức các nhiệm vụ KH&CN nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất để các nhà khoa học, các doanh nghiệp tham gia thực hiện các nhiệm vụ, chương trình KH&CN do ngân sách nhà nước tài trợ. 

Theo Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt, mặc dù tỷ lệ người dân được tiêm vắc xin ngày càng tăng, tuy nhiên do virus SARS-CoV-2 thường xuyên biến đổi tạo ra các chủng mới có nguy cơ kháng lại vắc xin, vì vậy nguy cơ dịch bệnh bùng phát còn rất cao. Trong giai đoạn tới, ngành KH&CN sẽ tập trung vào 7 định hướng:

Thứ nhất, nghiên cứu sản xuất vắc xin và thuốc điều trị Covid-19; triển khai Chương trình KH&CN trọng điểm cấp quốc gia “Nghiên cứu sản xuất vắc xin sử dụng cho người đến năm 2030” với mục tiêu làm chủ được công nghệ sản xuất 15 loại vắc xin và sản xuất được tối thiểu 5 loại vắc xin, trong đó ưu tiên vắc xin Covid-19, vắc xin ung thư, vắc xin phối hợp nhiều thành phần.

Thứ hai, nghiên cứu các phương pháp xét nghiệm mới như xét nghiệm SARS-CoV-2 với mẫu bệnh phẩm là nước bọt, hơi thở.

Thứ ba, nghiên cứu hội chứng hậu Covid-19, đáp ứng miễn dịch tế bào và theo dõi đáp ứng miễn dịch sau nhiễm tự nhiên và sau tiêm vắc xin Covid-19 theo thời gian.

Thứ tư, hỗ trợ hoàn thiện công nghệ sản xuất máy thở, hệ thống làm giàu oxy và khí nén sử dụng trong y tế di động.

Thứ năm, nghiên cứu sản xuất KIT định lượng và khả năng trung hòa của kháng thể kháng SARS-CoV-2.

Thứ sáu, triển khai các nhiệm vụ nghiên cứu đánh giá tác động của đại dịch Covid-19 đến phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam và khuyến nghị chính sách.

Thứ bảy, nghiên cứu về mô hình triển khai các hoạt động giáo dục, y tế, văn hoá, sản xuất kinh doanh trong bối cảnh đại dịch, định hướng phát triển các công nghệ hỗ trợ.

Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt phát biểu tại buổi làm việc.

Giải pháp phòng, chống dịch Covid-19 - từ góc nhìn của chuyên gia

Cũng tại buổi làm việc, các đại biểu, nhà khoa học đã có những ý kiến phát biểu, đóng góp thiết thực.  

Theo PGS Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), dịch Covid-19 sẽ còn kéo dài nên việc thích ứng, sống chung với dịch, thiết lập trạng thái bình thường mới là cần thiết. Ông đề xuất cần có những nghiên cứu cơ bản như giải trình tự gen, điều tra dịch tễ, đánh giá kháng thể cộng đồng sau khi tiêm vắc xin cũng như hiệu quả của từng loại vắc xin Covid-19.

PGS Nguyễn Lân Hiếu - Giám đốc Đại học Y Hà Nội đánh giá cao việc ứng dụng khoa học, đặc biệt là ứng dụng AI trong chống dịch Covid-19. Ông cho biết, Đại học Y Hà Nội đang phối hợp với Tập đoàn FPT sử dụng người máy AI để gọi điện truy vết bệnh nhân Covid-19, tổ chức đánh giá, thử nghiệm trên gần 100 F0 đem lại hiệu quả rất cao. Ngoài ra, công nghệ AI còn được sử dụng phân loại, kết nối giường bệnh trống, xe cấp cứu gần nhất... Đây cũng là những giải pháp hữu hiệu, ứng dụng công nghệ vào phòng, chống dịch bệnh nói chung và dịch Covid-19 nói riêng.

Trong khi đó, PGS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương cho rằng, bình thường mới không có nghĩa để dịch phát triển tự do. Ông đề xuất một chương trình chiến lược tổng thể quốc gia về Covid-19 gồm nghiên cứu cơ bản, dịch tễ, xét nghiệm, vắc xin, các dữ liệu lâm sàng, phác đồ điều trị, phát triển thuốc, trang thiết bị y tế. Đồng thời, ông kiến nghị nên có một chương trình vừa chống lao, vừa chống Covid-19 vì đây là hai bệnh có chung cơ chế lây truyền.

Theo GS Đỗ Quyết - Giám đốc Học viện Quân y, các ngành cần mở rộng hình thức đặt hàng các cơ sở nghiên cứu, mở rộng ngoại giao công nghệ để Việt Nam có các nguồn cung cấp vắc xin, thuốc điều trị Covid-19 phong phú, hiệu quả. Chia sẻ với quan điểm này, GS Châu Văn Minh - Chủ tịch Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam mong muốn nhận được đặt hàng từ Bộ Y tế. Ông cho rằng, khi các nhà khoa học biết rõ Bộ Y tế đang cần gì, lực lượng nghiên cứu sẽ sẵn sàng chia sẻ. Đồng thời, cũng tránh được tình trạng nghiên cứu chồng chéo, gây lãng phí nguồn lực và tài chính.

Dưới góc độ quản lý nhà nước về y tế, GS Trần Quang Thuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế đã nêu một số khó khăn, thách thức trong nghiên cứu phòng chống dịch Covid-19 tại Việt Nam như: chưa có cơ sở đạt yêu cầu về an toàn sinh học cấp 3, 4 để thực hiện nghiên cứu tiền lâm sàng, nghiên cứu thử thách đánh giá hiệu lực bảo vệ của vắc xin phòng, chống dịch Covid-19, thuốc, sinh phẩm điều trị trên động vật thí nghiệm lớn... Ông đề xuất Chính phủ xem xét bổ sung ngân sách cho KH&CN ngành Y, đặc biệt là các nghiên cứu phục vụ phòng, chống Covid-19.

Bắc Lê

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)