Thứ năm, 21/10/2021 15:59

Chương trình KC.08/16-20: Nhiều giải pháp quy trình, công nghệ có triển vọng lớn ứng dụng trong thực tiễn

Đây là thông tin được đưa ra tại Hội nghị Tổng kết “Chương trình nghiên cứu khoa học và công nghệ (KH&CN) phục vụ bảo vệ môi trường và phòng tránh thiên tai giai đoạn 2016-2020” và định hướng giai đoạn 2021-2025 (Chương trình KC.08/16-20) được Bộ KH&CN tổ chức ngày 20/10/2021 tại Hà Nội theo hình thức trực tiếp và trực tuyến. Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng đã tham dự và chỉ đạo Hội nghị.

Theo báo cáo tại Hội nghị, Chương trình KC.08/16-20 được Bộ KH&CN phê duyệt thực hiện từ tháng 10/2015. Trong giai đoạn này, đã có 38 nhiệm vụ (36 đề tài, 2 dự án sản xuất thử nghiệm) được phê duyệt thực hiện, trong đó có 23 nhiệm vụ liên quan đến lĩnh vực phòng tránh thiên tai (61%) và 15 nhiệm vụ thuộc lĩnh vực môi trường (39%). Nội dung nghiên cứu của các đề tài thuộc Chương trình đều được tiến hành trên cơ sở tài liệu, số liệu... do các cơ quan có tư cách pháp nhân cung cấp, được kiểm định, kiểm nghiệm ở các phòng thí nghiệm, trung tâm kiểm định có uy tín, trong trường hợp thiếu điều kiện nhiều mẫu thử, mẫu vật đã được gửi đi nước ngoài để thực hiện. Điều này giúp số liệu đầu vào của những nghiên cứu đảm bảo độ tin cậy. Sản phẩm các đề tài tạo ra đều được sự hỗ trợ của các phần mềm, chương trình tính toán hiện đại, tiên tiến, không ít đề tài được nghiên cứu trên mô hình vật lý, mô hình thực tế với tỷ lệ 1/1. Ngoài ra, hầu hết các đề tài đều có trao đổi chuyên môn, học tập kinh nghiệm với các tổ chức nghiên cứu quốc tế, vì thế chất lượng của một số kết quả nghiên cứu thu được khá cao, đạt trình độ tiên tiến trên thế giới. Điều này một phần được phản ánh qua các bài báo đăng trên các tạp chí quốc tế uy tín; các báo cáo tham luận hoặc báo cáo kết quả nghiên cứu tại các hội nghị và hội thảo quốc tế của nhiều đề tài thuộc Chương trình.

Bên cạnh đó, thông qua thực hiện các nhiệm vụ đã có hàng chục sản phẩm được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ hoặc chấp nhận đơn đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí (vượt hơn 50% so với kế hoạch của Chương trình); hỗ trợ đào tạo 44 tiến sỹ trong và ngoài nước (vượt gần 30% so với kế hoạch đề ra)... Đặc biệt, theo Ban chủ nhiệm Chương trình đã có 38 nhóm giải pháp, quy trình, công nghệ mới trong việc dự báo khí tượng thủy văn; công nghệ, giải pháp dự báo, cảnh báo, giám sát nguồn nước, thiên tai lũ, hạn, mặn đảm bảo an toàn cho nhân dân, phục vụ sản xuất và đời sống; chỉnh trị sông, phòng chống xói lở, bồi lấp bờ sông, bờ biển, cửa sông ven biển; đa thiên tai và chính sách giảm nhẹ rủi ro thiên tai; công nghệ tái chế, tái sử dụng, xử lý chất thải môi trường nông thôn, làng nghề, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, nước thải chăn nuôi, nước rỉ rác; công nghệ xử lý hiệu quả chất thải sản xuất công nghiệp; tai biến môi trường công nghiệp khai khoáng; môi trường nước trong hệ thống sông, kênh thủy lợi... được ứng dụng hoặc có triển vọng lớn ứng dụng trong thực tiễn.

Có thể kể đến một số công nghệ tiêu biểu của Chương trình như: hệ thống nghiệp vụ dự báo khí hậu hạn mùa cho Việt Nam ứng dụng các mô hình động lực; hệ thống mô hình dự báo định lượng mưa lớn cho khu vực Bắc Bộ Việt Nam theo chế độ nghiệp vụ; hệ thống nghiệp vụ dự báo định lượng mưa khu vực Nam Bộ và cảnh báo mưa lớn hạn cực ngắn cho TP Hồ Chí Minh; hệ thống tính toán, cảnh báo rủi ro do bão và áp thấp nhiệt đới theo các bản tin dự báo; hệ thống tích hợp giám sát tài nguyên nước mặt và dự báo hạn hán cho Đồng bằng sông Cửu Long; giải pháp chuyển đổi sản xuất (cơ cấu mùa vụ, giống, cơ cấu ngành nghề) ở Đồng bằng sông Cửu Long nhằm ứng phó với các tác động bất lợi với biến động dòng chảy đến từ thượng lưu; các giải pháp quản lý, quy hoạch, công trình và phi công trình nhằm giảm thiểu các tác động bất lợi của hạn hán, xâm nhập mặn cho vùng Đồng bằng sông Hồng - Thái Bình; giải pháp về quản lý công trình và phi công trình để đảm bảo an toàn hệ thống công trình đầu mối và hạ du công trình khi có lũ lớn hồ Dầu Tiếng; các giải pháp giảm thiểu tác động, thích ứng với thiên tai hạn hán và xâm nhập mặn vùng Bán đảo Cà Mau; giải pháp tổng hợp nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh ứng phó với hạn hán cho các tỉnh vùng Nam Trung Bộ thích ứng với biến đổi khí hậu; giải pháp giảm thiểu thiệt hại, chủ động phòng, khắc phục và thích ứng với hiện tượng hạ thấp lòng dẫn và mực nước hệ thống sông Cửu Long; giải pháp tổng thể (giải pháp công trình và công cụ chính sách quản lý) bảo vệ cửa sông, bờ biển vùng từ Quảng Bình đến Thừa Thiên - Huế; phương pháp đánh giá rủi ro đa thiên tai và bộ công cụ hỗ trợ ra quyết định cho các cơ quan quản lý nhằm giảm nhẹ rủi ro đa thiên tai; phương pháp đánh giá rủi ro đa thiên tai từ việc tổng hợp các rủi ro thiên tai đơn (nhiệt độ, mưa lớn và bão) dựa trên đặc trưng chịu rủi ro của lĩnh vực sản xuất nuôi trồng thủy sản khu vực ven biển đồng bằng Bắc Bộ; quy trình công nghệ xử lý sinh học kiểm soát an toàn không phát thải mùi và không phát thải nước rỉ rác để xử lý chất thải rắn sinh hoạt phù hợp với điều kiện Việt Nam; công nghệ tuần hoàn và tái sử dụng chất thải làng nghề đối với 2 loại hình sản xuất tái chế nhựa và kim loại; hệ thống công nghệ thiết bị tích hợp hóa lý - sinh học và sinh thái BK-IPIBIWE xử lý nước rỉ rác từ bãi chôn lấp rác tập trung; mô hình giảm thiểu và xử lý chất thải cho hộ/cụm hộ có các sinh kế tích hợp đặc trưng cho từng vùng ngọt, mặn và phèn Đồng bằng sông Cửu Long...

Về tổng thể, với những kết quả đã đạt được và triển vọng đạt được khi kết thúc thời gian thực hiện, hoàn toàn có cơ sở để khẳng định Chương trình KC.08/16-20 đã hoàn thành các mục tiêu đặt ra. Các kết quả nghiên cứu của chương trình là những đóng góp mới có chất lượng về lý luận cũng như thực tiễn trong chiến lược phòng tránh thiên tai, bảo vệ môi trường của nước ta. Đồng thời, các kết quả, sản phẩm đạt được của Chương trình cũng sẽ góp phần quan trọng vào sự phát triển nhiều ngành kinh tế trong công cuộc công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước, nhất là việc chuyển đổi sang kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.

Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng phát biểu tại Hội nghị.

Đánh giá cao các kết quả đạt được của Chương trình trong giai đoạn vừa qua, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng cho rằng, trong giai đoạn tới, ngoài các nhiệm vụ nghiên cứu, đưa ra các công nghệ, quy trình, giải pháp, các nhà khoa học phải tính toán được hiệu quả kinh tế từ việc áp dụng các công nghệ, mô hình, sản phẩm của Chương trình. Khi đó sẽ thu hút được nhiều doanh nghiệp ứng dụng. Ngoài ra, các nội dung của Chương trình trong giai đoạn tới phải tái cấu trúc theo hướng giải các bài toán lớn mang tính liên vùng, từ đó huy động sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học trong cả nước đem lại hiệu quả nghiên cứu cao hơn.

GS.TS Nguyễn Vũ Việt - Chủ nhiệm Chương trình KC.08/16-20 phát biểu tại Hội nghị.

Cũng tại Hội nghị, các chuyên gia cho rằng, Việt Nam là Quốc gia đang phát triển và nằm trong vùng thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai, do vậy công tác phòng tránh thiên tai, bảo vệ môi trường là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục và cần đẩy mạnh để đảm bảo sự phát triển ổn định và bền vững của nền kinh tế, đảm bảo an toàn cho nhân dân và cũng chính vì thế đây là lĩnh vực đòi hỏi có sự hỗ trợ chính của nhà nước (lĩnh vực công ích) phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Do đó, việc tiếp tục thực hiện Chương trình KH&CN cấp quốc gia liên quan đến lĩnh vực phòng tránh thiên tai, bảo vệ môi trường là cần thiết. Trên cơ sở đó, Ban chủ nhiệm Chương trình kiến nghị Bộ KH&CN cho phép chương trình được tiếp tục thực hiện trong giai đoạn 2021-2025 với một số nội dung chính như: nghiên cứu phát triển công nghệ bảo vệ môi trường hướng tới mục tiêu kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, phát triển bền vững; nghiên cứu phát triển, hoàn thiện các công nghệ, thiết bị, vật liệu hay chế phẩm mới, tiên tiến trong dự báo, kiểm soát và xử lý ô nhiễm môi trường (nước thải, đất, chất thải rắn, chất thải nguy hại, ô nhiễm không khí); nghiên cứu phát triển phương pháp luận và kỹ thuật, xây dựng và hoàn thiện tiêu chí đánh giá các công nghệ sản xuất, công nghệ xử lý chất thải nhằm phòng ngừa, giảm thiểu và xử lý chất thải trong các ngành kinh tế nhằm phụ vụ mục tiêu kiểm soát ô nhiễm môi trường; nghiên cứu triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn cho các ngành, lĩnh vực và địa phương nhằm tiết kiệm tài nguyên và bảo vệ môi trường; phát triển, hoàn thiện, tích hợp, ứng dụng được các công cụ, mô hình tiên tiến hiện dự báo, cảnh báo các hiện tượng khí tượng - thủy văn nguy hiểm; nghiên cứu xây dựng, thử nghiệm và đề xuất các giải pháp, công nghệ ngăn ngừa, phòng, chống, giảm nhẹ tác động, khắc phục hậu quả của thiên tai; nghiên cứu các giải pháp khoa học quản lý rủi ro đa thiên tai và xây dựng hệ thống hỗ trợ ra quyết định cho một số khu vực; nghiên cứu làm chủ được các giải pháp, công nghệ tiên tiến, công nghệ không gian, xây dựng và đồng bộ hóa cơ sở dữ liệu lớn nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo các loại hình thiên tai điển hình ở Việt Nam như lũ quét, trượt lở đất, sạt lở bờ sông, bờ biển, ngập lụt hạ du các hồ chứa lớn, các thành phố ven biển, hạn hán, xâm nhập mặn…

CT

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)