Ảnh: The Nobel Prize.
Một nửa Giải thưởng được trao cho GS Syukuro Manabe và GS Klaus Hasselmann với những đóng góp “lập mô hình vật lý về khí hậu của Trái đất, định lượng sự biến đổi và dự đoán một cách đáng tin cậy sự nóng lên toàn cầu”, nửa còn lại được trao cho GS Giorgio Parisi vì đã có những nghiên cứu “phát hiện ra sự tác động lẫn nhau của rối loạn và dao động trong các hệ thống vật chất từ quy mô nguyên tử đến hành tinh".
Ba nhà khoa học giành Giải Nobel Vật lý năm nay cho những nghiên cứu về các hiện tượng hỗn loạn và dường như ngẫu nhiên. GS Syukuro Manabe và GS Klaus Hasselmann đã đặt nền móng cho kiến thức của nhân loại về khí hậu Trái đất và tác động của con người. Trong khi đó, GS Giorgio Parisi được vinh danh với những đóng góp mang tính cách mạng cho lý thuyết vật liệu hỗn độn và các quá trình ngẫu nhiên.
Các hệ thống vật lý phức tạp được đặc trưng bởi tính ngẫu nhiên, rối loạn và khó hiểu. Giải thưởng năm nay vinh danh những phương pháp mới để mô tả và dự đoán hành vi dài hạn của các hệ thống này.
Khí hậu Trái đất là một hệ thống phức tạp có tầm quan trọng sống còn đối với loài người. GS Syukuro Manabe đã chứng minh mức độ tăng CO2 trong khí quyển dẫn đến nhiệt độ bề mặt Trái đất tăng lên như thế nào. Vào những năm 1960, ông đã bắt đầu nghiên cứu sự phát triển của các mô hình vật lý về khí hậu Trái đất và là người đầu tiên khám phá sự tương tác giữa cân bằng bức xạ và sự chuyển động thẳng đứng của các khối khí. Công trình nghiên cứu của ông đã đặt nền móng cho sự phát triển của các mô hình khí hậu hiện nay.
Khoảng 10 năm sau, GS Klaus Hasselmann đã tạo ra một mô hình liên kết thời tiết và khí hậu, trả lời câu hỏi tại sao các mô hình khí hậu có thể đáng tin cậy mặc dù thời tiết luôn thay đổi và hỗn loạn. Ông cũng phát triển các phương pháp nhận dạng những tín hiệu nhất định, là dấu ấn của cả hiện tượng tự nhiên lẫn hoạt động của con người trong hệ thống khí hậu. Các phương pháp của ông được sử dụng để chứng minh rằng nhiệt độ khí quyển tăng lên là do con người thải ra khí CO2.
Vào khoảng năm 1980, GS Giorgio Parisi đã phát hiện ra các mẫu ẩn trong các vật liệu phức tạp bị xáo trộn. Khám phá của ông là một trong những đóng góp quan trọng nhất cho lý thuyết về hệ thống phức hợp. Chúng giúp chúng ta có thể hiểu và mô tả nhiều vật liệu và hiện tượng hoàn toàn ngẫu nhiên, không chỉ trong vật lý mà còn trong các lĩnh vực khác, chẳng hạn như toán học, sinh học, khoa học thần kinh và học máy.
Chủ tịch Hội đồng Giải thưởng Nobel Vật lý nhận xét: “Những khám phá được tôn vinh năm nay chứng tỏ rằng kiến thức của con người về khí hậu được dựa trên nền tảng khoa học vững chắc và sự phân tích quan sát chặt chẽ. 3 nhà khoa học giành Giải Nobel đều đã giúp chúng ta có được cái nhìn sâu sắc hơn về tính chất và sự phát triển của các hệ thống vật lý phức tạp”.
Bắc Lê (theo The Nobel Prize)