Thứ tư, 11/08/2021 16:21

Tiêm phòng vắc-xin Covid-19: Những câu hỏi thường gặp

BS Trần Quốc Khánh

Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang diễn biến rất phức tạp như hiện nay, các quốc gia, trong đó có Việt Nam đã tích cực triển khai tiêm vắc-xin trên diện rộng cho người dân. Có rất nhiều câu hỏi mà độc giả quan tâm có liên quan đến vấn đề này. BS Trần Quốc Khánh sẽ giải đáp các vấn đề này dựa trên các tài liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh (CDC) Hoa Kỳ.

Những câu hỏi liên quan đến bà mẹ đang cho con bú

1. Vi rút SARS-CoV-2 có lây qua sữa từ mẹ sang con trong quá trình cho con bú hay không?

Hiện chưa phát hiện bằng chứng cho thấy có sự lây truyền vi rút qua sữa mẹ và từ việc mẹ cho con bú. Chính vì vậy, ở những nơi đang có dịch lưu hành hoặc trong khu cách ly, người mẹ cần tiếp tục cho con bú, vì sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tốt nhất để giúp trẻ nâng cao hệ miễn dịch, thắt chặt tình cảm mẹ con.

2. Nếu người mẹ mắc hoặc nghi ngờ mắc Covid-19 thì có tiếp tục cho con bú hay không?

WHO cho rằng, việc mẹ mắc hoặc nghi ngờ mắc Covid-19 trong thời gian cho con bú vẫn nên tiếp tục nếu người mẹ muốn. Tuy nhiên, cần thực hiện những biện pháp ngăn ngừa lây nhiễm như đeo khẩu trang khi cho con bú, vệ sinh tay chân liên tục, vệ sinh các bề mặt khi mẹ chạm vào…

3. Đang có thai, cho con bú có được tiêm vắc-xin phòng Covid-19 hay không?

Không có chống chỉ định tiêm vắc-xin với phụ nữ mang thai và cho con bú. Sau khi tiêm vắc-xin vẫn nên tiếp tục cho con bú ngay được, trừ khi quá mệt do tác dụng phụ của vắc-xin. Một số bằng chứng cho thấy, sau khi tiêm vắc xin, các kháng thể được tìm thấy trong sữa mẹ, vì vậy thể giúp bảo vệ trẻ chống lại Covid-19.

4. Sau khi mắc và đã khỏi Covid-19 thì có nên tiếp tục cho con bú?

Hoàn toàn nên cho con bú ngay sau khi đã khỏi Covid-19, điều quan trọng là người mẹ cảm thấy khoẻ mạnh sau quá trình điều trị Covid-19 nếu ở thể nặng.

5. Đang có kinh nguyệt thì có nên tiêm vắc-xin hay không và tiêm vắc-xin có ảnh hưởng đến khả năng sinh đẻ?

Chị em phụ nữ có thể tiêm vắc-xin trong mọi thời điểm của chu kỳ kinh. Tiêm vắc-xin Covid-19 cũng ảnh hưởng đến khả năng sinh đẻ vì không có bằng chứng cho thấy bất kỳ loại vắc-xin Covid-19 nào ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt hoặc khả năng sinh sản trong tương lai. Những người đang cố gắng mang thai không cần tránh mang thai sau khi đã tiêm vắc xin Covid-19.

6. Phụ nữ có cần lưu ý thời gian chụp xquang vú sau khi tiêm vắc-xin covid hay không?

Những người đã tiêm phòng Covid-19 có thể bị nổi hạch ở nách, do vậy có thể ảnh hưởng đến kết quả đọc trên phim chụp quang tuyến vú. Chính vì vậy, chuyên gia khuyên nên đợi 4-6 tuần sau khi tiêm vắc-xin Covid-19 hãy lên lịch chụp X quang tuyến vú.

Những câu hỏi khác

7. Nếu không nhớ loại vắc-xin mũi đầu đã tiêm thì phải làm gì?

Các vắc-xin Covid-19 không thể thay thế cho nhau vì chưa đánh giá được tính an toàn và hiệu quả của việc sử dụng hỗn hợp. Cần cố gắng hết sức để xác định loại vắc xin nào được sử dụng liều đầu tiên để đảm bảo hoàn thành tiêm phòng với cùng một sản phẩm. Trong một số tình huống đặc biệt: 1) Khi không xác định được sản phẩm vắc-xin được tiêm cho liều đầu tiên hoặc không còn thì có thể sử dụng bất kỳ loại vắc xin mRNA Covid-19 nào có sẵn với thời gian cách nhau tối thiểu 28 ngày; 2) Nếu đã nhận được liều đầu tiên của vắc-xin mRNA nhưng không thể hoàn thành loại vắc-xin mRNA ở mũi 2 thì có thể cân nhắc sử dụng một liều duy nhất vắc-xin Janssen Covid-19 với thời gian cách nhau tối thiểu 28 ngày.

8. Có khoảng thời gian cách nhau tối thiểu giữa việc tiêm các vắc-xin thông thường và vắc-xin phòng Covid-19 hay không?

Không, có thể sử dụng vắc-xin Covid-19 và các vắc-xin khác mà không cần quan tâm đến thời gian. Điều này bao gồm việc sử dụng đồng thời vắc-xin Covid-19 với các vắc-xin sống, giảm độc lực như vắc-xin sởi, quai bị, rubella trong cùng một ngày.

9. Có nên xét nghiệm kháng thể để đánh giá khả năng miễn dịch của mình trong việc quyết định tiêm vắc-xin hay không? Hoặc đánh giá xem khả năng miễn dịch của mình sau khi đã tiêm vắc-xin?

Xét nghiệm kháng thể hiện không được khuyến khích để đánh giá miễn dịch với Covid-19 sau khi tiêm chủng.

10. Để tiết kiệm, có thể tận dụng gộp từ một số lọ vắc xin để tiêm cho mình?

Không. Không bao giờ kết hợp hoặc “gộp” một phần các liều từ hai lọ trở lên để có được một hoặc nhiều liều vắc-xin.

11. Có nên làm loãng máu vài ngày trước khi tiêm vắc-xin khi có báo cáo về hiện tượng tăng đông máu do tiêm chủng?

Không nên dùng thuốc làm loãng máu trừ khi bác sỹ đã kê đơn thuốc đó để điều trị tình trạng sức khỏe hiện có.

12. Có khả năng một người nào đó được tiêm vắc-xin vẫn bị nhiễm Covid-19 hay không?

Vắc-xin Covid-19 có hiệu quả cao, đặc biệt là giảm tỷ lệ nhập viện và diễn biến nặng, tuy nhiên không có vắc-xin nào có khả năng bảo vệ 100%. Do đó, sẽ có một tỷ lệ nhỏ những người được tiêm chủng vẫn bị nhiễm Covid-19. Trong 14 ngày đầu tiên sau khi chủng ngừa, bạn không có mức độ bảo vệ đáng kể vì hệ miễn dịch cần thời gian để kích hoạt chuỗi phản ứng miễn dich. Đối với vắc-xin một liều, sự bảo vệ thường được thiết lập hai tuần sau khi tiêm chủng. Đối với vắc-xin hai liều, cần đủ cả hai liều để đạt được mức độ miễn dịch cao nhất có thể.

13. Có nguy cơ bị viêm cơ tim hoặc viêm màng ngoài tim khi tiêm vắc-xin mRNA Covid-19 hay không?

Trên toàn cầu, vắc xin mRNA như Pfizer và Moderna đã được sử dụng để bảo vệ hàng triệu người chống lại Covid-19 và rất an toàn. Đã có báo cáo về các trường hợp viêm cơ tim và viêm màng ngoài tim sau khi tiêm liều thứ hai của vắc-xin mRNA, tuy vậy tổn thương này có thể do nhiều yếu tố gây ra, bao gồm nhiễm trùng, vi rút, thuốc và các yếu tố môi trường. Dữ liệu hiện có cho thấy, cũng có mối quan hệ tiềm ẩn giữa các triệu chứng này với vắc xin mRNA, tuy nhiên cần phải có thêm các nghiên để đánh giá đầy đủ. Các trường hợp được báo cáo chủ yếu ở nam giới trẻ tuổi (12-29 tuổi). Hơn nữa, các triệu chứng của viêm cơ tim và viêm màng ngoài tim thường nhẹ. Nếu bị đau ngực trái mới xuất hiện sau tiêm vắc-xin vài ngày kèm tim đập nhanh thì hãy liên hệ với bác sỹ tim mạch sớm. Về cơ bản, lợi ích từ việc tiêm phòng vắc-xin Covid-19 vượt trội hơn rất nhiều so với nguy cơ viêm cơ tim và viêm màng ngoài tim.

14. Vắc-xin Covid-19 của Astra Zeneca và Johnson & Johnson/Janssen có gây ra hiện tượng tăng đông máu?

Trên toàn cầu, vắc-xin Covid-19 của AstraZeneca và Johnson & Johnson/Janssen đã được sử dụng để bảo vệ hàng triệu người và hầu hết rất an toàn. Đã có báo cáo về những trường hợp rất hiếm gặp nhưng nghiêm trọng về tình trạng hình thành huyết khối kèm theo số lượng tiểu cầu giảm xảy ra từ 3 đến 30 ngày sau khi tiêm. Với vắc xin AstraZeneca, tính đến ngày 15/7/2021, dữ liệu cho thấy những triệu chứng này xảy ra ở khoảng 4 đến 6 người trong số một triệu người được tiêm chủng (con số này thay đổi tùy theo độ tuổi, giới tính và vị trí địa lý) và những người trẻ tuổi dường như có nguy cơ mắc biến chứng này cao hơn những người lớn tuổi. Với vắc-xin Janssen, tính đến ngày 7/5/2021, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ và CDC Hoa Kỳ đã xem xét ghi nhận 28 trường hợp có biến chứng này trên tổng số hơn 8 triệu người được tiêm chủng. Tuy nhiên, mối liên hệ này cần được tìm hiểu và đánh giá thêm. Thực tế, rối loạn đông máu là một vấn đề sức khỏe rất phổ biến do nhiều nguyên nhân gây ra, trong đó có cả do nhiễm Covid-19. Nếu bị đau đầu dữ dội, mờ mắt, đau ngực/bụng dữ dội, phù chân hoặc bầm tím da bất thường và khó thở trong khoảng thời gian từ 3 đến 30 ngày sau khi tiêm phòng vắc-xin Covid-19 thì hãy liên hệ với bác sỹ ngay.

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)