Thứ sáu, 23/07/2021 10:54

Cục Sở hữu trí tuệ - 39 năm đồng hành cùng sự phát triển của đất nước

Cục Sở hữu trí tuệ (tiền thân là Cục Sáng chế) được thành lập ngày 29/7/1982 theo Nghị định số 125/HĐBT ngày 29/7/1982 của Hội đồng Bộ trưởng. Trong 39 năm qua, Cục đã luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân trong việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, đưa sở hữu trí tuệ dần trở thành công cụ quan trọng trong đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội… Bài viết điểm lại một số kết quả chính trong hoạt động của Cục từ khi thành lập đến nay.

Công tác xây dựng thể chế ngày càng được hoàn thiện

Ngay sau khi thành lập, Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT) đã xây dựng dự thảo văn bản pháp lý đầu tiên về điều lệ nhãn hiệu hàng hóa (Nghị định số 197-HĐBT ngày 14/12/1982 của Hội đồng Bộ trưởng). Sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI, theo chủ trương đổi mới cơ chế quản lý kinh tế của Đảng, Cục đã nhanh chóng bắt tay xây dựng một loạt văn bản pháp lý quan trọng như: Nghị định số 85-HĐBT ngày 13/5/1988 ban hành Điều lệ về Bảo hộ kiểu dáng công nghiệp, Nghị định số 200-HĐBT ngày 28/12/1988 ban hành Điều lệ về Bảo hộ giải pháp hữu ích, Nghị định số 201-HĐBT ngày 28/12/1988 ban hành Điều lệ về Mua bán quyền sử dụng sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu hàng hóa và bí quyết kỹ thuật (gọi tắt là Điều lệ về mua bán li-xăng). Đặc biệt, sự ra đời của Pháp lệnh Bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp (SHCN) ngày 28/1/1989 đã ghi nhận nhiều vấn đề mới như “quyền SHCN”, sáng chế và các đối tượng SHCN khác được coi là tài sản và là đối tượng của quyền sở hữu, tạo điều kiện khuyến khích sáng tạo và cân bằng lợi ích của chủ thể quyền với lợi ích của xã hội… Việc xây dựng thể chế trong giai đoạn đầu này có ý nghĩa hết sức quan trọng, góp phần tạo ra một cơ chế bảo hộ cụ thể, thúc đẩy các hoạt động đăng ký bảo hộ quyền SHTT gia tăng nhanh chóng. Có thể coi đây là những văn bản pháp lý quan trọng đầu tiên khi Việt Nam chuẩn bị bước vào xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa được chính thức đề ra tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII.

Năm 1995, Bộ luật Dân sự lần đầu tiên được Quốc hội khóa IX thông qua, trong đó có 26 điều khoản quy định những nguyên tắc cơ bản trong xác lập và bảo hộ quyền SHCN. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng nhất trong việc thực hiện các hoạt động SHCN của nước ta. Để thực hiện những quy định của Bộ luật Dân sự, Cục đã nghiên cứu, soạn thảo các văn bản hướng dẫn để trình các cấp có thẩm quyền ban hành như: Nghị định số 63-CP ngày 24/10/1996 của Chính phủ quy định chi tiết về SHCN, Nghị định số 12/1999/NĐ-CP ngày 6/3/1999 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực SHCN, Nghị định số 54/2000/NĐ-CP ngày 3/10/2000 của Chính phủ quy định về bảo hộ quyền SHCN đối với bí mật kinh doanh, chỉ dẫn địa lý, tên thương mại và quyền chống cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến SHCN, Nghị định số 06/2001/NĐ-CP ngày 1/2/2001 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 63-CP ngày 24/10/1996, Nghị định số 42/2003/NĐ-CP ngày 2/5/2003 của Chính phủ về bảo hộ quyền SHCN đối với thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, Thông tư số 3055/TT-SHCN ngày 31/12/1996 của Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường hướng dẫn thi hành các quy định về thủ tục xác lập quyền SHCN và một số thủ tục khác trong Nghị định số 63-CP, Thông tư số 29/2003/TT-BKHCN ngày 5/11/2003 của Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) hướng dẫn thực hiện các thủ tục xác lập quyền SHCN đối với kiểu dáng công nghiệp... Đây là hệ thống văn bản pháp luật về SHCN quan trọng đầu tiên khi đất nước ta bước vào giai đoạn đầu của hội nhập khu vực và thế giới.

Có thể thấy, SHTT là một trong những nội dung quan trọng trong hoạt động đàm phán gia nhập các tổ chức quốc tế, đặc biệt là Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Ngay từ những năm đầu 90 của thế kỷ XX, Việt Nam đã khởi động các vòng đàm phán để gia nhập tổ chức thương mại lớn nhất toàn cầu này. Nhưng để được công nhận trở thành thành viên chính thức của WTO (tháng 1/2007), các cơ quan hữu quan đã phải chuẩn bị rất nhiều nội dung, đặc biệt là cải cách thể chế, trong đó pháp luật SHTT là một trong những yêu cầu mạnh mẽ nhất từ tổ chức này. Cục đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng xây dựng dự thảo luật đầu tiên về SHTT, được Quốc hội khóa XI thông qua vào ngày 29/11/2005 và có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2006. Đây là một sự kiện quan trọng, đánh dấu một giai đoạn mới về hoạt động SHTT của Việt Nam, nhất là để đáp ứng yêu cầu của việc gia nhập WTO. Trong thời gian này, Cục đã chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan dự thảo và trình các cấp có thẩm quyền ban hành một loạt văn bản hướng dẫn thi hành Luật SHTT như: Nghị định số 103/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật SHTT về SHCN, Nghị định số 105/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của Luật SHTT về bảo vệ quyền SHTT và quản lý nhà nước về SHTT, Thông tư số 01/2007/TT-BKHCN ngày 14/2/2007 của Bộ KH&CN quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật SHTT về SHCN.

Bước vào giai đoạn hội nhập quốc tế, Cục tiếp tục chủ trì xây dựng nhiều văn bản quan trọng về SHTT như Luật SHTT sửa đổi năm 2009; Luật số 42/2019/QH14 ngày 14/6/2019 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật SHTT; Nghị định số 119/2010/NĐ-CP ngày 30/12/2010 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 105/2006/NĐ-CP; Nghị định số 122/2010/NĐ-CP ngày 31/12/2010 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 103/2006/NĐ-CP; Thông tư số 16/2016/TT-BKHCN ngày 30/6/2016 của Bộ KH&CN sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư số 01/2007/TT-BKHCN ngày 14/2/2007, 13/2010/TT-BKHCN ngày 30/7/2010, 18/2011/TT-BKHCN ngày 22/7/2011 và 05/2013/TT-BKHCN ngày 20/2/2013.

Đáng chú ý là trong năm 2019, bên cạnh việc xây dựng dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật SHTT để thi hành Hiệp định CPTPP, Cục đã xây dựng một văn bản quan trọng khác là Chiến lược SHTT đến năm 2030. Chiến lược này có ý nghĩa to lớn, thể hiện vai trò của SHTT khi Việt Nam bước vào giai đoạn hội nhập quốc tế sâu rộng, đồng thời thể hiện tinh thần chủ động trong việc tiếp nhận, thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và đón nhận làn sóng đầu tư mới.

Công tác xử lý đơn đăng ký quyền SHCN đạt được nhiều tiến bộ

Khi mới thành lập, lượng đơn đăng ký quyền SHCN còn hết sức khiêm tốn và công tác xử lý đơn thủ công - chưa có hệ thống công nghệ thông tin. Giai đoạn 1981-1989 tổng số lượng đơn sáng chế nộp tại Cục mới có 531 đơn (506 đơn Việt Nam, 25 đơn nước ngoài), đơn nhãn hiệu có 1.721 đơn (716 đơn Việt Nam, 1.005 đơn nước ngoài), đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp bắt đầu được nộp từ năm 1988 với 6 đơn của người nộp đơn Việt Nam và chưa có người nộp đơn nước ngoài. Nhưng chỉ gần 10 năm sau, đặc biệt là 5 năm gần đây, số lượng đơn đăng ký quyền SHCN đã tăng gấp nhiều lần. Điều này đã tạo ra những áp lực cho công tác quản lý và công tác thẩm định đơn của Cục trong điều kiện còn nhiều khó khăn. Nhưng với sự nỗ lực, quyết tâm của toàn thể công chức, viên chức và người lao động của Cục, công tác thẩm định đơn đã đạt được nhiều kết quả ấn tượng: số lượng đơn được xử lý, thẩm định, cấp văn bằng bảo hộ gia tăng, khắc phục dần tình trạng tồn đọng. Có thể thấy qua những số liệu thống kê gần đây: năm 2017, Cục xử lý được 39.250 đơn (tăng 1% so với năm 2016), năm 2018 xử lý 42.867 đơn (tăng 9,2% so với năm 2017), năm 2019 xử lý 65.029 đơn (tăng 51,7% so với năm 2018). Riêng năm 2020 và 6 tháng đầu năm 2021 mặc dù bị ảnh hưởng mạnh bởi dịch bệnh Covid-19, nhưng kết quả xử lý đơn SHCN vẫn tăng cao so với cùng kỳ, cụ thể năm 2020 xử lý 71.829 đơn (tăng 10,5% so với năm 2019), 6 tháng đầu năm 2021 đã xử lý 33.456 đơn (tăng 1,9% so với cùng kỳ năm 2020).

Bên cạnh sự nỗ lực của tập thể cán bộ, Cục cũng đã chú trọng đầu tư, hiện đại hóa công cụ và trang thiết bị phục vụ công tác thẩm định. Cục đã thực hiện một số dự án công nghệ thông tin quan trọng như: Dự án hiện đại hóa hệ thống công nghệ thông tin, Dự án phục hồi dữ liệu SHCN, Dự án dịch vụ công trực tuyến, đưa vào vận hành phần mềm tra cứu nhãn hiệu (IP-Search) và tích hợp các đăng ký chỉ dẫn địa lý vào cơ sở dữ liệu của nhãn hiệu để phục vụ công tác thẩm định đơn. Đây là một trong những yếu tố quan trọng để Cục từng bước khắc phục tình trạng đơn tồn đọng nhằm đáp ứng tốt hơn nữa yêu cầu quản lý, thực hiện tốt hơn nữa chủ trương đồng hành cùng các chủ thể quyền trong các hoạt động SHTT, đặc biệt là các doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh. 

Hoạt động hợp tác quốc tế về SHTT ngày càng được mở rộng

Ngay từ khi mới thành lập, Cục đã rất coi trọng hoạt động hợp tác quốc tế. Tháng 12/1985, Cục đã đăng cai tổ chức kỳ họp lần thứ 26 của Hội nghị Lãnh đạo cơ quan sáng chế các nước thành viên Hội đồng tương trợ kinh tế SEV tại Hà Nội với sự tham gia đầy đủ của 10 đoàn đại biểu của các nước thành viên SEV. Năm 1986, Cục được WIPO đầu tư dự án “Phát triển hoạt động SHCN ở Việt Nam và xây dựng trung tâm tư liệu sáng chế quốc gia”. Qua đó đã góp phần tạo cơ sở vật chất ban đầu và nâng cao năng lực hoạt động cho Cục.  

Trong những năm tiếp theo, công tác hợp tác quốc tế được mở rộng với hàng loạt hoạt động hợp tác song phương về SHCN với các nước như Thái Lan, Úc... Cục đã được tham gia là một bên thụ hưởng trong Chương trình hợp tác đặc biệt Việt Nam - Thụy Sỹ về SHTT năm 1999. Chương trình đã hỗ trợ rất lớn cho Việt Nam trong việc nghiên cứu thể chế, tuyên truyền phổ biến pháp luật SHTT, đào tạo, nâng cao năng lực cho các cán bộ làm công tác SHTT. Bên cạnh đó, Cục cũng được Chính phủ Nhật Bản tài trợ dự án Hiện đại hóa quản trị SHCN. Dự án này đã góp phần quan trọng trong công cuộc đưa công nghệ, tự động hóa vào các thao tác nghiệp vụ về xử lý đơn đăng ký quyền SHCN của Cục. 

Trong tiến trình đàm phán gia nhập WTO, Cục đã trực tiếp chuẩn bị nội dung, phương án và tham gia đàm phán về SHTT, góp phần kết thúc 12 năm đàm phán gia nhập, chính thức đưa Việt Nam trở thành thành viên thứ 150 của WTO kể từ ngày 11/1/2007. 

Bên cạnh đó, nhiều hiệp định, dự án hợp tác song phương và đa phương đã được Cục tích cực tham gia đàm phán, ký kết và xúc tiến triển khai như: Hiệp định thương mại tự do giữa ASEAN với Australia và New Zealand, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Hải quan (VCUFTA), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Khối thương mại tự do Trung Âu (EFTA), Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP)... Đặc biệt gần đây là Hiệp định CPTPP và EVFTA đã hứa hẹn mang lại nhiều thuận lợi hơn nữa cho các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sản phẩm vào các thị trường lớn. Bên cạnh đó, Cục đã ký kết các chương trình hợp tác thẩm định nhanh về sáng chế đối với Nhật Bản, Hàn Quốc và phối hợp với Cục Công nghiệp thực phẩm Nhật Bản hỗ trợ đăng ký chỉ dẫn địa lý các sản phẩm vải thiều Lục Ngạn, thanh long Bình Thuận và cà phê Buôn Ma Thuột tại Nhật Bản.  

Đáng chú ý là sự kiện Cục đảm nhận vị trí Chủ tịch Nhóm công tác về hợp tác SHTT các nước ASEAN (AWGIPC) nhiệm kỳ 2019-2021, lần đầu tiên kể từ khi Việt Nam gia nhập Tổ chức này. Cục đã chủ động xây dựng kế hoạch hoạt động và thực hiện tốt vai trò Chủ tịch trong nhiệm kỳ. Sự kiện này là một bước khẳng định vị thế, trách nhiệm của Việt Nam khi hội nhập sâu trong hoạt động hợp tác quốc tế về SHTT.

Cục trưởng Cục SHTT Đinh Hữu Phí (bên phải) tiếp nhận vai trò Chủ tịch AWGIPC (Thái Lan, ngày 29/3/2019).

Có thể đánh giá, hoạt động hợp tác quốc tế về SHTT trong thời gian qua đã đem lại cho đất nước nói chung và Cục nói riêng một vị thế nhất định. Việt Nam đã sẵn sàng làm đối tác thương mại của  tất cả các nước, đồng thời cũng tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các đối tác thực hiện đầu tư, bảo hộ và thực thi hiệu quả quyền SHTT. Cục đang ngày càng khẳng định vai trò đầu mối quốc gia trong việc tham mưu cho Nhà nước về các cơ chế, chính sách trong lĩnh vực SHTT ở cấp độ khu vực và quốc tế. 

Bên cạnh các hoạt động nêu trên, công tác đào tạo, tuyên truyền và phổ biến kiến thức về SHTT đã được Cục phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai mạnh mẽ trong thời gian qua. Qua đó, nhận thức của công chúng, của các tổ chức, cá nhân về SHTT ngày càng được nâng cao, thể hiện rõ qua việc các chủ thể đã chủ động tiếp cận, khai thác thông tin SHCN, nộp đơn đăng ký quyền SHCN ở Việt Nam và ra nước ngoài ngày càng gia tăng. 

Hoạt động kỷ niệm Ngày SHTT thế giới năm 2021.

Với những kết quả đã đạt được, Cục SHTT đã thực sự có những đóng góp không nhỏ vào sự phát triển chung của đất nước. Để đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới, với việc hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, sự tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, Cục sẽ không ngừng đổi mới phương thức hoạt động, nâng cao chất lượng ở mọi mặt công tác, và luôn sẵn sàng đồng hành cùng các tổ chức, doanh nghiệp và cộng đồng bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của trí tuệ, hợp tác và phát triển bền vững.

Cục SHTT

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)