Thứ năm, 15/07/2021 15:05

Phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số: Khoa học và công nghệ là giải pháp quan trọng

Tại Hội nghị tổng kết Chương trình khoa học và công nghệ (KH&CN) cấp quốc gia giai đoạn 2016-2020 (CTDT/16-20) và Chương trình phối hợp hoạt động giữa Bộ KH&CN và Ủy ban Dân tộc giai đoạn 2012-2020 diễn ra ngày 14/7/2021, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã nhấn mạnh để phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số cần “lấy bản sắc văn hóa, tri thức cộng đồng, truyền thống của các dân tộc thiểu số làm nền tảng; phát triển kinh tế-xã hội, môi trường và bảo đảm quốc phòng, an ninh làm mục tiêu; KH&CN là giải pháp”.

Chương trình KH&CN về dân tộc đã đạt nhiều kết quả quan trọng

Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh khẳng định: Chương trình CTDT/16-20 đã tập trung giải quyết tốt 3 mục tiêu cụ thể là: (1) cung cấp luận cứ khoa học để nhận diện các vấn đề cơ bản mang tính chiến lược và thực tiễn cấp bách liên quan đến các dân tộc thiểu số và chính sách dân tộc đáp ứng yêu cầu thời kỳ đầy mạnh CNH, HĐH và hội nhập quốc tế; (2) Đề xuất phương hướng và giải pháp đổi mới chính sách dân tộc nhằm phát triển bền vững đối với các dân tộc thiểu số ở Việt Nam, góp phần thực hiện thành công Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; (3) Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia phục vụ hoạch định và thực hiện hiệu quả chính sách dân tộc.

Toàn cảnh Hội nghị

Đánh giá về kết quả hoạt động của Chương trình, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt khẳng định, Chương trình đã thành công với kết quả vượt trội so với chỉ tiêu đề ra. Trong đó, nhiều kết quả của các đề tài nghiên cứu trong Chương trình đã kịp thời được chuyển giao cho Ủy ban Dân tộc và các bộ/ngành liên quan trong việc tham mưu xây dựng và ban hành chính sách phục vụ phát triển dân tộc. Tiêu biểu như: cung cấp luận cứ khoa học trong việc xây dựng dự thảo văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII (phần nội dung về công tác dân tộc); đánh giá tổng kết Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 12/3/2002 của Hội nghị lần thứ 7 Ban chấp hànhTrung ương Đảng khóa IX về Công tác dân tộc và ban hành Kết luận số 65-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24 của Ban chấp hành Trung ương Ðảng khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới; đánh giá kết quả thực hiện Chiến lược Công tác dân tộc giai đoạn 2011-2020 và Đề xuất nội dung Chiến lược Công tác dân tộc giai đoạn 2021-2030…

Theo báo cáo trình bày tại Hội nghị, tính đến nay đã có tổng số 51 nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia thuộc Chương trình được triển khai thực hiện, với tổng kinh phí là 176,1 tỷ đồng. Giai đoạn 2016-2020, Chương trình đã xây dựng được nhiều mô hình ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KH&CN có hiệu quả, quy mô phù hợp với điều kiện sinh thái cho 34 tỉnh/thành phố vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Trong số đó, thực hiện được 30 mô hình sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị; 14 mô hình ứng dụng công nghệ thông tin; 27 mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, hỗ trợ tạo việc làm cho trên 2.000 lao động thường xuyên và 5.000 lao động thời vụ; đã chuyển giao được 1.106 lượt công nghệ mới, tiên tiến, phù hợp với từng vùng miền, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi; hỗ trợ đào tạo trên 1.000 cán bộ quản lý KH&CN, 2.484 cán bộ kỹ thuật, kỹ thuật viên cơ sở; tập huấn cho 45.328 lượt nông dân các địa phương vùng dân tộc thiểu số và miền núi...

Đã có tổng số 205 bài báo khoa học được công bố trên tạp chí khoa học có uy tín của quốc gia; 72 bài báo khoa học được công bố trên tạp chí khoa học quốc tế, trong đó có 23 bài báo khoa học nằm trong danh mục ISI, SCOPUS; xuất bản hơn 50 đầu sách; hỗ trợ đào tạo cho trên 80 nghiên cứu sinh và 150 thạc sỹ.

KH&CN tiếp tục là giải pháp quan trọng

Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng của Ủy ban dân tộc, Bộ KH&CN và các cơ quan liên quan trong công tác quản lý, cũng như sự tâm huyết và đầy trách nhiệm của các tổ chức, nhà khoa học tham gia chủ trì, thực hiện các nhiệm vụ KH&CN của Chương trình. Kết quả này sẽ là cơ sở, là tiền đề để hướng đến sự thành công hơn nữa của Chương trình giai đoạn 2021-2025.

Phó Thủ tướng khẳng định: “Việc thực hiện chính sách dân tộc của Đảng ta là vấn đề chiến lược, sống còn, chìa khóa đi đến thành công. Chính sách dân tộc để nâng cao dân trí, giữ gìn văn hóa truyền thống tốt đẹp, cùng tiến bộ, hướng đến mục tiêu xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc để đất nước ta ngày càng giàu mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh". Để góp phần thực hiện chính sách quan trọng này, trong thời gian tới cần phải tiếp tục nghiên cứu những vấn đề lý luận, thực tiễn chưa được nghiên cứu, giải quyết triệt để trong giai đoạn 2016-2020 và các giai đoạn trước đó. Trong đó chú trọng vào một số nội dung có tính căn cơ, khung lý thuyết như cơ sở lý luận, thực tiễn về nguồn gốc hình thành, phát triển và tiêu chí xác định thành phần, tên gọi các dân tộc Việt Nam; tầm quan trọng, vai trò và công tác hoạch định chính sách dân tộc trong tình hình mới. Cần chú trọng nghiên cứu có trọng tâm, trọng điểm vào các mô hình kinh tế, phát minh, sáng chế có tính thực tiễn, kinh phí phù hợp với yêu cầu và tập quán sinh hoạt, sản xuất của người dân tộc thiểu số và vùng, miền, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững theo quy mô cấp cộng đồng trên nguyên tắc: "lấy bản sắc văn hóa, tri thức cộng đồng, truyền thống của các dân tộc thiểu số làm nền tảng; phát triển kinh tế - xã hội, môi trường và bảo đảm quốc phòng, an ninh làm mục tiêu; khoa học và công nghệ là giải pháp".

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng yêu cầu cần có các giải pháp hỗ trợ, truyền thông phù hợp để nâng cao nhận thức, tinh thần tự lực, tự cường và tiềm năng của đồng bào dân tộc thiểu số trong nghiên cứu khoa học, phát minh, khởi nghiệp sáng tạo, tự làm giàu cho bản thân, gia đình, thôn bản và xã hội. Nhất là trong thanh niên, tri thức trẻ gắn với đổi mới cơ cấu kinh tế, tổ chức sản xuất theo hướng hàng hóa, hỗ trợ sinh kế, xóa đói giảm nghèo, làm ăn bền vững, thúc đẩy khởi nghiệp các doanh nghiệp và doanh nhân làm hạt nhân trong đồng bào các dân tộc thiểu số, bảo đảm quốc phòng an ninh.

Uỷ ban Dân tộc và Bộ KH&CN ký kết Chương trình phối hợp giai đoạn 2021-2030

Nhân dịp này, Uỷ ban Dân tộc và Bộ KH&CN đã tổ chức ký kết Chương trình phối hợp giai đoạn 2021-2030 với mục tiêu chủ yếu là:  i) tham mưu có hiệu quả cho Trung ương Đảng, Quốc hội và Chính phủ các giải pháp, biện pháp về KH&CN để góp phần triển khai tổ chức thực hiện thành công chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; ii) nâng cao nhận thức, trình độ năng lực về KH&CN cho cán bộ làm công tác dân tộc, KH&CN trong việc xây dựng, thực hiện chính sách dân tộc; iii) tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho đồng bào các dân tộc thiểu số, người dân vùng dân tộc thiểu số và miền núi về vai trò của KH&CN, ứng dụng các tiến bộ KH&CN vào sản xuất và đời sống phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và giảm nghèo bền vững; iv) đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, thông tin, ứng dụng chuyển giao công nghệ, nhất là các KH&CN mới, phù hợp với đặc điểm đồng bào các dân tộc thiểu số và miền núi phục vụ xây dựng chiến lược, chương trình, đề án, dự án, chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý nhà nước về CTDT.

Minh Nguyệt, CTV

 






 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)