Giải pháp giám sát, đề xuất hành trình thông minh tích hợp công nghệ AI và BigData
Theo Báo cáo về thị trường công nghệ và thị trường giao thông thông minh toàn cầu đến năm 2029 của Market Info Group, thị trường giao thông thông minh sẽ có mức tăng trưởng trung bình hàng năm là 29,33%, với giá trị toàn ngành tăng từ 421,32 tỷ USD vào năm 2020 lên mức 3.296,71 tỷ USD vào năm 2029. Những con số này cho thấy tiềm năng phát triển của lĩnh vực giao thông thông minh. Trên thực tế, hệ thống giao thông thông minh đã được đưa vào thử nghiệm và sử dụng tại một sô quốc gia phát triển như Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc - nơi các phương tiện giao thông được cài đặt hệ thống định vị (GPS) và luôn được theo dõi bởi chủ doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước. Tại Việt Nam, GPS và các ứng dụng giao thông khác chủ yếu được triển khai trong việc định vị, tìm đường ngắn nhất, hướng dẫn lộ trình báo đường cấm, đường một chiều. Trong khi đó, các giải pháp định vị, quản lý (giám sát) xe chuyên nghiệp chưa được các doanh nghiệp giao thông vận tải chuyên chở hàng hóa/hành khách, dịch vụ taxi… thực hiện, do quen với phương thức vận hành mang tính chất thủ công, e ngại chi phí đầu tư cao, chưa tìm được các giải pháp tối ưu hóa phù hợp cho đặc thù từng doanh nghiệp.
Để hỗ trợ các doanh nghiệp giao thông vận tải, Phenikaa MaaS đã giới thiệu giải pháp Smart Mobility ứng dụng công nghệ AI và BigData. Đây là một gói các giải pháp được tích hợp tổng thể nhằm hỗ trợ việc xây dựng hệ thống giao thông thông minh tại các đô thị và đưa ra các giải pháp giúp doanh nghiệp, đơn vị quản lý, kinh doanh vận tải nâng cấp khả năng quản trị của mình đối với các phương tiện di chuyển theo hướng tự động hóa, tiết kiệm thời gian, nhân sự và nâng cao hiệu quả hoạt động cũng như đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số trong doanh nghiệp.
Smart Mobility được xây dựng trên nền tảng công nghệ lõi về bản đồ, các thuật toán định vị và điều hướng, các thiết bị IoT thông minh - công nghệ đã được Phenikaa MaaS làm chủ. Những công nghệ này cũng đã tạo nên thành công cho sản phẩm BusMap của Phenikaa MaaS và giúp sản phẩm này xuất sắc vượt qua nhiều tên tuổi lớn trên thế giới để trở thành quán quân hạng mục “Thành phố thông minh thuộc ITU Digital World Awards” do Liên minh Viễn thông quốc tế tổ chức năm 2020.
Dựa trên công nghệ lõi về bản đồ do chính người Phenikaa nghiên cứu và đưa vào ứng dụng, các doanh nghiệp giao thông vận tải, đơn vị quản lý phương tiện có thể kiểm soát nhân sự, tài sản theo thời gian thực (real-time) thông qua bGPS; điều hướng, gợi ý lộ trình ngắn nhất, thuận lợi nhất cho phương tiện (bSmartNavigation); hệ thống sử dụng AI và BigData để tính toán thời gian xe đến đích theo thời gian thực (bSmartETA). Gói giải pháp Smart Mobility cũng bao gồm ứng dụng được tích hợp cho điện thoại (mobile app) và website (website app), thuận lợi cho người dùng có thể tiếp cận các thông tin, kết nối với cơ quan quản lý, doanh nghiệp và theo dõi lộ trình di chuyển của phương tiện nhanh chóng, chính xác.
Việc làm chủ công nghệ lõi về bản đồ giúp Phenikaa MaaS chủ động tối ưu hóa các giải pháp công nghệ được thiết kế/điều chỉnh riêng theo yêu cầu và hoạt động đặc thù của mỗi khách hàng, cũng như giúp khách hàng tiết kiệm chi phí khi sử dụng vì không phải trả các khoản phí bản quyền theo lượng người dùng. Ví dụ như đối với sản phẩm BusMap, với hơn 2 triệu lượt tải, doanh nghiệp đã tiết kiệm được từ 1 tỷ đồng đến 1,5 tỷ đồng mỗi tháng nhờ sử dụng công nghệ bản đồ từ Phenikaa MaaS, thay vì phải mua bản quyền bản đồ từ bên thứ 3 (ví dụ như Google Map). Các thuật toán của Phenikaa MaaS có khả năng phân chia lộ trình hợp lý cho một lượng lớn các phương tiện và dựa vào thuật toán tìm đường để tối ưu hóa lộ trình cho người dùng. Đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics, đây có thể là một gói giải pháp có chi phí hợp lý, giúp tối ưu hóa khả năng quản lý, quản trị với số lượng nhân sự ít nhất và không mất thời gian, công sức, chi phí để xây dựng hệ thống quản lý đội xe cho doanh nghiệp.
Được nhiều tổ chức, doanh nghiệp lớn lựa chọn
Smart Mobility không chỉ giúp thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong cộng đồng doanh nghiệp mà còn hỗ trợ các cơ quan quản lý nhà nước phát triển các sản phẩm công nghệ thông tin chuyên biệt trong công tác xây dựng chính quyền thông minh, năng động, chủ động và thân thiện. Giải pháp Smart Mobility đã được nhiều tổ chức, doanh nghiệp lựa chọn và đăng ký dùng như TP Đà Nẵng, Công ty CP VinBus - thành viên của Tập đoàn Vingroup, cũng như đang nhận được sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp vận tải khác tại Việt Nam.
Gói giải pháp Smart Mobility được sử dụng để phát triển hệ thống webcore trong quản lý và hiển thị các dữ liệu về hệ thống xe buýt của VinBus.
Tại Đà Nẵng, Phenikaa MaaS đã giúp chính quyền thành phố phát triển hệ thống giám sát, quản lý các xe công bao gồm lực lượng xe cứu thương, lực lượng xe cứu hỏa, xe đổ rác cũng như các cơ sở vật chất liên quan như thùng rác công cộng, mạng lưới trụ nước cứu hỏa thành phố… Hệ thống này hỗ trợ các đơn vị chức năng của TP Đà Nẵng theo dõi thường xuyên thông tin về hệ thống các đơn vị xe của lực lượng y tế và cứu hỏa (theo biển số xe, tình trạng hoạt động, vị trí, tốc độ theo thời gian thực…), cập nhật đến người dân những thông tin tương tự để cùng theo dõi hoạt động của các lực lượng trên cũng như tiếp nhận các thông tin từ người dân về mạng lưới các tài sản công cộng (trụ nước cứu hỏa…) và vị trí các sự cố trên địa bàn thành phố, từ đó đưa ra được những quyết định chính xác và kịp thời.
Tại Đà Nẵng, Phenikaa MaaS đã hỗ trợ thành phố xây dựng hệ thống giám sát, quản lý hệ thống phương tiện và cơ sở vật chất công cộng.
Trong nỗ lực xây dựng hệ thống giao thông thông minh tại Việt Nam, Phenikaa MaaS đã ký kết thỏa thuận hợp tác với VinBus nhằm xây dựng hệ thống vận hành cho xe buýt điện nội thành. Đối với VinBus, Phenikaa MaaS hỗ trợ phát triển hệ thống webcore để quản lý và hiển thị các dữ liệu về hệ thống xe buýt. Thông qua hệ thống này, VinBus có thể quản lý các tuyến đường, trạm dừng, khai thác các thông tin về dữ liệu xe buýt, vị trí và vận tốc của xe theo thời gian thực. Ở chiều ngược lại, hành khách có thể dễ dàng tìm kiếm thông tin về các tuyến xe buýt, vị trí và thời gian xe di chuyển dự kiến đến các điểm dừng và bến đỗ, từ đó có thể chủ động hơn trong quá trình di chuyển thông qua các ứng dụng trên điện thoại và website.
Việt Nam đã và đang tăng tốc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số quốc gia với mục tiêu kép là vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực cạnh tranh toàn cầu. Trong đó, để thúc đẩy nền kinh tế phát triển thì cần phải có một nền tảng giao thông vận tải mạnh mẽ, chịu được những thách thức. Do đó, chúng ta cần khuyến khích các doanh nghiệp vận tải sớm áp dụng các sản phẩm, ứng dụng khoa học và công nghệ để tận dụng tối đa các nguồn lực của mình, đồng thời giảm thiểu chi phí, công sức quản lý, cũng như tối ưu hiệu quả hoạt động, nâng cao chất lượng của doanh nghiệp.
HS