Thứ hai, 28/06/2021 15:30

Telehealth: Y tế không khoảng cách

PGS.TS.BS Nguyễn Lân Hiếu
 

Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội

Ra mắt giữa tâm dịch Covid-19, Chương trình Teleheath (khám chữa bệnh từ xa) đã được triển khai đầu tiên tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội vào ngày 18/4/2020. Kết quả hơn 1 năm triển khai Teleheath cho thấy hướng đi do Bệnh viện Đại học Y Hà Nội khởi xướng đã được xã hội ghi nhận. Ý nghĩa lớn nhất mà Telehealth được mong đợi chính là giúp cho cả ngành y tế phát triển đồng bộ, góp phần tích cực trong công cuộc chuyển đổi số của ngành.

Bối cảnh ra đời

Sự chênh lệch về trình độ khám chữa bệnh giữa tuyến trên và tuyến dưới là bài toán khó của ngành y tế Việt Nam. Bệnh viện tuyến trên luôn rơi vào tình trạng quá tải, còn bác sỹ ở địa phương ít có cơ hội nâng cao trình độ chuyên môn vì thiếu bệnh nhân, đặc biệt là ít kinh nghiệm đối phó với các ca bệnh khó. Trong khi đó, nhiều trường hợp cần cấp cứu tối khẩn, thời gian với người bệnh là vàng thì việc di chuyển có thể khiến họ gặp nguy hiểm, thậm chí tử vong khi chưa được các bác sỹ tuyến trên điều trị. Giải pháp cho những khó khăn này là phải có công cụ để hỗ trợ các bác sỹ tuyến dưới nâng cao trình độ, mạnh dạn thuyết phục bệnh nhân ở lại tuyến dưới điều trị. Khi làm được điều đó, bệnh viện tuyến trên sẽ giảm được tình trạng quá tải và giúp các chuyên gia có thêm thời gian nghiên cứu, cập nhật kiến thức mới, phác đồ điệu trị tiên tiến nhất của thế giới.

Trên thực tế, giải pháp tư vấn, chẩn đoán khám chữa bệnh từ xa đã được ngành y tế triển khai từ 15 năm trước. Từ 5 năm trước, khi bắt đầu chiến lược “đưa công nghệ thông tin tới mọi ngõ ngách của cuộc sống”, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) đã nghiên cứu và phát triển Telehealth - giải pháp công nghệ về y tế cho phép hỗ trợ hội chẩn, tư vấn, khám chữa bệnh từ xa hiệu quả cao.

Bước ngoặt đến với hoạt động khám chữa bệnh từ xa nói chung và Telehealth nói riêng chính là sự bùng phát của đại dịch Covid-19 tại Việt Nam. Đó là một tình huống mà ngành y tế phải chọn một giải pháp hiệu quả nhất cho chẩn đoán, tư vấn khám chữa bệnh từ xa để có thể phục vụ bệnh nhân trong đại dịch. Kết quả là Bộ Y tế đã phối hợp cùng Viettel triển khai giải pháp Telehealth mà tập đoàn này đã nghiên cứu và phát triển từ nhiều năm trước. Telehealth được triển khai đầu tiên tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội vào ngày 18/4/2020.

Cánh tay thứ 3 của bác sỹ

Telehealth được phân biệt với Telemedicine (khám bệnh từ xa, hội chẩn từ xa) mà chúng ta đã làm từ lâu và trên thế giới cũng làm từ hàng chục năm nay. Telehealth được thiết kế hoàn toàn khác, đó là một buổi hội chẩn đa trung tâm, đa bệnh viện, tất cả các dữ liệu liên quan đến bệnh lý đều được công khai cho người dân biết. Telehealth giúp hiện thực hóa những ý tưởng trong việc khám chữa bệnh cũng như đào tạo tuyến dưới. Điều này được ví như các bác sỹ của bệnh viện đang sở hữu “cánh tay thứ ba”. Quá trình triển khai Telehealth hiện nay có 3 giai đoạn.

Giai đoạn 1: các y, bác sỹ tại bệnh viện, bao gồm cả Bệnh viện Đại học Y Hà Nội và bệnh viện các tuyến dưới sẽ cùng tham gia những buổi giảng bài, học tập, thảo luận công khai. Các bác sỹ cũng phải làm quen với việc không khám trực tiếp cho bệnh nhân mà sẽ sử dụng các công cụ công nghệ hỗ trợ. Mỗi một buổi như thế, các bác sỹ sẽ phân tích khoảng 8-10 ca bệnh và tất cả sẽ cùng nghe, cùng thảo luận. Thông qua mô hình Telehealth, các bác sỹ, kể cả bác sỹ tuyến Trung ương cũng sẽ được nâng cao trình độ của mình vì sẽ được học hỏi qua thầy, qua đồng nghiệp từ khắp mọi miền cả nước.

Đối với các bác sỹ, mỗi buổi Telehealth là một buổi học lâm sàng quý báu. Mỗi buổi khám chữa bệnh trực tuyến có hàng nghìn người xem và có hàng chục nghìn người xem lại. Telehealth là cơ hội học tập cho các y, bác sỹ, sinh viên y khoa. Chính vì những lợi ích rất rõ ràng, Telehealth dự định sẽ triển khai đào tạo y khoa liên tục (CME) và xin phép Bộ Y tế cấp chứng chỉ CME cho mỗi buổi Telehealth. Đây sẽ là cách học đơn giản, hiệu quả nhất cho các bác sỹ, đặc biệt là các bác sỹ trẻ. Hơn thế, với Telehealth, chúng ta đã và đang có kho tàng vô giá với hơn 500 ca bệnh lâm sàng và ngày càng tăng. Sau mỗi buổi Telehealth, các video sẽ được cắt theo các bệnh lý, tập hợp lại thành phương tiện giảng dạy cho các trường đào tạo y khoa. Đây là cơ hội rất lớn cho Việt Nam tạo ra hình thức học tập mới, gần với thực tế hơn và rẻ nhất trên thế giới. Telehealth sẽ không giúp cho các bác sỹ thành ông nọ bà kia nhưng chắc chắn sẽ giúp họ thành bác sỹ giỏi hơn. Chúng ta không cần thay đổi hệ thống giáo dục mà song hành, hỗ trợ để tạo nên hệ thống giáo dục mới với “hai chân” vững vàng cả lý thuyết và thực hành.

Trực tiếp trên Facebook buổi hội chẩn có sự kết nối giữa cơ sở y tế tuyến trên (Bệnh viện Đại học Y Hà Nội) và nhiều cơ sở y tế tuyến dưới.

Giai đoạn 2 quan trọng hơn và mới được triển khai. Đây là giai đoạn mà các bệnh viện miền núi, vùng sâu, vùng xa thành lập các phòng khám bệnh trực tuyến từ xa. Mỗi phòng khám sẽ có màn hình vô tuyến lớn, để hai bác sỹ cùng khám, một bác sỹ ở tuyến Trung ương (Hà Nội), một bác sỹ ở tuyến dưới. Cả 2 bác sỹ cùng khám cho một bệnh nhân, xem xét các kết quả xét nghiệm, kê đơn thuốc và cả hai người cùng phải chịu trách nhiệm cho bệnh nhân đó. Bệnh nhân ở giai đoạn này sẽ được hưởng nhiều lợi ích như: được đăng ký khám các chuyên gia ở tuyến Trung ương ngay tại địa phương của mình, không phải vất vả lên Hà Nội với hàng trăm cây số để gặp các chuyên gia đầu ngành. Điều quan trọng hơn là bệnh nhân khi tham gia hội chẩn sẽ hiểu ngành y và có niềm tin hơn với bệnh viện tuyến dưới, bệnh viện địa phương. Khi đó, họ biết rằng, các bác sỹ địa phương cũng đủ trình độ khám chữa bệnh và luôn có bệnh viện tuyến Trung ương ở đằng sau sẵn sàng hỗ trợ. Đặc biệt hơn, bệnh viện tuyến dưới sẽ tự nâng cao trình độ, uy tín của mình với chi phí thấp.

Giai đoạn 3 là khám bệnh tại nhà. Ở giai đoạn này, các điều dưỡng, kỹ thuật viên sẽ đến tận nhà, lấy máu xét nghiệm, dùng các dụng cụ truyền thông tin về bệnh viện hoặc đến các thiết bị cá nhân của bác sỹ. Sau đó, bác sỹ sẽ chỉ dẫn các xét nghiệm cần thiết. Bệnh nhân có thể được tiến hành các xét nghiệm từ xa như siêu âm, đo điện tâm đồ, nội soi tai mũi họng.

Kết quả bước đầu và những khó khăn phía trước

Từ buổi hội chẩn trực tuyến lần đầu tiên vào tháng 4/2020, tính đến ngày 31/1/2021 đã có: 120 bác sỹ tham gia, 128 bài báo cáo khoa học, 498 lượt hội chẩn, tư vấn và chỉ có 93 ca bệnh phải chuyển viện về các tuyến Trung ương do tuyến huyện còn thiếu thốn về nhân lực và trang thiết bị. Từ hai bệnh viện ban đầu là Bệnh viên Đa khoa Mường Khương (Lào Cai), Bệnh viện Đa khoa Quảng Xương (Thanh Hóa), sau 8 tháng triển khai đã có 188 cơ sở y tế tuyến tỉnh, huyện, xã và 4 bệnh viện của Lào, Campuchia, Hàn Quốc, Nhật Bản tham gia Đề án khám chữa bệnh từ xa của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội.

Bệnh viện K chính thức triển khai giải pháp Telehealth ngày 31/8/2020.

Trong năm 2021, điểm nhấn của Telehealth sẽ là phát triển giai đoạn 2. Trong thời gian qua, đã có 6 đơn vị tham gia kết nối, 22 đơn vị bệnh viện đề xuất tham gia phòng khám từ xa. Trong đó, tổng số lượt khám là 278 bệnh nhân với 19 chuyên khoa khám, tư vấn thông qua hai hệ thống khám chữa bệnh từ xa là hệ thống Tele Rad và hệ thống Tele ICU.

Hiện nay, Bộ Y tế rất ủng hộ phương thức khám bệnh qua Telehealth và đã ban hành một số thông tư hướng dẫn thực hiện. Tuy nhiên, hành lang pháp lý mang tính đồng bộ, cụ thể thì chưa có, để thực hiện có hiệu quả, cần phải sửa đổi Luật Khám bệnh, chữa bệnh. Nếu không thì việc ký đơn thuốc từ xa còn gặp nhiều khó khăn. Ví dụ, các bác sỹ ở Bệnh viện Đại học Y Hà Nội và các bác sỹ ở Bệnh viện 199 (Lào) đang cùng hội chẩn và điều trị cho một bệnh nhân. Như vậy, đơn thuốc đưa ra ai sẽ ký? Hiện tại, bác sỹ ở Bệnh viện 199 vẫn ký và phải chịu trách nhiệm. Điều đó khiến vai trò của bác sỹ ở bệnh viện hạt nhân giảm đi vì họ không phải chịu trách nhiệm cùng.

Hay một khó khăn khác là cơ sở vật chất và trang thiết bị máy móc còn chưa đáp ứng được nhu cầu. Trong bối cảnh dịch Covid-19, các bác sỹ đã bước đầu thực hiện việc khám bệnh tại nhà, nhưng để đạt được mục tiêu như mong muốn thì còn khó khăn vì nó còn liên quan đến phương tiện trang bị rất đắt tiền (một máy siêu âm xách tay nhỏ gọn lên đến 15.000-20.000 USD thì làm sao để trang bị cho mỗi điều dưỡng có một cái để đi khám và truyền hình ảnh về điện thoại cho bác sỹ).

Telehealth là một bước tiến quan trọng trong tiến trình chuyển đổi số của ngành y tế Việt Nam, mặc dù nó không thể thay thế tuyệt đối cho hệ thống y tế truyền thống (có những ca bệnh khó, bệnh nhân vẫn phải đến bệnh viện để có được chẩn đoán chính xác nhất). Ứng dụng Telehealth cũng góp phần giúp cho cả ngành y tế đồng bộ với nhau (không phân biệt tuyến trên, tuyến dưới; bác sỹ trẻ và bác sỹ có kinh nghiệm lâu năm…).

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)