Thứ tư, 23/06/2021 11:08

Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam sau 5 năm thực hiện Đề án 844

TS Phạm Dũng Nam

Bộ Khoa học và Công nghệ

Ngày 18/5/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 844/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (KNĐMST) quốc gia đến năm 2025” (Đề án 844). Sau 5 năm thực hiện, Đề án 844 đã triển khai thành công 7 hoạt động chính sau: (1) Hoàn thiện cơ chế, chính sách, hành lang pháp lý cho KNĐMST; (2) Nâng cao năng lực cho các chủ thể của hệ sinh thái KNĐMST; (3) Hỗ trợ các chương trình ươm tạo, thúc đẩy kinh doanh và cung cấp dịch vụ, phát triển cơ sở vật chất, kỹ thuật cho KNĐMST; (4) Hình thành mạng lưới và kết nối quốc tế cho KNĐMST; (5) Tổ chức Ngày hội KNĐMST quốc gia (Techfest Vietnam); (6) Xây dựng Cổng thông tin KNĐMST quốc gia; (7) Truyền thông thúc đẩy văn hóa KNĐMST. Có thể nói, Đề án 844 đã góp phần làm cho doanh nghiệp (DN) KNĐMST dần trở thành lực lượng tiên phong, đóng góp hiệu quả vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Hành lang pháp lý cho KNĐMST dần được hoàn thiện

Thực hiện Đề án 844 (từ năm 2016 đến 2020), Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã tích cực phối hợp các bộ, ban, ngành triển khai các hoạt động nghiên cứu đề xuất, ban hành chính sách nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý cho hoạt động KNĐMST, tiêu biểu như: 1) Bổ sung các nội dung hỗ trợ DN nhỏ và vừa KNĐMST (về cơ sở vật chất, đào tạo - huấn luyện, thu hút đầu tư…) và đầu tư cho DN nhỏ và vừa KNĐMST vào Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa năm 2017; 2) Luật Chuyển giao công nghệ sửa đổi năm 2017 cũng đã quy định nội dung về hỗ trợ ý tưởng KNĐMST; công nhận quyền tài sản đối với quyền sở hữu, quyền sử dụng và các quyền khác phát sinh từ kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ và cho phép sử dụng quyền này như tài sản đảm bảo cho giao dịch vay vốn đầu tư cho KNĐMST…; 3) Nghị định số 38/2018/NĐ-CP ngày 11/3/2018 của Chính phủ quy định chi tiết về đầu tư cho DN nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo đã đưa ra các quy định đầu tiên về thành lập Quỹ đầu tư KNĐMST tại Việt Nam và các quy tắc sơ khởi cho việc Nhà nước cùng đầu tư với các quỹ đầu tư KNĐMST tư nhân; 4) Nghị định số 39/2018/NĐ-CP ngày 11/3/2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa đã có quy định về hỗ trợ KNĐMST về tư vấn sở hữu trí tuệ; thực hiện các thủ tục về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đo lường, chất lượng; thử nghiệm, hoàn thiện sản phẩm mới, mô hình kinh doanh mới; sử dụng cơ sở vật chất - kỹ thuật, cơ sở ươm tạo, khu làm việc chung…; 5) Nghị định 13/2019/NĐ-CP ngày 01/02/2019 về DN KH&CN quy định rõ về chính sách ưu đãi, hỗ trợ, trong đó có hỗ trợ DN KNĐMST hình thành từ kết quả nghiên cứu khoa học; 6) Nghị định số 55/2019/NĐ-CP ngày 24/6/2019 về hỗ trợ pháp lý cho DN nhỏ và vừa quy định những hỗ trợ về pháp lý như hỗ trợ về mặt tài chính đối với hoạt động tư vấn pháp luật tại các cơ quan nhà nước, quy định cơ chế hỗ trợ đối với các hộ kinh doanh chuyển đổi mô hình sang DN nhỏ và vừa KNĐMST...

Để góp phần hoàn thiện hành lang pháp lý cho KNĐMST và trong khuôn khổ triển khai Đề án 844, đã có 3 nhiệm vụ KH&CN được thực hiện. Kết quả của các nhiệm vụ này đã đóng góp tích cực cho việc xây dựng chính sách, cụ thể là: 1) Nghiên cứu đề xuất ban hành mới, sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật về đăng ký thành lập, hoạt động của tổ chức, cá nhân đầu tư mạo hiểm; cơ chế, chính sách đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước và khuyến khích đầu tư KNĐMST của các thành phần kinh tế, tổ chức, cá nhân và cộng đồng xã hội để thúc đẩy môi trường KNĐMST; 2) Nghiên cứu, đề xuất ban hành mới, sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật cần thiết để xây dựng cơ chế thuế, tài chính đặc thù đối với tổ chức và cá nhân có hoạt động KNĐMST hoặc đầu tư cho KNĐMST để thúc đẩy môi trường KNĐMST; 3) Nghiên cứu đề xuất hoàn thiện cơ chế đặc thù hỗ trợ khởi nghiệp thí điểm tại địa phương có nhu cầu và tiềm lực phát triển hoạt động KNĐMST trong khuôn khổ Đề án 844.

Nâng cao năng lực cho các chủ thể hệ sinh thái KNĐMST

Trong khuôn khổ Đề án 844 và Đề án 1665 (Quyết định số 1665/QĐ-TTg ngày 30/10/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025”), Bộ KH&CN đã phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai đưa chương trình đào tạo về KNĐMST thành các môn học chính khóa hoặc ngoại khóa trong các trường đại học và cao đẳng. Hiện tại, hơn 40 cơ sở giáo dục - đào tạo đã hình thành mô hình câu lạc bộ, trung tâm hỗ trợ KNĐMST. Tỷ lệ các trường có môn học về KNĐMST chiếm khoảng 7-8%. Bên cạnh đó, Bộ KH&CN đã giao nhiệm vụ cho một số trường hoàn thiện giáo trình, tài liệu và đưa một số hoạt động hỗ trợ KNĐMST vào hệ thống các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Tính đến hết năm 2020, Đề án 844 đã hỗ trợ tổ chức 244 khóa đào tạo, tập huấn về KNĐMST cho hơn 23.000 người trong chủ thể hệ sinh thái khởi nghiệp. Trong đó, nhóm cá nhân, doanh nghiệp khởi nghiệp chiếm 36% tổng số khóa đào tạo; cán bộ quản lý địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội, cơ sở giáo dục, cơ sở ươm tạo chiếm 30% tổng số khóa đào tạo; còn lại là đội ngũ huấn luyện viên, cố vấn KNĐMST.

Hỗ trợ các chương trình ươm tạo, thúc đẩy kinh doanh và cung cấp dịch vụ, phát triển cơ sở vật chất, kỹ thuật cho KNĐMST

Số lượng các chương trình ươm tạo, thúc đẩy kinh doanh và hỗ trợ dịch vụ được Đề án 844 hỗ trợ tăng theo từng năm, từ 2 nhiệm vụ trong năm 2017 tăng lên 3 nhiệm vụ trong năm 2018, 10 nhiệm vụ năm 2019 và 12 nhiệm vụ trong năm 2020. Sự thay đổi này cũng phù hợp với sự phát triển của hệ sinh thái KNĐMST, khi tinh thần khởi nghiệp và nhu cầu nhận được sự hỗ trợ bài bản, chuyên nghiệp đang ngày một tăng lên. Nội dung hỗ trợ có sự chuyển dịch từ hỗ trợ thành lập và hoạt động của các cơ sở ươm tạo, thúc đẩy kinh doanh, sang hỗ trợ và phối hợp với các đơn vị thực hiện nhiệm vụ để mô hình hóa chương trình dựa trên kinh nghiệm thực tế triển khai, từ đó nhân rộng và hỗ trợ chuyển giao cho các đơn vị có nhu cầu, đặc biệt là ở các địa phương. Một số tổ chức thúc đẩy kinh doanh uy tín như Vietnam Silicon Valley Accelerator đã thành công trong việc nhân rộng mô hình ở Nghệ An hay Saigon Innovation Hub hoạt động tích cực trong việc hỗ trợ nhân rộng mô hình thúc đẩy kinh doanh kết hợp cung cấp dịch vụ KNĐMST cho các tỉnh Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long…

Thông qua các hoạt động hỗ trợ của Đề án 844, các chương trình ươm tạo, tổ chức thúc đẩy kinh doanh đã từng bước hoàn thiện và mở rộng mô hình hoạt động, trở thành địa chỉ đáng tin cậy để hỗ trợ doanh nghiệp KNĐMST. Các chương trình này đã có những bước phát triển vượt bậc, gọi vốn thành công và hướng đến mở rộng thị trường ra khu vực và thế giới. Một số kết quả nổi bật có thể kể đến như Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp (BSSC) của TP Hồ Chí Minh đã tổ chức thành công sự kiện Startup Day và đưa vào hoạt động Sàn giao dịch và đầu tư khởi nghiệp Exchange, quy tụ hơn 200 mô hình khởi nghiệp cùng số tiền đầu tư, giao dịch, hỗ trợ được quy đổi lên tới hơn 37 tỷ đồng. Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ khởi nghiệp (BSA) đã hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp gọi được vốn đầu tư khoảng 8 tỷ đồng. Trong Chương trình ươm tạo của Sông Hàn Incubator, doanh nghiệp Liberzy đã kêu gọi thành công 110.000 USD từ Shark Nguyễn Mạnh Dũng trên chương trình Thương vụ bạc tỉ mùa 3 (Shark Tank). Ngoài ra, Vietnam Silicon Valley Accelerator cũng đã đầu tư 1 triệu USD cho CoXplore và ươm tạo thành công doanh nghiệp KNĐMST trong lĩnh vực thực phẩm là Lozi, tiến tới hỗ trợ doanh nghiệp này gọi vốn thành công với thương vụ lên đến 8 con số, tương đương tối thiểu 10 triệu USD.

Liberzy.com - mạng xã hội du lịch đã kêu gọi thành công 110.000 USD từ Shark Nguyễn Mạnh Dũng trên chương trình Thương vụ bạc tỉ mùa 3 (Shark Tank).

Hình thành mạng lưới và kết nối quốc tế cho KNĐMST

Về mạng lưới hỗ trợ KNĐMST, để thúc đẩy tương tác giữa các thành phần của hệ sinh thái, Đề án 844 đã thực hiện khoảng 140 sự kiện và hoạt động được tổ chức trên khắp cả nước cũng như tại một số quốc gia trên thế giới nhằm hỗ trợ việc hình thành và hoạt động của các mạng lưới KNĐMST. Trong 2 năm (2018-2019), Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo quốc gia - cơ quan thường trực của Đề án 844 đã nỗ lực phối hợp với các đơn vị liên quan nhằm hỗ trợ việc ra đời và hoạt động của các mạng lưới lớn như: mạng lưới truyền thông, mạng lưới tổ chức cung cấp dịch vụ cho KNĐMST khu vực miền Trung - Tây nguyên, mạng lưới cố vấn thuộc tổ chức Sáng kiến cố vấn Việt Nam (VMI), mạng lưới nhà đầu tư thiên thần...

Từ năm 2017 đến nay, hoạt động kết nối quốc tế của Đề án 844 tập trung hợp tác theo chiều sâu với các đối tác quốc tế, kết nối cộng đồng KH&CN người Việt Nam ở nước ngoài và cộng đồng trong nước để trao đổi, học tập kinh nghiệm triển khai các hoạt động hỗ trợ KNĐMST. Cụ thể, thông qua khuôn khổ chuỗi sự kiện Techfest hàng năm, các cơ quan của Bộ KH&CN đã thiết lập các chương trình trao đổi và hợp tác hỗ trợ KNĐMST Việt Nam (giữa Cục Phát triển thị trường và DN KH&CN với các đối tác nước ngoài (như Cơ quan phát triển DN Singapore, Cộng đồng hành động vì khởi nghiệp và Tập đoàn Temasek từ Singapore, Trung tâm khởi nghiệp Thái Lan, Trung tâm phát triển KNĐMST toàn cầu Malaysia, World Startup Festival, Ai20x...).

Techfest Vietnam - nơi gặp gỡ của các thành phần hệ sinh thái KNĐMST

Techfest Vietnam là một trong những nội dung quan trọng của Đề án 844 được tổ chức thường niên. Trải qua 5 năm triển khai, chuỗi hoạt động Techfest Vietnam đã trở thành nền tảng kết nối, góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy liên kết giữa các chủ thể trong hệ sinh thái: tổng cộng gần 25.000 lượt người tham dự, hơn 2.000 doanh nghiệp KNĐMST, 1.000 nhà đầu tư tham gia các chuỗi sự kiện qua các năm. Các sự kiện của Techfest quốc gia luôn duy trì tỷ lệ chuyên gia và nhà đầu tư quốc tế là 40%, khẳng định vai trò là sự kiện quốc gia có quy mô quốc tế lớn nhất về KNĐMST. Đáng chú ý, các sự kiện Techfest đã thực hiện gần 500 cuộc kết nối đầu tư và tiếp nhận tổng giá trị quan tâm đầu tư lên đến gần 30 triệu USD cho KNĐMST của Việt Nam.

Đặc biệt, Techfest luôn được tổ chức với sự tham gia của Lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Nhà nước dành cho các hoạt động KNĐMST. Bên cạnh đó, các đoàn công tác của Ban điều hành Đề án 844 đã lần đầu tiên tham gia vào chuỗi chương trình Techfest quốc tế tổ chức tại các quốc gia: Hoa Kỳ (Boston và San Francisco) vào tháng 9/2019, Hàn Quốc (Busan và Seoul) và Singapore vào tháng 11/2019, bước đầu đã thiết lập được các đối tác thân cận tại các quốc gia này và thu hút sự quan tâm của cộng đồng nhà đầu tư quốc tế, doanh nhân trí thức người Việt ở nước ngoài.

Cổng thông tin KNĐMST quốc gia - địa chỉ hữu ích với người khởi nghiệp

Trong khuôn khổ của Đề án 844, Bộ KH&CN đã xây dựng Cổng thông tin KNĐMST quốc gia nhằm tăng cường tương tác giữa các thành phần trong hệ sinh thái thông qua cung cấp các nguồn thông tin về hành lang pháp lý, chính sách công nghệ, thông tin sáng chế, dịch vụ hỗ trợ, ý tưởng sáng tạo, cũng như thông tin về các tổ chức, chuyên gia hỗ trợ KNĐMST. Đến nay, Cổng thông tin đã có gần 2 triệu lượt truy cập với khoảng 1.500 thông tin dữ liệu về hệ sinh thái KNĐMST. Đến hết năm 2019, cả nước có 11 địa phương đã xây dựng và vận hành cổng thông tin KNĐMST của địa phương. Điển hình, cổng thông tin hỗ trợ KNĐMST của Hải Phòng trung bình một ngày có khoảng 1.500 lượt người truy cập tìm kiếm thông tin. Nhiều DN trẻ đánh giá, Cổng thông tin KNĐMST quốc gia và cổng thông tin hỗ trợ KNĐMST của các địa phương là những địa chỉ hữu ích cho những người bắt đầu khởi nghiệp.

Truyền thông thúc đẩy văn hóa KNĐMST

Truyền thông thúc đẩy văn hóa KNĐMST là một trong những nội dung quan trọng của Đề án 844. Tính đến năm 2020, Đề án 844 đã hỗ trợ triển khai 16 nhiệm vụ truyền thông với nhiều chương trình ở phạm vi quốc gia, như trên đài truyền hình (VTV1, VTV2, VTC, Truyền hình Nhân dân...), Đài tiếng nói Việt Nam, báo điện tử và báo giấy (Công Thương, Diễn đàn doanh nghiệp, VnExpress...), thông qua các nhiệm vụ, đã có khoảng 300 dự án, DN KNĐMST được thông tin trên các phương tiện truyền thông. Bên cạnh đó, nhiều nội dung tương tác cũng đã được triển khai trên các kênh mạng xã hội cho KNĐMST như Launch, Shark Tank Vietnam, tạo được những làn sóng thảo luận sôi nổi về các chủ đề của KNĐMST trong cộng đồng. Ngoài việc phổ biến kiến thức, đưa các tấm gương điển hình về KNĐMST, thời gian gần đây, nội dung truyền thông của Đề án 844 hướng đến các hoạt động đa dạng như: phổ biến các cơ chế, chính sách về KNĐMST, thu hút các nguồn lực trong nước, quốc tế hỗ trợ KNĐMST, kết nối doanh nghiệp lớn với doanh nghiệp KNĐMST và lan tỏa hình thành hệ sinh thái KNĐMST của Việt Nam ra khu vực và thế giới.

*

*          *

Có thể khẳng định, việc ban hành và thực thi nghiêm túc Đề án 844 trong thời gian qua đã đem lại những hiệu ứng tích cực đối với hệ sinh thái KNĐMST của Việt Nam. Kết quả thực hiện các nội dung của Đề án đã góp phần nâng cao nhận thức về vai trò của KNĐMST trong xã hội. “KNĐMST” không chỉ là từ khóa trên các diễn đàn, truyền thông mà đang trở thành một hệ sinh thái sinh động với sự tham gia tích cực của cộng đồng DN, nhà khoa học, nhà quản lý, học sinh, sinh viên…

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)