Lộ trình đổi mới sáng tạo ASEAN 2016-2025
Trên cơ sở Tuyên bố ASEAN về đổi mới sáng tạo đã được các nhà lãnh đạo thông qua tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 31 (ngày 13/11/2017, tại Philippines), trong khuôn khổ hoạt động của Ủy ban Hợp tác khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ASEAN (COSTI) năm 2019, các quốc gia thành viên đã nhất trí thông qua Lộ trình đổi mới sáng tạo ASEAN 2019-2025 (AIR) tập trung vào 5 lĩnh vực bao gồm: (i) Chiến lược, chính sách; (ii) Sự sẵn sàng của doanh nghiệp; (iii) Sự sẵn sàng của lực lượng lao động; (iv) Các giải pháp khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; và (v) Hệ thống bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ [1].
Lộ trình đổi mới sáng tạo ASEAN 2019-2025 đã đề ra các mục tiêu cụ thể, bao gồm: Một là, nhận dạng các cơ hội và lợi ích từ các công ty khởi nghiệp sáng tạo và các công nghệ đột phá, phục vụ chuyển đổi công nghiệp, từ đó xây dựng được các chính sách tổng thể thúc đẩy tinh thần kinh doanh, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; tạo điều kiện thuận lợi cho việc di chuyển nguồn vốn đầu tư và nhân lực, khai thác khả năng mở rộng thị trường trong khu vực ASEAN. Hai là, khuyến khích, thúc đẩy các công ty và doanh nghiệp đổi mới công nghệ, tạo thêm cơ hội việc làm bằng cách thực hiện hợp tác, đầu tư và giao dịch xuyên biên giới thông qua công nghệ kỹ thuật số. Ba là, tăng cường chính sách và môi trường pháp lý cho các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME), thúc đẩy các cơ chế điều phối và hợp tác nội bộ và liên chính phủ; thúc đẩy sự tham gia của các MSME trong quá trình tham vấn, hoạch định chính sách để cho phép các doanh nghiệp có tiếng nói hơn trong việc bảo vệ các lợi ích của mình; cung cấp hỗ trợ cho các MSME trong khu vực tham gia vào quá trình hội nhập; giúp các doanh nghiệp tối ưu hóa các quy trình sản xuất và kinh doanh. Bốn là, thúc đẩy môi trường chính sách nội khối ASEAN, tạo thuận lợi cho R&D, đổi mới sáng tạo và chuyển giao công nghệ; mở rộng các chính sách tài khóa và phi tài khóa hỗ trợ cho R&D trong các doanh nghiệp. Năm là, khuyến khích thành lập mạng lưới khu vực, gồm các sáng kiến hợp tác R&D và đổi mới công nghệ, tập trung vào các chủ đề liên quan đến ASEAN và tăng cường hợp tác khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo với các đối tác toàn cầu thông qua các tổ chức của mạng lưới đã được xây dựng. Sáu là, khuyến khích hình thành hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, trong đó các MSME, đặc biệt là các công ty khởi nghiệp áp dụng tư duy đổi mới sáng tạo, quản lý, quản trị doanh nghiệp trên nền tảng đổi mới sáng tạo; tạo điều kiện thuận lợi cho việc kết nối cung - cầu trong chuỗi giá trị đổi mới sáng tạo của tri thức được tích hợp trong các công cụ, sản phẩm và dịch vụ; thúc đẩy để các bên liên quan theo kịp với sự đổi mới và tạo điều kiện thuận lợi cho việc di chuyển nhân tài cho sự đổi mới mở. Bảy là, kích thích khả năng hiểu biết về đổi mới sáng tạo cũng như sự phát triển không ngừng của KH&CN, kỹ thuật và toán học, công nghệ thông tin và truyền thông..., nhằm trang bị cho lực lượng lao động các kỹ năng và năng lực để đổi mới thông qua chính sách giáo dục và đào tạo phù hợp với nhu cầu của các nền kinh tế đang phát triển. Tám là, khai thác khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo để tạo điều kiện cho việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc bằng cách thúc đẩy việc sử dụng hơn nữa khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo để giải quyết các thách thức toàn cầu và các mối quan tâm xã hội như an ninh lương thực, sức khỏe, năng lượng, nước, giao thông, môi trường và các vấn đề liên quan đến thiên tai, để cải thiện hạnh phúc của người dân ASEAN trong các cộng đồng thành thị và nông thôn. Chín là, thúc đẩy việc sử dụng hệ thống quyền sở hữu trí tuệ, tạo điều kiện thuận lợi cho việc hợp tác nghiên cứu, thương mại hóa công nghệ và văn hóa đổi mới sáng tạo. Kế hoạch thực hiện AIR cũng đã được chi tiết hóa với 56 đề xuất cùng sự phân công nhiệm vụ, thời gian, trách nhiệm thực hiện của các quốc gia thành viên ASEAN cũng như các cơ chế hợp tác chuyên ngành của ASEAN.
Lộ trình đổi mới sáng tạo ASEAN 2019-2025 góp phần hiện thực hóa tầm nhìn Chương trình hành động về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ASEAN 2016-2025 (APASTI) hướng đến một ASEAN đổi mới sáng tạo, cạnh tranh, năng động, bền vững và hội nhập kinh tế. APASTI bao gồm 6 mục tiêu, 4 nhiệm vụ chiến lược và 15 hành động cụ thể nhằm thúc đẩy hơn nữa hiệu quả hoạt động của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo ASEAN (COSTI) dựa trên tầm nhìn cộng đồng kinh tế ASEAN từ sau năm 2015 và Sáng kiến Krabi1[2].
AIR trong bối cảnh đại dịch COVID-19
Theo báo cáo “Đánh giá nhanh về tác động của đại dịch COVID-19 đến sinh kế trên toàn khu vực ASEAN” do Ban Thư ký ASEAN phối hợp với Quỹ châu Á công bố cho thấy, đại dịch đã ảnh hưởng đáng kể đến sự phát triển kinh tế của tất cả các nước thành viên ASEAN. Tăng trưởng GDP thực tế của các nước ASEAN có thể giảm từ -3,4 xuống -8%, trong đó Philippines, Campuchia, Thái Lan và Malaysia dự kiến ghi nhận mức giảm mạnh nhất [3]. Đặc biệt trong nửa đầu năm 2021, với sự xuất hiện của biến thể Delta, số ca nhiễm và tử vong liên tục tăng cao, trong khi tỷ lệ tiêm phòng thấp và các biến thể lây lan nhanh đã cản trở các nỗ lực kiểm soát dịch. Đại dịch COVID-19 cũng bộc lộ những rủi ro của mạng lưới chuỗi cung ứng toàn cầu khi quá phụ thuộc vào các trung tâm sản xuất và các thị trường lớn.
Để ứng phó với đại dịch và đáp ứng nhu cầu phục hồi và phát triển hậu đại địch COVID-19, Hội nghị IAMMSTI-11 đã dành thời gian điểm lại các kết quả nổi bật của các Hội nghị ASEAN gần đây, bao gồm: Hội nghị cộng đồng kinh tế ASEAN lần thứ 19, Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 37, Hội nghị Bộ trưởng kinh tế ASEAN lần thứ 27 [trong đó có các nội dung về Khung phục hồi tổng thể ASEAN (ACRF), tăng cường chuỗi giá trị toàn cầu phục hồi khủng hoảng hậu COVID-19, tầm nhìn cộng động kinh tế ASEAN sau năm 2025; nỗ lực của ASEAN trong ứng phó với đại dịch COVID-19 và thúc đẩy phục hồi khu vực, đánh giá giữa kỳ Kế hoạch tổng thể cộng đồng ASEAN và chương trình tổng thể kết nối ASEAN 2025 - MPAC]. Đặc biệt, các nhà lãnh đạo đã tập trung thảo luận về nội dung và giải pháp nhằm tiếp tục tăng cường hơn nữa hợp tác về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo khu vực ASEAN, trong đó có việc thực hiện Lộ trình đổi mới sáng tạo ASEAN 2019-2025 sau đại dịch COVID-19; đồng thời nhất trí thông qua danh mục các hoạt động ưu tiên trong năm 2021, bao gồm: Thứ nhất, thực hiện các dự án nâng cao năng lực của ASEAN trong phòng chống đại dịch COVID-19 nhằm hỗ trợ việc hoạch định chiến lược, chính sách, biện pháp y tế cộng đồng nhằm ngăn chặn, ứng phó dịch bệnh truyền nhiễm và nâng cao hệ thống y tế trong khu vực ASEAN. Thứ hai, triển khai chương trình học trực tuyến EU-ASEAN về tính toán hiệu năng cao (HPC) với các nội dung về thiết kế hệ thống HPC, các ứng dụng trong tin - sinh học, khoa học khí hậu và tính toán ứng phó thảm họa khẩn cấp. Thứ ba, thiết lập Trung tâm quản lý công nghệ nhằm cung cấp nền tảng trực tuyến toàn diện, đẩy nhanh nghiên cứu, đổi mới sáng tạo, thúc đẩy chia sẻ tri thức và chuyển giao công nghệ trong ASEAN thông qua việc tăng cường hơn nữa mối liên kết giữa khu vực nghiên cứu và doanh nghiệp. Thứ tư, triển khai các dự án ASEAN nhằm thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, trong đó có dự án hợp tác EU-ASEAN với các hội thảo trực tuyến về công nghệ xanh nhằm nâng cao nhận thức và tạo nền tảng đối thoại, thúc đẩy hợp tác và chuyển giao công nghệ hướng tới sự phát triển bền vững và sáng kiến năng lượng tự cường với các dự án thí điểm trong lĩnh vực năng lượng tái tạo. Trên cơ sở Khung phục hồi tổng thể ASEAN (ACRF) được thông qua tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 37, các nhà lãnh đạo tại IAMMSTI-11 đã nhất trí sẽ cùng nhau đóng góp và quyết tâm thực thi hiệu quả Khung ACRF để giảm thiểu tác động của đại dịch COVID-19 đối với kinh tế và sinh kế của người dân khu vực ASEAN. Đặc biệt, các nhà lãnh đạo nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thiết lập nền tảng chia sẻ thông tin khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, nhất là các hoạt động R&D liên quan đến COVID-19, trao đổi về chiến lược và kế hoạch ứng phó đại dịch tại các nước thành viên ASEAN. Trong đó, IAMMSTI-11 đã nhất trí ghi nhận 5 chủ đề hợp tác ASEAN ứng phó với đại dịch COVID-19 theo kết quả đạt được tại Diễn đàn ASEAN về COVID-19 (vào ngày 16/10/2020 theo hình thức trực tuyến) trong khuôn khổ hợp tác của Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sang tạo ASEAN, tập trung vào các nội dung hợp tác nghiên cứu sau: (i) Hệ gen; (ii) Sáng kiến phát triển chẩn đoán ASEAN (DxD); (iii) Giám sát sinh học; (iv) Nền tảng chia sẻ thông tin; và (v) Nâng cao năng lực chuyên môn kỹ thuật nhằm tăng cường khả năng sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh của khu vực ASEAN. Đồng thời, các nhà lãnh đạo cũng hoan nghênh, đánh giá cao việc đề xuất thực hiện dự án Nghiên cứu ASEAN về hệ gen COVID-19 và nghiên cứu về giám sát huyết thanh học chống COVID-19 trong khu vực ASEAN [4]. Đây cũng sẽ là mục tiêu trọng tâm của Lộ trình đổi mới sáng tạo ASEAN 2019-2025 trong quá trình ứng phó với đại dịch COVID-19 và phục hồi hậu đại dịch.
Thay lời kết
Lộ trình đổi mới sáng tạo ASEAN 2019-2025 với mục tiêu tăng cường hoạt động nghiên cứu KH&CN, đổi mới sáng tạo tại khu vực ASEAN để biến khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo thực sự thành động lực phát triển của khu vực trong bối cạnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang bùng nổ mạng mẽ trên thế giới.
Cùng với tác động của đại dịch COVID-19 và ảnh hưởng từ sự cạnh tranh chiến lược của các quốc gia phát triển đã khiến cho cơ chế, chính sách của các quốc gia cũng như các khu vực cần phải có sự điều chỉnh, đặc biệt là với khu vực ASEAN. Lộ trình đổi mới sáng tạo ASEAN 2019-2025 vì vậy trở thành ưu tiên thực hiện của các quốc gia thành viên ASEAN sau đại dịch COVID-19.
Với những thành công bước đầu đạt được trong công tác kiểm soát, ứng phó với đại dịch COVID-19, Việt Nam đã thể hiện vị thế, vai trò ngày càng lớn hơn trong khu vực ASEAN. Trong bối cảnh biến thể mới của COVID-19 đang lây lan với tốc độ nhanh chóng, Việt Nam mong muốn ASEAN sẽ thúc đẩy các nỗ lực chung trong việc nghiên cứu, chế tạo để có các bộ kit xét nghiệm nhanh với giá thành rẻ hơn; tăng cường nghiên cứu chung về hệ gen COVID-19, giám sát huyết thanh học chống COVID-19 trong khu vực ASEAN. Đặc biệt, Việt Nam hy vọng các nước thành viên sẽ xem xét triển khai các dự án nghiên cứu có quy mô lớn hơn, với sự tham gia tích cực, hiệu quả, cùng đóng góp nguồn lực từ các nước ASEAN như dự án về nghiên cứu vắc-xin, hộ chiếu vắc-xin điện tử ASEAN... góp phần tăng cường liên kết các quốc gia trong khu vực để biến khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo thực sự trở thành động lực phát triển trong giai đoạn tới.
1Sáng kiến Krabi bao gồm các nội dung chính sau: (i) Đổi mới sáng tạo ASEAN vì thị trường toàn cầu; (ii) Kinh tế số, truyền thông mới và mạng lưới xã hội; (iii) Công nghệ xanh; (iv) An ninh lương thực; (v) An ninh năng lượng; (vi) Quản lý nước; (vii) Đa dạng sinh học vì sức khỏe và thịnh vượng; (viii) Khoa học và đổi mới sáng tạo vì cuộc sống, với các phương thức triển khai bao gồm: tích hợp nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới xáng tạo (STI Enculturation); tập trung vào phần đáy của mô hình kim tự tháp; đổi mới sáng tạo tập trung vào thanh niên; cơ chế đối tác công - tư.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Hội nghị Bộ trưởng Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo ASEAN lần thứ 18 (2019), Thông cáo báo chí chung về Hội nghị Bộ trưởng Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo ASEAN lần thứ 18 (AMMSTI-18), Singapore.
[2] Ban Thư ký ASEAN (2017), Chương trình hành động về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ASEAN (APASTI) 2016-2025 - Kế hoạch triển khai, Jakarta, Indonesia.
[3] Ban Thư ký ASEAN (2020), Báo cáo “Đánh giá nhanh về tác động của đại dịch COVID-19 đến sinh kế trên toàn khu vực ASEAN”, Jakarta, Indonesia.
[4] Hội nghị Bộ trưởng Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo ASEAN không chính thức lần thứ 11 (2021), Thông cáo báo chí chung về Hội nghị Bộ trưởng Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo ASEAN không chính thức lần thứ 11 (IAMMSTI-11), trực tuyến.