Ruộng cỏ voi do người dân tộc thiểu số trồng, với sự hỗ trợ của đề tài TN17/T05
Qua hơn 3 năm thực hiện, đề tài đã hoàn thành các mục tiêu đề ra, cụ thể là: đánh giá được hiện trạng chăn nuôi đại gia súc (trâu, bò, voi), trên cơ sở đó đề xuất các mô hình cải thiện chất lượng đồng cỏ, quản lý thảm thực vật, chế biến - dự trữ thức ăn xanh thô, chế biến thức ăn hỗn hợp, phục vụ nhu cầu thức ăn cho đại gia súc theo mùa. Hiện nay, đàn gia súc của Tây Nguyên có 53 con voi nhà, 911 nghìn con trâu, bò. Nhu cầu thức ăn của đàn đại gia súc khoảng 1,75 triệu tấn, trong đó mùa mưa cần gần 0,97 triệu tấn, mùa khô cần hơn 0,78 triệu tấn. Hầu hết các địa phương Tây Nguyên còn chưa áp dụng chăn thả luân phiên và các biện pháp cải tạo đồng cỏ tự nhiên, cũng như chưa áp dụng các biện pháp chế biến thức ăn cho đại gia súc. Vì vậy, hiệu quả chăn nuôi và cải thiện sinh kế của người nông dân vẫn chưa cao, mặc dù đã đầu tư nhiều vào đàn gia súc. Với nguồn cỏ tự nhiên, cỏ trồng và phụ phẩm nông nghiệp dồi dào, Tây Nguyên có tiềm năng cung cấp thức ăn chăn nuôi cho đại gia súc lên đến hơn 8,45 triệu tấn/năm. Tuy nhiên, vẫn có sự mất cân bằng nghiêm trọng giữa tổng đàn gia súc và khả năng đáp ứng tối thiểu của nguồn thức ăn tại chỗ, xảy ra ở một số địa phương như: Pleiku, An Khê, Chư Păh, Ia Grai, Buôn Hồ...
Trên cơ sở điều tra về các nguồn thức ăn của các địa phương Tây Nguyên, đề tài TN17/T05 đã xây dựng được 4 mô hình tại 4 xã, 3 huyện của tỉnh Đăk Lăk là Ea Kar, Ea Súp và Buôn Đôn. Đó là: Mô hình thí điểm cải thiện chất lượng đồng cỏ phục vụ chăn nuôi đại gia súc ở Tây Nguyên bằng các giải pháp kỹ thuật và giống; Mô hình trình diễn cải tạo và quản lý thảm thực vật phục vụ chăn nuôi đại gia súc theo luân phiên quy mô trang trại; Mô hình thí điểm chế biến, dự trữ thức ăn xanh thô nhằm cung cấp ổn định thức ăn cho đại gia súc theo mùa trên quy mô trang trại; Mô hình thí điểm chế biến thức ăn hỗn hợp từ cỏ và các phụ phẩm nông nghiệp nhằm cung cấp ổn định thức ăn cho đại gia súc theo mùa trên quy mô hộ gia đình.
Hội đồng KH&CN cấp quốc gia do PGS.TS Chu Hoàng Hà làm Chủ tịch đã nhất trí nghiệm thu và đánh giá cao những kết quả nghiên cứu của đề tài trong việc nâng cao hiệu quả kinh tế - xã hội khu vực Tây Nguyên. Hội đồng cũng cho rằng, cần xây dựng kênh thông tin của những người dân đã được tiếp nhận, thụ hưởng mô hình của đề tài, để có thể lan tỏa những kết quả nghiên cứu, chuyển giao các mô hình cải thiện sinh kế tới đông đảo người dân Tây Nguyên.
SH