Thứ hai, 31/05/2021 16:53

Nghiên cứu góp phần bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển du lịch sinh thái khu vực Tây Nguyên

Qua gần 3 năm thực hiện, đề tài “Nghiên cứu, xây dựng cơ sở khoa học cho mô hình quản lý tổng hợp hệ sinh thái núi nam Trường Sơn nhằm bảo tồn và khai thác bền vững”, mã số TN18/T07 thuộc Chương trình Tây Nguyên 2016-2020 đã được Hội đồng KH&CN cấp quốc gia nghiệm thu, đánh giá xuất sắc.

Đề tài do PGS.TS Nguyễn Văn Sinh làm chủ nhiệm, đã dựa trên cách tiếp cận sinh thái gắn với tiếp cận địa lý trong nghiên cứu, xây dựng cơ sở dữ liệu về cấu trúc, chức năng một số hệ sinh thái núi đại diện Tây Nguyên như: Ngọc Linh, Chư Mom Ray, Kon Ka Kinh, Chư Yang Sin, Bidoup - Núi Bà. Đồng thời xây dựng được quy trình kỹ thuật về nghiên cứu cấu trúc hệ sinh thái núi bằng công nghệ viễn thám, GIS; hệ thống WEBGIS phục vụ tra cứu, truy vấn xây dựng báo cáo cấu trúc hệ sinh thái núi; cuốn Atlat cung cấp thông tin về cấu trúc các hệ sinh thái núi đại diện Tây Nguyên. Đặc biệt, đề tài đã xây dựng và đề xuất mô hình du lịch sinh thái ở 5 hệ sinh thái núi Tây Nguyên; trồng thử nghiệm một số loại cây thuốc bản địa tại Vườn quốc gia Chư Yang Sin; phát hiện được 6 loài mới và bổ sung 11 loài cho khu hệ động vật Việt Nam.

Các kết quả nghiên cứu của đề tài TN18/T07 có thể chuyển giao cho các cơ quan, tổ chức liên quan trong việc xây dựng cơ sở dữ liệu đa dạng sinh học quốc gia; điều tra, giám sát, lập quy hoạch, xây dựng kế hoạch bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển du lịch sinh thái của khu vực Tây Nguyên.

SH


 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)