Thứ năm, 18/02/2021 11:12

Bệnh thiếu máu - Nguyên nhân và cách phòng tránh

TS.BS Võ Trọng Thành

Trưởng Khoa Huyết học, Bệnh viện Phổi Trung ương

Thiếu máu không chỉ là một bệnh lý liên quan tới nhiều căn bệnh mà còn gây nên do sự thiếu hiểu biết, chưa quan tâm tới sức khỏe hàng ngày từ thói quen của mỗi người. Theo tác giả, có thể phòng tránh căn bệnh này, đặc biệt là sự nguy hiểm do thiếu máu mang lại nếu có những hiểu biết cơ bản và một số biện pháp cần thiết.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), thiếu máu là tình trạng giảm lượng hemoglobin trong máu của người bệnh so với người cùng giới, cùng lứa tuổi và cùng điều kiện sống, gây ra các biểu hiện thiếu oxy ở các mô và tổ chức của cơ thể. Thiếu máu khi nồng độ hemoglobin thấp hơn với tỷ lệ 13 g/dl (130 g/l) đối với nam giới; 12 g/dl (120 g/l) đối với nữ giới và 11 g/dl (110 g/l) đối với phụ nữ có thai và người lớn tuổi.

Triệu chứng và nguyên nhân

Khi thiếu máu, cơ thể sẽ không nhận đủ lượng máu giàu oxy khiến người bệnh cảm thấy mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt, giảm tập trung, chán ăn. Ngoài ra còn là các triệu chứng như: khó thở, chóng mặt, nhức đầu, da nhợt nhạt, nhịp tim nhanh hoặc không đều, hụt hơi, tức ngực; móng tay khô dễ gãy, tóc khô dễ rụng. Khi thiếu máu, tim cũng sẽ phải đập nhanh hơn (có thể xuất hiện tiếng thổi tâm thu), và trong trường hợp diễn tiến lâu mà không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể dẫn đến suy tim, nguy hiểm tới tính mạng.

Các dạng thiếu máu thông thường gồm: thiếu máu do thiếu B12; thiếu máu do thiếu folate; thiếu máu do thiếu sắt; do mất máu, bệnh mạn tính, di truyền, truyền nhiễm… Đây cũng là các nguyên nhân chính gây ra bệnh thiếu máu.

Thiếu máu do thiếu B12, sắt, folate và các vitamin: việc khuyết thiếu một số yếu tố nội tại bên trong cơ thể có thể dẫn tố thiếu vitamin B12, sắt dẫn đến thiếu máu. Ví dụ như: phản ứng tự miễn xảy ra khiến cho hệ thống miễn dịch của cơ thể tạo ra kháng thể tấn công và gây tổn hại lên các tế bào thành lót dạ dày (nơi sản sinh ra yếu tố nội tại). Khi dạ dày ngừng tạo yếu tố nội tại khiến vitamin B12 không thể hấp thụ ở ruột non, dẫn tới thiếu loại vitamin này. Bên cạnh đó, nếu chế độ ăn thiếu vitamin B12 trong thời gian dài cũng sẽ gây ra thiếu máu vì loại vitamin này là cần thiết cho quá trình tổng hợp DNA phục vụ sự phân chia tế bào, tạo ra hồng cầu cho nên sự thiếu hụt loại vitamin này dẫn tới thiếu máu. Nhu cầu B12 là từ 1-3 mg/ngày/người và cơ thể khỏe mạnh đều dễ dàng hấp thu vitamin B12 có trong thức ăn.

Axit folic là một trong những vitamin B giúp kiểm soát lượng homocysteine trong máu (nồng độ homocysteine cao có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim và đột quỵ). Axit folic và folate là các dạng hòa tan trong nước của vitamin B9 cần thiết trong thành phần dinh dưỡng hàng ngày phục vụ các quá trình tạo mới tế bào. Và khi nồng độ folate trong máu thấp có thể gây ra thiếu máu và khi rơi vào tình trạng này, cơ thể tạo ra các tế bào hồng cầu có kích thước lớn hơn bình thường, số lượng ít hơn, có hình bầu dục (các tế bào hồng cầu này thường không sống lâu như các tế bào hồng cầu bình thường), dẫn tới thiếu hụt hồng cầu. Các triệu chứng thường gặp của thiếu máu do thiếu axit folic gồm: mệt mỏi, thiếu năng lượng; cảm giác ngứa ran ở tay hoặc chân; loét miệng; các vấn đề về thị giác, mất trí nhớ, cơ thể khó chịu, tiêu chảy và ăn không ngon miệng...

Trong khi đó, sắt cần để tạo nhân heme (sắc tố đỏ) trong máu, vì vậy, đây cũng là một thành phần quan trọng của máu. Tình trạng huyết sắc tố thấp do thiếu sắt có thể làm thấp nồng độ myoglobin, một protein trong các tế bào hồng cầu hỗ trợ cơ bắp như cơ lưỡi, gây nên tình trạng đau, sưng và niêm mạc nhợt nhạt, lưỡi nhợt và nhẵn. Bên cạnh đó, khi cơ thể thiếu sắt sẽ khiến da xanh xao, lông, tóc, móng khô, dễ gãy và người bệnh cảm thấy mệt mỏi, có thể xuất hiện hội chứng chân không yên, dễ cáu kỉnh, khó tập trung hoặc làm việc kém hiệu quả. Nhu cầu sắt hàng ngày là 1 mg (nam) và 2 mg (nữ), ở phụ nữ có thai, trong tuổi kinh nguyệt nhu cầu sắt thường cao hơn.

Thiếu máu do bệnh viêm, mạn tính, di truyền, truyền nhiễm: bệnh thiếu máu do các bệnh viêm và bệnh mạn tính là loại thiếu máu phổ biến thứ hai sau thiếu máu do thiếu sắt. Các loại bệnh viêm gây thiếu máu bao gồm: viêm khớp dạng thấp, viêm loét đại tràng, bệnh Crohns, viêm đường ruột, Lupus, tiểu đường, thoái hóa khớp. Bên cạnh đó, thiếu máu bẩm sinh ác tính; ban xuất huyết giảm tiểu cầu, thiếu máu Fanconi, thiếu máu hồng cầu hình liềm; thiếu máu địa trung hải (Thalassemia) cũng là các bệnh di truyền gây ra tình trạng thiếu máu. Cũng như các bệnh viêm nhiễm mạn tính, bệnh truyền nhiễm có thể khiến hệ thống miễn dịch giải phóng các cytokine, cản trở khả năng cơ thể sử dụng sắt tạo ra hồng cầu. Cytokine cũng có thể ngăn chặn việc sản xuất và chức năng của erythropoietin, một hoóc-môn được sản xuất do thận để “nhắc” tủy xương sản xuất hồng cầu. Các bệnh truyền nhiễm có thể dẫn đến thiếu máu gồm: AIDS/HIV, viêm gan, lao, viêm nội tâm mạc nhiễm trùng tim, viêm xương tủy (nhiễm trùng xương), suy thận… Tuy nhiên, tỷ lệ thiếu máu thay đổi tùy theo bệnh viêm nhiễm hoặc bệnh mạn tính mà bệnh nhân mắc phải. Theo ước tính, có 60% bệnh nhân viêm khớp dạng thấp bị thiếu máu; thiếu máu của bệnh mạn tính ảnh hưởng tới 28% bệnh nhân bệnh thận nhẹ; 87% bệnh nhân bệnh thận nặng và hầu như tất cả bệnh nhân bệnh thận giai đoạn cuối đều thiếu máu.

Thiếu máu do mất máu: mất máu có thể là cấp tính hoặc mạn tính, trong đó nguyên nhân gây mất máu cấp tính gồm: phẫu thuật, sinh con, gặp các chấn thương…, và mất máu mạn tính thường gây nên do loét dạ dày, ung thư hoặc khối u…. Một số vấn đề về đường tiêu hóa (loét, viêm dạ dày, trĩ, ung thư…), sử dụng thuốc chống viêm không steroid (như aspirin và ibuprofen), chảy máu kinh nguyệt nặng cũng có thể là nguyên nhân dẫn tới thiếu máu.

Các bước quan trọng trong chẩn đoán thiếu máu

Chẩn đoán thiếu máu gồm 3 bước sau: Bước 1: Chẩn đoán xác định thiếu máu và mức độ thiếu máu dựa trên chỉ số huyết sắc tố (hemoglobin). Bước 2: kiểm tra các chỉ số MCV, MCH và MCHC để xác định đặc điểm thiếu máu: là thiếu máu hồng cầu nhỏ/bình thường/to, thiếu máu bình sắc hay nhược sắc…; kiểm tra chỉ số hồng cầu lưới (chỉ số hồng cầu lưới giảm: có thể do tủy xương không sản xuất hồng cầu vì tổn thương tại tủy hoặc vì thiếu hụt các yếu tố cần thiết để tạo máu); chỉ số hồng cầu lưới tăng: cần tìm các nguyên nhân ngoài tủy như tan máu hoặc mất máu mạn tính, tan máu bẩm sinh… Bước 3: đánh giá cẩn thận tiêu bản máu ngoại vi để hỗ trợ cho chẩn đoán. Sau khi đã xác định được đặc điểm thiếu máu của người bệnh, tiếp tục tiến hành thêm các xét nghiệm, thăm dò chuyên sâu để tìm nguyên nhân gây thiếu máu, ví dụ như: nhóm xét nghiệm đánh giá tan máu (hóa sinh thường quy, test Coombs, định lượng các enzyme: G6PD, pyruvate kinase…; xác định các thành phần huyết sắc tố và sức bền hồng cầu; tìm nguyên nhân mất máu: soi dạ dày, soi đại - trực tràng…). Nhóm xét nghiệm đánh giá các yếu tố tạo hồng cầu: tình trạng dự trữ và vận chuyển sắt, acid folic, vitamin B12, erythropoietin…; xét nghiệm tủy đồ để đánh giá tính trạng giảm sinh tủy hay bệnh lý khác của tủy xương: thiếu máu nguyên hồng cầu khổng lồ, lơ xê mi cấp hay mạn, rối loạn sinh tủy…; đánh giá các biểu hiện hội chứng viêm trên xét nghiệm: đo tốc độ máu lắng, định lượng CRP, fibrinogen…; các biểu hiện bệnh lý tự miễn (kháng thể kháng nhân, kháng thể kháng chuỗi kép DNA…); tìm ký sinh trùng: sốt rét, giun móc…

Hướng điều trị

Thiếu máu nặng hoặc kéo dài có thể tổn thương tim, não và các cơ quan khác, cơ thể suy nhược, thậm chí tình trạng thiếu máu nghiêm trọng có thể gây tử vong. Do đó, để tránh thiếu máu, chúng ta cần quan tâm tới một số biện pháp như:

Một là, bổ sung các dạng thuốc chống thiếu máu đối với bệnh nhân khi gặp các vấn đề, triệu chứng nêu trên để thăm khám sức khỏe kịp thời. Điều cần lưu ý là sử dụng thuốc bổ sung đúng liều lượng theo lời khuyên của bác sỹ. Trong trường hợp điều trị bệnh, sau mỗi đợt điều trị cần làm các xét nghiệm kiểm tra lại công thức máu để có liều dùng và thời gian điều trị tiếp theo. Đối với phụ nữ có thai, bà mẹ cho con bú cần đảm bảo uống bổ sung sắt, axit folic đầy đủ theo đơn của bác sỹ (nếu cung cấp đủ axit folic cho mẹ trước và trong thời gian mang thai sẽ làm giảm 50% khuyết tật dị tật ống thần kinh ở trẻ).

Hai là, đảm bảo chế độ ăn uống giàu vitamin. Nhiều thể bệnh gây thiếu máu không thể phòng ngừa được, tuy nhiên, thiếu máu hoàn toàn có thể phòng tránh trong các trường hợp thiếu máu do thiếu sắt, các vitamin, đặc biệt là vitamin 12, vi chất như axit folate bằng cách chọn một chế độ ăn uống giàu vitaminm khoáng chất gồm nhiều loại vitamin và các chất dinh dưỡng, trong đó: i) Các loại thực phẩm giàu vitamin B12 như thịt, các sản phẩm từ sữa, ngũ cốc, và đậu nành…; ii) Các loại thực phẩm giàu chất sắt có trong thịt bò và các loại thịt, đậu, đậu lăng, ngũ cốc, các loại rau lá xanh đậm, và trái cây khô; ii) Folate và dạng axit folic tổng hợp được tìm thấy trong trái cây và nước trái cây, nước ép cà chua, nước cam và gan bò, các loại quả (chuối, chanh, dưa vàng…), các loại rau lá xanh đậm, các loại đậu, bánh mì, ngũ cốc, mì ống; iii) Thực phẩm có chứa vitamin C, như trái cây họ cam quýt, dưa hấu và quả mọng sẽ giúp bạn tăng hấp thu sắt… Nhìn chung, thiếu máu do thiếu chất dinh dưỡng hoặc do bệnh lý đều có thể điều trị và phục hồi được.

Ba là, tầm soát bệnh di truyền về máu. Đối với bệnh thiếu máu do di truyền, thường quá trình điều trị phải kéo dài cho đến suốt đời, chưa kể việc truyền máu lâu dài dễ gây ứ sắt, nguy hiểm và tốn kém. Hầu hết người bệnh máu di truyền như Thalassemia mức độ nhẹ chỉ được phát hiện bệnh khi kèm theo bệnh lý khác như nhiễm trùng hoặc khi thực hiện phẫu thuật, có thai..., tuy nhiên có thể phát hiện dễ dàng khi kiểm tra qua xét nghiệm máu ở người bệnh và mang gen bệnh. Việc khám tiền hôn nhân phòng ngừa nguy cơ mắc bệnh là rất cần thiết.

Bốn là, chữa dứt điểm bệnh kèm theo bằng thuốc đặc trị (thuốc sốt rét để tiêu diệt ký sinh trùng sốt rét, dùng thuốc trị giun để tiêu diệt giun móc…), có như vậy mới chữa tận gốc nguyên nhân gây ra bệnh thiếu máu. Trong trường hợp cơ thể mắc bệnh nặng, mạn tính gây thiếu máu thì bên cạnh truyền máu, có thể sử dụng erythropoietin1 giúp tủy xương tạo được nhiều tế bào máu hơn; sử dụng corticosteroid, các thuốc ức chế hệ miễn dịch… Tuy nhiên đây là các biện pháp được chỉ định của các bác sỹ, khoa bệnh có chuyên môn.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Phạm Quang Vinh (2012), “Thiếu máu: phân loại và điều trị thiếu máu”, Bệnh học nội khoa, Nhà xuất bản Y học.

2. Đỗ Trung Phấn (2006), Bài giảng huyết học - truyền máu sau đại học, Nhà xuất bản Y học.

3. Nguyễn Quang Tùng (2013), “Các thông số tế bào máu ngoại vi”, Huyết học Truyền máu cơ bản (Tài liệu đào tạo cử nhân kỹ thuật y học), Nhà xuất bản Y học.

4. Turgeon M.L (2005), “Erythrocytes”, The Clinical Hematology: Theory and Procedures, 4th edition, pp.71-190.

5. R.Hoffman, et al, (2009), “Red blood cells”, The Hematology: Basic Principles and Practice, 5th edition.

6. J.P. Greer, et al (2004), “Disorders of Red Cells”, The Wintrobe’s Clinical.

7. https://bvnguyentriphuong.com.vn/cac-chuyen-khoa/khoa-kham-benh/nhungdieu-can-biet-ve-thieu-mau.html

8. https://www.vinmec.com/vi/benh/thieu-mau-do-thieu-vitamin-b12-4702/.

9. https://www.vinmec.com/vi/benh/thieu-mau-do-thieu-sat-2991/.

10. http://www.vnha.org.vn/detail.asp?id=344.

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)