Thứ sáu, 08/01/2021 12:56

Giảm thủ tục hành chính trong tiến hành công việc bức xạ  và dịch vụ hỗ trợ ứng dụng năng lượng nguyên tử

Đinh Ngọc Quang

Cục An toàn bức xạ và hạt nhân

Ngày 9/12/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 142/2020/NĐ-CP quy định về việc tiến hành công việc bức xạ và hoạt động dịch vụ hỗ trợ ứng dụng NLNT (NLNT). Đây là Nghị định điều chỉnh nhóm ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo hướng giảm thủ tục hành chính trong tiến hành công việc bức xạ và dịch vụ hỗ trợ ứng dụng NLNT. Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 01/02/2021.

Điều chỉnh nhóm ngành nghề kinh doanh có điều kiện

Tiến hành công việc bức xạ và kinh doanh dịch vụ hỗ trợ ứng dụng NLNT (NLNT) là hai nhóm ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, được quy định tại Phụ lục IV (Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện) của Luật Đầu tư. Theo quy định tại khoản 7 Điều 3 của Luật Đầu tư năm 2020, cấp Bộ không được ban hành quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh. Trong khi đó, ngoài quy định mang tính nguyên tắc tại Luật NLNT năm 2008, các điều kiện về an toàn bức xạ, an ninh nguồn phóng xạ đối với hai nhóm ngành nghề trên nằm rải rác trong một số thông tư do Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) ban hành trong giai đoạn 2010-2016.

Nhằm tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia tiến hành các loại hình công việc bức xạ theo Điều 18 và hoạt động hỗ trợ ứng dụng NLNT theo Điều 68 của Luật NLNT, cần phải quy định cụ thể các yêu cầu, điều kiện về bảo đảm an toàn, bảo đảm an ninh theo hướng “siết chặt” đối với các loại hình có mức nguy hiểm cao (loại hình này chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ trong tổng số các cơ sở bức xạ, nhưng nguy cơ gây mất an toàn, mất an ninh cao); “nới lỏng” đối với các loại hình có mức nguy hiểm thấp để tránh phát sinh gánh nặng chi phí tuân thủ của các cơ sở; khắc phục các bất cập của các quy định hiện hành; đơn giản hóa thủ tục hành chính đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động quản lý nhà nước, bảo đảm an toàn bức xạ, an ninh nguồn phóng xạ, vật liệu hạt nhân, thiết bị hạt nhân, phòng tránh tác hại của bức xạ ion hóa đối với con người và môi trường. Cuối năm 2017, Bộ KH&CN đã đề nghị Chính phủ xây dựng Nghị định của Chính phủ quy định điều kiện tiến hành công việc bức xạ và điều kiện hoạt động dịch vụ hỗ trợ ứng dụng NLNT. Nội dung này đã được đưa vào Chương trình công tác năm 2018 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Sau gần 3 năm khẩn trương và thận trọng xây dựng, tiếp thu ý kiến, hoàn thiện dự thảo, hồ sơ trình, Nghị định quy định về việc tiến hành công việc bức xạ và hoạt động dịch vụ hỗ trợ ứng dụng NLNT đã được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành và sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/02/2021. 

Nghị định quy định về điều kiện, hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp giấy phép tiến hành công việc bức xạ, giấy đăng ký hoạt động dịch vụ hỗ trợ ứng dụng NLNT và chứng chỉ hành nghề dịch vụ hỗ trợ ứng dụng NLNT. Ngoài ra, còn có các thủ tục phụ trợ như phê duyệt Kế hoạch ứng phó sự cố cấp cơ sở, cấp Chứng chỉ nhân viên bức xạ. Nghị định gồm có 63 điều chia thành 5 chương và 7 phụ lục. 

Các công việc bức xạ được điều chỉnh tại Nghị định gồm có: sử dụng nguồn phóng xạ; sản xuất, chế biến chất phóng xạ; lưu giữ tạm thời nguồn phóng xạ; xử lý, lưu giữ chất thải phóng xạ, nguồn phóng xạ đã qua sử dụng; sử dụng thiết bị bức xạ; vận hành thiết bị chiếu xạ; xây dựng cơ sở bức xạ; chấm dứt hoạt động cơ sở bức xạ; xuất khẩu chất phóng xạ, vật liệu hạt nhân nguồn, vật liệu hạt nhân, thiết bị hạt nhân; nhập khẩu chất phóng xạ, vật liệu hạt nhân nguồn, vật liệu hạt nhân, thiết bị hạt nhân; đóng gói, vận chuyển, vận chuyển quá cảnh nguồn phóng xạ, chất thải phóng xạ vật liệu hạt nhân nguồn, vật liệu hạt nhân. 

Các hoạt động dịch vụ hỗ trợ ứng dụng NLNT gồm có: tư vấn kỹ thuật và công nghệ trong lĩnh vực NLNT; đánh giá công nghệ bức xạ, công nghệ hạt nhân; giám định công nghệ bức xạ, công nghệ hạt nhân; kiểm xạ; tẩy xạ; đánh giá hoạt độ phóng xạ; lắp đặt, bảo dưỡng, sửa chữa thiết bị bức xạ; đo liều chiếu xạ cá nhân; kiểm định thiết bị bức xạ; hiệu chuẩn thiết bị ghi đo bức xạ; thử nghiệm thiết bị bức xạ; đào tạo an toàn bức xạ cho nhân viên bức xạ; đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ đối với cá nhân thực hiện các dịch vụ.

Nhiều điểm mới

So với các quy định hiện hành, Nghị định có nhiều điểm mới theo hướng thuận lợi, tạo điều kiện và cắt giảm thủ tục hành chính cho các cơ sở tiến hành công việc bức xạ và các cơ sở dịch vụ hỗ trợ ứng dụng NLNT. Xin nêu một số dẫn chứng: 

Một là, các cơ sở bức xạ không cần phải xin Giấy phép tiến hành công việc bức xạ: thiết bị bức xạ, nguồn phóng xạ được miễn trừ khai báo, cấp giấy phép theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 5:2010/BKHCN về an toàn bức xạ - miễn trừ khai báo, cấp giấy phép; sử dụng hàng hóa tiêu dùng đã chiếu xạ hoặc chứa chất phóng xạ.

Hai là, các cơ sở bức xạ không cần phải xin giấy phép xây dựng: cơ sở vận hành thiết bị chiếu xạ có cơ cấu tự che chắn theo thiết kế của nhà sản xuất; cơ sở vận hành máy gia tốc sử dụng di động để soi chiếu kiểm tra hàng hóa.

Ba là, không quy định phải có người phụ trách an toàn đối với các cơ sở: lưu giữ nguồn phóng xạ nhóm 5 theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 6:2010/BKHCN về an toàn bức xạ - phân nhóm và phân loại nguồn phóng xạ (QCVN 6:2010/BKHCN); chỉ sử dụng: thiết bị X-quang chụp răng sử dụng phim đặt sau huyệt ổ răng, thiết bị phát tia X trong phân tích huỳnh quang tia X và thiết bị soi bo mạch.

Bốn là, bổ sung quy định về nhân viên được đào tạo về vật lý y khoa nhằm bảo đảm chất lượng chẩn đoán và điều trị bệnh đối với các cơ sở xạ trị, cơ sở y học hạt nhân, cơ sở sử dụng thiết bị chụp cắt lớp vi tính, thiết bị X-quang tăng sáng truyền hình.

Năm là, các cơ sở sử dụng, xử lý, lưu giữ nguồn phóng xạ Nhóm 3, Nhóm 4, Nhóm 5 theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 6:2010/BKHCN không cần phải phê duyệt Kế hoạch ứng phó sự cố cấp cơ sở.

Sáu là, bỏ quy định về diện tích phòng đặt thiết bị X-quang.

Bảy là, các cơ sở có nhiều giấy phép có thể xin gộp thành một giấy phép duy nhất để thuận tiện cho công tác quản lý.

Tám là, được sửa đổi giấy phép trong một số trường hợp mà quy định cũ không cho phép sửa.

Chín là, rút ngắn thời gian thẩm định và cấp tất cả các loại giấy phép 5-30 ngày so với quy định hiện hành.

Mười là, thời gian nộp hồ sơ gia hạn muộn hơn so với quy định cũ (trước 60 ngày): 15 ngày đối với giấy phép nhập khẩu, xuất khẩu; 45 ngày với đối với các giấy phép khác. Thời gian xử lý hồ sơ gia hạn nhanh hơn quy định cũ (60 ngày): 15 ngày đối với giấy phép nhập khẩu, xuất khẩu; 25 ngày đối với giấy phép sử dụng thiết bị X-quang chẩn đoán y tế; 30 ngày đối với giấy phép khác.

Mười một là, bổ sung quy định về diện tích phòng chuẩn để bảo đảm chất lượng…

Để Nghị định thực sự đi vào cuộc sống ngay từ thời điểm có hiệu lực thi hành, Bộ KH&CN đang khẩn trương thực hiện một số công việc có liên quan. Trước hết là ban hành văn bản hướng dẫn thi hành Nghị định (đặc biệt ủy quyền cấp giấy phép, giấy đăng ký, chứng chỉ hành nghề). Tiếp đó là rà soát, công bố các thủ tục hành chính theo Nghị định; song song với việc phối hợp với Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung Thông tư về phí, lệ phí và rà soát, sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ các quy định không phù hợp tại các Thông tư liên quan. 


 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)