Thứ ba, 05/01/2021 15:05

Hướng tới tầm nhìn Việt Nam 2045: Ba động lực và năm lĩnh vực ưu tiên chiến lược

PGS.TS Vũ Minh Khương

Đại học Quốc gia Singapore

2020 không chỉ là một năm Việt Nam thể hiện sáng rõ trên cục diện toàn cầu bản lĩnh và sức sống mãnh liệt của mình trong cuộc đại khủng hoảng Covid-19 mà còn là một năm mà Tầm nhìn Việt Nam 2045 bắt đầu đi vào cuộc sống với sức mạnh thôi thúc. Giờ đây, trên khắp cả nước, khát vọng đưa dân tộc đi đến phồn vinh, hùng cường vào năm 2045 khi đất nước kỷ niệm 100 năm độc lập không còn là ước mơ ấp ủ mà đang từng bước biến thành kế hoạch hành động của các địa phương, tổ chức và doanh nghiệp. Theo tác giả, để hướng đến Tầm nhìn Việt Nam 2045, có 2 nội dung then chốt mà Việt Nam (ở tầm quốc gia cũng như ở tầm địa phương) nên xem xét thấu đáo, đó là ba động lực chủ đạo và năm lĩnh vực ưu tiên chiến lược.

Ba động lực chủ đạo

Trong công cuộc phát triển của mỗi quốc gia, đặc biệt với Việt Nam, ba động lực chủ đạo có tính quyết định tới tầm vóc và nhịp độ phát triển. Đó là, cải cách để huy động sức mạnh tổng hợp của dân tộc và thời đại; hội nhập quốc tế; nắm bắt cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và thúc đẩy đổi mới sáng tạo.

“Nắm bắt cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và thúc đẩy đổi mới sáng tạo” là một trong ba động lực chủ đạo hướng tới tầm nhìn Việt Nam 2045.

Về cải cách, công cuộc đổi mới của Việt Nam đã có bước tiến về chất kể từ sau Đại hộ Đảng toàn quốc lần thứ XII tổ chức vào tháng 1/2016. Vào giai đoạn 30 năm đầu của Đổi mới (1986-2015), còn gọi là Đổi mới 1, cải cách dựa chủ yếu vào nỗ lực “phá rào” nhằm loại bỏ cơ chế quan liêu bao cấp và tư duy lạc hậu để đất nước thoát khỏi đói nghèo và nguy cơ cô lập. Trong khi đó, Đổi mới 2 (dự kiến từ 2016 đến 2045), các nỗ lực cải cách có tính kiến tạo nhằm tạo nên sức mạnh tổng hợp của dân tộc và thời đại để đưa đất nước tiến nhanh đến phồn vinh, thịnh vượng. Vì vậy sức mạnh cốt lõi của cải cách trong Đổi mới 2, đặc biệt trong 25 năm phía trước không còn nằm ở những cố gắng biệt lập, một lần, mang tính “cởi trói” như trong Đổi mới 1, mà dựa trên những thử nghiệm có tính hệ thống với nỗ lực đặc biệt trong nắm bắt xu thế toàn cầu và khả năng huy động sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc.

Về hội nhập quốc tế, Việt Nam hiện đang tiến rất nhanh và mạnh trong xây dựng một nền kinh tế mở với tỷ lệ thương mại quốc tế trên GDP thuộc hàng cao nhất thế giới. Thêm nữa, Việt Nam cũng đã đi hàng đầu trong ký kết các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương, đặt nền tảng cho hội nhập toàn diện của Việt Nam vào nền kinh tế thế giới. Thế nhưng, sức mạnh từ động lực hội nhập của Việt Nam trong thời gian tới sẽ không chỉ nằm ở thúc đẩy đầu tư FDI, thương mại, dịch vụ - du lịch mà ngày càng phụ thuộc hơn vào ý chí, khả năng của toàn xã hội trong học hỏi, tiếp thu tinh hoa nhân loại và vươn tới các chuẩn mực quốc tế.

Về nắm bắt cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, trong đó chuyển đổi số là trọng tâm nền tảng, khai thác triệt để các xu thế liên quan như phát triển bền vững, trách nhiệm xã hội, và đô thị hóa tạo nên biến chuyển nền tảng và sâu rộng hơn. Nghĩa là, khi đầu tư vào chuyển đổi số của doanh nghiệp và địa phương, hàm mục tiêu không chỉ chú trọng vào hiệu quả và năng suất thu được mà cả ở đóng góp vào tăng trưởng xanh, lòng tin xã hội, và chất lượng sống của người lao động.

Năm lĩnh vực chiến lược

Khai thác ba động lực chủ đạo nêu trên có thể tạo nên những đột phá mạnh mẽ, có sức đổi thay sâu rộng tới toàn bộ cục diện phát triển nếu tập trung vào 5 lĩnh vực chiến lược sau: (i) Xây dựng bộ máy công quyền ưu tú; (ii) Hỗ trợ các doanh nghiệp vươn lên tầm quốc tế (iii) Phát triển và khai thác nguồn lực con người; (iv) Nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng; và (v) Thiết lập các nền tảng học hỏi, hợp tác.

Xây dựng bộ máy công quyền ưu tú

Có 3 hướng đi ưu tiên trong lĩnh vực chiến lược này:

Thứ nhất, đó là thiết kế lại bộ máy theo mô hình “tổng lực” để không chỉ tránh được sự chồng chéo, đùn đẩy mà còn tạo nên khả năng phối thuộc và cộng hưởng mạnh mẽ. Kinh nghiệm của Singapore trong thiết kế lại bộ máy chính phủ vào năm 1981-1982 cho thấy, mô hình tổng lực đem lại những tiến bộ vượt bậc về hiệu quả và hiệu lực của các bộ, ngành.

Thứ hai, đó là yếu tố động lực. Làm sao để mỗi người cán bộ công chức, viên chức không chỉ có năng lực ngày càng cao mà cần có sự thôi thúc phải làm hết mình với tính đồng đội cao như người cầu thủ trên sân bóng. Để đảm bảo yếu tố động lực này, kinh nghiệm quốc tế cho thấy, “cán bộ phải được đãi ngộ xứng đáng với nỗ lực làm việc của mình”, “cán bộ làm việc với niềm tin là họ được tưởng thưởng xứng đáng với trách nhiệm và công lao đóng góp”, và “cán bộ không thể và không có cơ hội làm giàu bất chính từ vị trí công việc của mình”.

Thứ ba, đó là xây dựng chính quyền điện tử. Điều cần lưu ý là chính phủ điện tử cũng như các ứng dụng khác của công nghệ số ngoài trọng tâm ưu tiên là cung cấp các dịch vụ công trực tuyến sẽ còn có lợi ích to lớn hơn nhiều khi được áp dụng để trở thành công cụ hữu hiệu cho việc giải quyết các bài toán nan giải như nâng cao hiệu lực bộ máy, tăng tính minh bạch, và kiểm soát tốt hơn vấn nạn tham nhũng. Chẳng hạn, để loại bỏ tính khuất tất trong thanh tra doanh nghiệp của một số ban ngành, Chính phủ có thể mở cổng thông tin để hoạt động thanh tra doanh nghiệp của các cơ quan công quyền đều qua đăng ký công khai. Khi đó, các cơ quan có kế hoạch thanh tra đều phải khai báo rõ kế hoạch, lý do, mục tiêu trước khi thanh tra và báo cáo kết quả sau khi thanh tra. Thông tin này được hiển thị và lưu trữ để các ngành chức năng theo dõi giám sát chặt chẽ.

Hỗ trợ các doanh nghiệp vươn lên tầm quốc tế

Bốn ưu tiên lớn trong lĩnh vực chiến lược này là chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, phát triển công nghiệp phù trợ, và tăng trưởng xanh.

Chuyển đổi số không chỉ là xu thế cấp bách mà còn là cơ hội tạo ra hiệu quả nhanh và rõ ràng mà mỗi doanh nghiệp cần nắm bắt quyết liệt. Việt Nam cần có hệ thống dữ liệu đánh giá định kỳ hiện trạng và tiến bộ trong chuyển đổi số của từng ngành và toàn bộ nền kinh tế.

Đổi mới sáng tạo đòi hỏi nâng cấp khả năng tiếp thu công nghệ và nỗ lực đầu tư cho nghiên cứu phát triển. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy cần có những cơ chế khuyến khích đặc biệt để các doanh nghiệp thấy đây là hướng đi có lợi hơn nhiều so với đầu cơ vào đất đai hoặc phát triển mở rộng đơn thuần.

Phát triển công nghiệp phụ trợ hiện còn là một trong những điểm yếu lớn nhất hiện nay mà Việt Nam cần vượt qua để hội nhập quốc tế, thực sự trở thành động lực nền tảng cho công cuộc phát triển.

Cuối cùng, phát triển xanh sẽ trở thành một hướng tăng trưởng rất lớn trong thời gian tới mà Việt Nam cần khai thác triệt để. Hướng đi này chú ý vào các dự án phát triển năng lượng tái tạo, tiết kiệm điện, và bảo vệ môi trường (đặc biệt trong xử lý chất thải và nước thải).

Phát triển và khai thác nguồn lực con người

Trong lĩnh vực chiến lược này, có một số điểm cần đặc biệt chú ý ngoài nỗ lực đầu tư nâng cấp hệ thống giáo dục.

“Phát triển và khai thác nguồn lực con người” là một trong năm lĩnh vực chiến lược hướng tới tầm nhìn Việt Nam 2045.

Thứ nhất, đó là việc đánh giá và sử dụng con người. Giá trị lớn nhất của một con người không nằm ở tài năng cá nhân mà là khả năng tạo nên sức mạnh cộng hưởng với tập thể mà người đó là một thành viên. Huấn luyện viên Park Hang-seo có kinh nghiệm rất quý trong tuyển chọn cầu thủ theo tiêu chuẩn này cho đội tuyển Việt Nam. Một khi việc đánh giá và sử dụng con người được làm tốt, nỗ lực đầu tư học hỏi của cá nhân và gia đình sẽ đi đúng hướng và có thể tạo nên sức bổ trợ cũng như động lực cải cách to lớn cho hệ thống giáo dục.

Thứ hai, đó là sự kết hợp sức mạnh cộng hưởng giữa xúc cảm dân tộc và tư duy khai sáng. Kinh nghiệm Cải cách Minh Trị đưa Nhật Bản cuối thế kỷ XIX cho thấy tầm quan trọng đặc biệt của khơi dậy và tạo nên sức mạnh cộng hưởng của hai nguồn lực phát triển tiềm tàng này. Một minh chứng là trong 5 điều tuyên thệ năm 1868 của Vua Minh Trị được coi là nền tảng cho công cuộc cải cách, 3 điều đầu nhằm vào khơi dậy xúc cảm dân tộc và 2 điều sau vào kiến tạo tư duy khai sáng.

Nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng

Ba nội dung lớn trong lĩnh vực chiến lược này là hệ thống hạ tầng thông tin, hệ thống giao thông, và đô thị hóa.

Phát triển hệ thống hạ tầng thông tin có vai trò cực kỳ cấp bách và chiến lược khi nhịp độ chuyển đổi số và nhu cầu hoạt động trực tuyến đã tiến một bước nhảy vọt do cú hích của đại dịch Covid. Hơn thế nữa, sự ra đời của công nghệ 5G đòi hỏi đầu tư đặc biệt vào mạng viễn thông này để các lợi ích được khai thác rộng khắp và triệt để.

Với các dự án đầu tư vào hệ thống giao thông, Chính phủ nên khai thác triệt để phương thức BOT. Trong đó, phương án chọn mức phí thấp và thời gian thu phí dài có tác động tốt hơn rất nhiều so với cách cho thu mức phí cao và khoảng thời gian thu phí khá ngắn như hiện nay.

Trong nỗ lực đô thị hóa, việc nâng đẳng cấp phát triển của Hà Nội và TP Hồ Chí Minh là hết sức cấp bách và có tầm quan trọng đặc biệt. Nó quyết định khả năng thu hút các ngành kinh tế có giá trị gia tăng cao và hàm lượng sáng tạo lớn. Một điều cần nhấn mạnh là tính hấp dẫn quốc tế của Việt Nam hiện nay khá cao nhưng chủ yếu dựa vào lợi thế thô và còn bị kéo lùi vì thiếu lợi thế từ đầu tư hạ tầng. Chẳng hạn, thứ hạng khá cao (đứng thứ 19) của TP Hồ Chí Minh trong 66 thành phố đại diện toàn cầu, chủ yếu được quyết định bởi thứ hạng cao của Thành phố về “chi phí rẻ” (thứ 4) “con người thân thiện” (thứ 10), “giao du xã hội” (thứ 12) trong khi Thành phố có thứ hạng gần cuối về “hạ tầng giao thông” (thứ 60), “môi trường và sức khỏe” (thứ 59).

Thiết lập các nền tảng học hỏi, hợp tác thiết thực và sống động

Thế giới và cộng đồng là những kho báu vô tận. Thiết lập các nền tảng học hỏi và hợp tác hiệu quả không chỉ là cách hiệu quả nhất khai thác nguồn lực rất quý này mà còn giúp Việt Nam tạo nên một môi trường học hỏi và vươn lên sống động. Nó cho thấy Việt Nam 2045 không phải là một mục tiêu duy ý chí mà là một nền tảng hợp tác của dân tộc đặc trưng bởi tính cầu thị, tầm nhìn toàn cầu và tư duy thời đại.

Tập trung đầu tư vào lĩnh vực chiến lược cũng giúp Việt Nam đi đầu trong khai thác nguồn lực phát triển tiềm tàng và mạnh mẽ nhất của thế kỷ XXI, đó là tri thức và tính cộng hưởng. Với cách tiếp cận này, nỗ lực đi lên của Việt Nam cũng là đóng góp cho cộng đồng thế giới và Việt Nam có tiềm năng trở thành một trung tâm không chỉ về đầu tư - thương mại - tài chính mà cả về giao lưu kiến thức và kinh nghiệm về cải cách và tiếp thu tinh hoa nhân loại để đi từ nghèo nàn lạc hậu đến phồn vinh một cách nhanh nhất.

Thay lời kết

Lịch sử phát triển của các quốc gia cho thấy, một dân tộc sẽ không thể xây được những đại lộ đi đến tương lai tươi sáng nếu không có những thế hệ quả cảm, chấp nhận thách thức rủi ro, đặt lên những dấu chân mở đường. Sự nghiệp đổi mới của Việt Nam và hành trình của dân tộc đi đến phồn vinh, hùng cường cũng không nằm ngoài quy luật này.

Thành quả của công cuộc Đổi mới đã tạo cho Việt Nam những thực lực và lợi thế vô cùng quý báu để đất nước có thể làm nên những bước tiến vượt bậc trong các thập kỷ tới. Chỉ còn 25 năm nữa là năm 2045, khi Việt Nam kỷ niệm 100 năm độc lập. Nếu Việt Nam làm nên kỳ tích phát triển như các nền kinh tế thần kỳ Đông Á và trở thành một quốc gia thịnh vượng vào năm 2045 thì dân tộc Việt Nam có thể ghi vào lịch sử thế giới một kỳ tích phi thường. Kỳ tích này không chỉ là thành công phát triển kinh tế mà là một minh chứng chói sáng và thôi thúc về một dân tộc, chỉ trong 100 năm độc lập của mình đã phát huy đến đỉnh cao nhất cả 3 loại hình sức mạnh của mình: Đứng dậy (1945-1975), Thức dậy (1986-2015), và Trỗi dậy (2016-2045), để đi từ thảm cảnh nô lệ, lầm than với hàng triệu người phải chết đói đến phồn vinh, hùng cường.

Để làm nên điều kỳ diệu nêu trên, Việt Nam cần gấp rút hoàn thiện chiến lược cho hành trình phát triển trong một phần tư thế kỷ phía trước. Trong đó, ba động lực chủ đạo và năm lĩnh vực chiến lược phác thảo trong bài viết này có thể làm cơ sở cho các thảo luận rộng rãi và sâu sắc để thu hút trí tuệ của toàn dân và tạo nên sự đồng thuận của toàn xã hội.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. InterNations (2020), Expat City Ranking 2020..

2. https://www.internations.org/expat-insider/2020/the-best-worst-cities-for-expats-40063.

3. K. Vu (2013), “The Dynamics of Economic Growth: policy insights from comparative analyses in Asia”, Edward Elgar.

4. https://www.eelgar.com/shop/usd/eelgar/product_flyer/printpage/id/10701.

5. K. Vu and K. Hartley (2020), “A New Consensus for Growth in the 21st Century”, ETHOS, 22.

6. https://www.csc.gov.sg/articles/a-new-consensus-for-growth-in-the-21st-century.

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)