Thứ ba, 05/01/2021 14:20

KH&CN - Nền tảng, nguồn lực, kỳ vọng của chuyển đổi nông nghiệp, nông thôn

TSKH Bạch Quốc Khang

Chuyên gia KH&CN Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Năm Canh Tý đi qua với nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là đại dịch COVID-19, nhưng kết cục lại có niềm vui lớn khi Việt Nam là nước có kinh tế tăng trưởng dương hiếm hoi trên thế giới và kiểm soát tốt dịch COVID-19. Góp vào niềm vui lớn của cả nước là GDP khu vực nông nghiệp tăng rõ nét so với cùng kỳ 2019 (theo dự báo tốc độ tăng GDP toàn ngành cả năm 2020 đạt 2,8-3%; giá trị sản xuất toàn ngành tăng 3-3,2%). Bước sang thập niên mới, để tiếp tục duy trì vai trò bệ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm..., ngành nông nghiệp cần có những chuyển đổi căn bản, trong đó khoa học và công nghệ (KH&CN) phải là nền tảng, là nguồn lực đẩy nhanh chuyển đổi nông nghiệp, nông thôn.

Năm khởi đầu thập niên thứ 3 của Thiên niên kỷ thứ 3 (2021) lại đúng là năm Tân Sửu, “con trâu khởi đầu cơ nghiệp”. Thật hữu duyên để nói về nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong lúc này.

Năm Canh Tý đi qua với quá nhiều gian nan, thử thách, nhưng kết cục lại có niềm vui lớn. Lần này Việt Nam đã làm được kỳ tích thời COVID-19: vượt qua vô vàn thách thức khốc liệt, tận dụng được cơ hội hiếm hoi để vươn lên. Không phải chúng ta “lách” qua được cánh cửa hẹp, mà là gồng hết sức mình, phá toang cánh cửa hẹp đó, để bước lên trở thành điểm sáng về phát triển kinh tế, ổn định xã hội. Mặc dù vi rút SARS-CoV-2 vẫn diễn biến phức tạp ở nhiều nước trên thế giới, gieo rắc nguy cơ bùng phát ở Việt Nam, nhưng chúng ta có đủ niềm tin để tiếp tục đà phát triển của nền kinh tế tăng trưởng dương hiếm hoi trên thế giới. Nhìn lại quá khứ, những năm 2008-2010, khi cả thế giới khủng hoảng kinh tế, Việt Nam chẳng những không tranh thủ được cơ hội trong khủng hoảng, mà còn sa sút kinh tế trầm trọng giai đoạn 2012-2014, khi thế giới đã bắt đầu thoát ra khỏi khủng hoảng. Vẫn đất nước ấy, dân tộc ấy, nhưng thời vận của chúng ta giờ đã khác. Chiến thắng hôm nay là nhờ hiểu rõ các bài học quá khứ, nhờ sự quyết tâm, đoàn kết một lòng của toàn Đảng, toàn dân, nhờ tình thương yêu lá lành đùm lá rách và cách tiếp cận tuyệt vời của chúng ta trước thách thức.

Góp vào niềm vui lớn của cả nước là GDP khu vực nông nghiệp tăng rõ nét so với cùng kỳ 2019. Theo dự báo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tốc độ tăng GDP toàn ngành cả năm 2020 đạt 2,8-3%; giá trị sản xuất toàn ngành tăng 3-3,2%. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong 9 tháng đầu năm 2020, GDP khu vực nông, lâm, thủy sản tăng 1,84%, đóng góp 13,62% vào mức tăng trưởng chung. Riêng quý III/2020 GDP khu vực này tăng lớn, đạt 2,93%, so với bình quân 2,62% của cả nước. Mục tiêu xuất khẩu nông sản trên 41 tỷ USD chắc chắn sẽ đạt được. Niềm vui của ngành nông nghiệp thời COVID-19 không chỉ là GDP tăng, mà là năng suất nhiều loại nông sản tăng, thể hiện quyết tâm phát triển theo chiều sâu trong khủng hoảng. Năng suất lúa vụ đông xuân năm nay đạt 66,4 tạ/ha, tăng 0,9 tạ/ha so với năm ngoái; năng suất lúa hè thu cũng tăng 0,9 tạ/ha. Mặc dù phải ứng phó tứ bề với hạn hán, xâm nhập mặn, lũ lụt, dịch tả lợn châu Phi, dịch COVID-19…, nhưng với nhiều giải pháp kịp thời, hiệu quả, ngành nông nghiệp đã tăng trưởng khá, thể hiện vai trò bệ đỡ của kinh tế nước nhà trong lúc khó khăn, bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu, là cơ sở quan trọng để thực hiện an sinh, an dân trong đại dịch.

Nông sản Việt Nam đã có bước chuyển về chất, thâm nhập được các thị trường có yêu cầu cao như: Mỹ, châu Âu, Nhật Bản…

Tuy vậy, với người nông dân, bên cạnh niềm vui vẫn là trăn trở, lo âu. Đã ngàn đời nay, nói đến nông thôn là chỉ thấy hình bóng nông dân. Nói đến nông dân thường chỉ câu chuyện nông nghiệp. “Nông thôn - Nông dân - Nông nghiệp”, bức tranh đó bao giờ mới thực sự chuyển đổi mạnh mẽ? Bao giờ nhắc đến nông thôn, người ta sẽ nói về một cơ cấu kinh tế khác, một cuộc sống khác, một không gian khác? Ở đó các chuỗi kinh tế thúc đẩy nhau phát triển, hàng hóa nông sản, dịch vụ công thương và ngành nghề nông thôn đưa nhau đến thị trường; hồn quê đất Việt sống cùng hiện đại, làng quê thanh bình đứng cùng văn minh, cảnh quan sinh thái hòa cùng đô thị…

Ai sẽ vẽ lại bức tranh đó với nhiều gam màu giàu đẹp? Đó phải là nhà quản lý - người đề ra cơ chế, chính sách; phải là nhà khoa học - người mở đường chuyển đổi số, chuyển đổi 4.0 cho nông thôn; phải là doanh nghiệp - người lĩnh ấn đầu tàu cho chuyển động mới; và đương nhiên, phải là nông dân - chủ thể trong các chuyển đổi ở nông thôn.
10 năm tới cần có những chuyển đổi căn bản để bước vào thời kỳ phát triển mới. Quá trình chuyển đổi đó sẽ ngày càng gắn chặt hơn với quá trình chuyển đổi cấu trúc chung nền kinh tế đất nước, với những thay đổi nền tảng về kinh tế, xã hội, môi trường, với kết nối nông thôn - đô thị ngày càng ràng buộc hơn để tạo ra tăng trưởng bao trùm và với những bất lợi ngày càng tăng. Tài nguyên thiên nhiên đang dần cạn kiệt, lao động giá rẻ không còn là động lực tăng trưởng; quy mô kinh tế hộ nhỏ lẻ đã trở thành lực cản; tài nguyên và các nguồn lực ngày càng bị chia sẻ cho các mục tiêu phát triển khác.

Không những thế, chuyển đổi nông nghiệp, nông thôn tới đây còn phải chịu tác động của các xu thế ngày càng phức tạp. Chuyển biến về cơ cấu kinh tế, lao động nông thôn sẽ phức tạp hơn, khi cơ cấu lao động chuyển dịch từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp chậm hơn so với cơ cấu kinh tế; sự kết nối kinh tế nông thôn với các ngành kinh tế khác chặt chẽ, sôi động hơn so với sự hoàn thiện kết nối nông thôn - đô thị. Chuyển biến của kinh tế nông nghiệp chịu sức ép mạnh hơn, không thể tiếp tục theo chiều rộng (kiểu cũ), mà phải đẩy nhanh theo chiều sâu với các xu thế mới. Nông nghiệp phát triển rộng hơn, ra ngoài phạm vi nông thôn, chuyển dần sang phương thức sản xuất công nghiệp. Cơ cấu nội ngành, cơ cấu sản phẩm chuyển dịch mạnh hơn gắn với thị trường thế giới, với cơ giới hóa đồng bộ, ứng dụng công nghệ mới, thông minh và chuyển đổi số. Cùng với đó là những biến động của các chủ thể kinh tế và vai trò chủ thể của nông dân ngày càng tăng lên.

Sản xuất nông nghiệp cần được cơ giới hóa đồng bộ, ứng dụng công nghệ mới và thực hiện chuyển đổi số trong thời gian tới.

Từ góc độ chính sách, Chương trình xây dựng nông thôn mới sẽ tiếp tục theo phương châm toàn diện, bền vững, không có điểm dừngkhông để ai ở lại phía sau, thúc đẩy những thay đổi lớn diễn ra, trong đó, biến đổi làng xã, văn hóaquan hệ xã hội ở nông thôn sẽ có ảnh hưởng phức tạp khi tốc độ đô thị hóa và khoảng cách nông thôn - đô thị ngày càng tăng lên. Cùng với đó là tác động đa chiều của thay đổi định chế xã hội (gia đình, cộng đồng) và giá trị văn hóa nông thôn.

Với những biến động như vậy, cần có các động lực phát triển mới tạo nên lực đẩy và lực kéo cho nông nghiệp, nông thôn. Theo các chuyên gia, có 4 nguồn động lực quan trọng cho phát triển đất nước cần được khơi thông, khai thác là: 1) Phát triển khu vực tư nhân; 2) Nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo; 3) Phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng; và 4) Đổi mới thể chế hiện đại, hiệu quả. Trong đó, thúc đẩy đổi mới sáng tạo trên nền tảng cách mạng công nghiệp 4.0 là động lực tăng trưởng mới, tạo ra chất mới của từng khu vực kinh tế. Nông nghiệp, nông thôn vốn đang tụt hậu về năng suất và giá trị sản xuất, nên càng phải đổi mới sáng tạo, nhưng đây cũng là khu vực chuyển đổi khó khăn nhất. Vì thế, KH&CN là nền tảng, là nguồn lực, là kỳ vọng đẩy nhanh chuyển đổi nông nghiệp, nông thôn.

Với sứ mệnh của mình, KH&CN sẽ phải chủ động nghiên cứu giải quyết các mâu thuẫn của phát triển bền vững, ẩn chứa trong các mối quan hệ nông thôn - đô thị, mà cụ thể là các vấn đề chia sẻ tài nguyên, nguồn lực giữa nông nghiệp, nông thôn với công nghiệp, đô thị hóa; di dân và chuyển dịch lao động xã hội. Bên cạnh đó là các vấn đề trong mối quan hệ giữa kinh tế và môi trường, kinh tế và văn hóa, nông nghiệp với phi nông nghiệp, kinh tế hộ với hiện đại hóa nông nghiệp theo hướng 4.0…

Ngoài ra, nói đến các khó khăn, thách thức của phát triển nông nghiệp, nông thôn giai đoạn tới không thể không nhắc đến các vấn đề lớn cần giải quyết trong quy hoạch cảnh quan, môi trường gắn với sinh kế người dân; quản lý xã hội gắn với vai trò chủ thể của người dân; quản lý nhà nước với phát huy vai trò của tổ chức cộng đồng, phong tục tập quán và văn hóa truyền thống; phát triển nguồn nhân lực nông nghiệp gắn với chuyển dịch dân số và lao động từ nông thôn; thực hiện đổi mới sáng tạo nông thôn gắn với khai thác động lực của văn hóa; huy động nguồn lực tài chính cho nông nghiệp, nông thôn trong bối cảnh hiệu quả thấp, sức hút kém của khuc vực này; tăng cường cơ chế, chính sách cho nông nghiệp, nông thôn khi nguồn lực thực thi bị hạn chế…

KH&CN tham gia giải quyết các vấn đề nêu trên bằng việc nghiên cứu đề xuất hoàn thiện cơ chế, chính sách mới tiến bộ hơn; mở ra con đường phát triển thực tế bằng các giải pháp KH&CN phù hợp với điều kiện Việt Nam; thúc đẩy nâng cao vai trò và giá trị mới của các chủ thể, nhất là doanh nghiệp, chủ trang trại, hợp tác xã kiểu mới bằng cách giúp họ tạo ra, phổ biến, nhân rộng những mô hình ứng dụng tiến bộ KH&CN tiêu biểu, có hiệu quả cao, tạo ra hệ sinh thái khởi nghiệp mới ở nông thôn. KH&CN sẽ góp phần vẽ lại bức tranh nông thôn mới với nhiều gam màu và nhiều tầng phát triển. Bên cạnh người nông dân sẽ là những doanh nghiệp ngoại sinh (từ bên ngoài đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn), doanh nghiệp nội sinh (nông dân chuyển thành doanh nhân), những trang trại hiện đại, hợp tác xã kiểu mới (có cả các tổ chức dịch vụ, doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ). Bên cạnh kinh tế nông nghiệp thông minh, chuyển đổi số sẽ là kết nối liên ngành, phát triển hài hòa với công nghiệp nông thôn, ngành nghề nông thôn, dịch vụ, du lịch nông thôn. Bên cạnh các dòng nông sản chủ lực quốc gia với liên kết chuỗi cung ứng toàn cầu còn có các dòng sản phẩm OCOP (mỗi xã một sản phẩm), với các giá trị mới từ bản sắc văn hóa địa phương cùng hướng đến toàn cầu. Lồng trong nông thôn bản sắc Việt Nam, nơi bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống luôn thanh bình, dẻo dai trước những biến động của xã hội là một nông thôn mới văn minh, hiện đại, phát triển những giá trị văn hóa mới, hài hòa của đất nước.

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)