Thứ hai, 28/12/2020 13:22

Viêm màng bồ đào - Bệnh dễ mắc và những biến chứng nguy hiểm

Viêm màng bồ đào (MBĐ) là bệnh về mắt do viêm nội sinh hoặc ngoại sinh, có thể kèm theo tổn thương các cấu trúc liền kề như dịch kính, võng mạc, thần kinh thị giác, giác mạc và củng mạc. Viêm MBĐ có biểu hiện giống với đau mắt đỏ, dễ bị người bệnh bỏ qua, nếu không được chữa trị kịp thời có thể gây biến chứng nguy hiểm như đục thủy tinh thể, tăng nhãn áp, teo nhãn cầu, nguy cơ cao dẫn tới mù lòa.

Triệu chứng, nguyên nhân và biến chứng

MBĐ có ba phần: mống mắt, thể mi và màng mạch. Đây là nơi chứa nhiều mạch máu, bao gồm các tĩnh mạch và động mạch đưa máu nuôi dưỡng mắt. Bệnh viêm MBĐ là tình trạng viêm sưng của 1 trong 3 bộ phận nêu trên, có thể ảnh hưởng đến thủy tinh thể, võng mạc, các dây thần kinh thị giác. Dựa vào vị trí tổn thương, viêm MBĐ được chia thành 3 loại: viêm MBĐ trước (còn gọi là tổn thương viêm ở mống mắt và thể mi); viêm MBĐ trung gian (giữa) (chủ yếu là phía sau của thể mi) và viêm MBĐ sau (tổn thương hắc mạc, đôi khi cả võng mạc) 1. Viêm MBĐ trước là dạng phổ biến (chiếm khoảng 3/4 trường hợp, thường tái phát thành từng đợt và nếu không điều trị dứt điểm có thể gây tăng nhãn áp (NA), về lâu dài có thể dẫn tới mù vĩnh viễn). Viêm MBĐ giữa triệu chứng thường mờ nhạt hơn, nhìn thấy vật mờ kèm theo hiện tượng ruồi bay trước mắt; viêm MBĐ sau xảy ra tại mặt sau của mắt, gồm viêm màng mạch, võng mạc, gây tổn thương dây thần kinh thị giác, gây hạn chế tầm nhìn của người bệnh. Trong một số trường hợp, viêm MBĐ còn ảnh hưởng đến toàn bộ phần trước và sau của mắt - gọi là viêm MBĐ toàn bộ.

Viêm MBĐ với tình trạng cương tụ mạch máu có thể nhầm với đau mắt đỏ.

Triệu chứng của viêm MBĐ 2 gồm: thị lực giảm xuất hiện sớm là do đục môi trường trong suốt bởi tủa giác mạc, tế bào viêm và fibrin 3 trong thủy dịch. Tiếp đến là đau nhức mắt biểu hiện rõ rệt do mống mắt thể mi có mạng lưới thần kinh dày đặc xuất phát từ dây thần kinh số V 4. Cơn đau của viêm MBĐ là do co thắt thể mi và các đầu tận cùng thần kinh bị kích thích bởi nồng độ độc tố cao. Bên cạnh đó, khi bệnh nhân bị viêm MBĐ còn xuất hiện tình trạng sợ ánh sáng, chảy nước mắt do dây thần kinh số V kích thích. Mặt khác, hiện tượng cương tụ 5 xuất hiện do tình trạng cấp máu cho mống mắt, thể mi diễn ra dày đặc. Cương tụ các mạch ở mống mắt làm cho mống mắt sẫm màu và có thể gây xuất huyết mống mắt, xuất huyết tiền phòng 6. Một triệu chứng khác của viêm MBĐ là xuất tiết, gây ra do tăng tính thấm thành mạch và thủy dịch trong tiền phòng có protein, được biểu hiện bằng dấu hiệu Tyndall 7 dương tính. Tăng NA là biến chứng khá phổ biến của viêm MBĐ trước, nếu kéo dài sẽ gây tổn hại chức năng thị giác không thể hồi phục. Một số bệnh nhân bị viêm MBĐ ở giai đoạn cuối, NA thấp vĩnh viễn do thể mi bị hoại tử, dẫn tới mù lòa, ngoài ra còn có thể gây biến dạng đồng tử (méo). Bên cạnh đó, còn xuất hiện các nốt ở mống mắt do sự tích tụ tế bào.

Nguyên nhân gây viêm MBĐ rất phức tạp 8 và không ít trường hợp không tìm được nguyên nhân. Trên thực tế, viêm MBĐ có thể do vi khuẩn; nhiễm khuẩn ngoại sinh trong các trường hợp chấn thương, phẫu thuật; nhiễm khuẩn nội sinh từ các ổ viêm lân cận, do vi rút, ký sinh trùng… Viêm MBĐ còn được cho là do dị ứng protein thể thủy tinh hay do nhiễm độc (độc tố từ tác nhân gây nhiễm trùng, hóa chất, độc tố của các u ác tính trong nhãn cầu...), ngoài ra, thuốc lá cũng có thể gây viêm MBĐ.

Viêm MBĐ có thể dẫn tới các biến chứng như: giảm thị lực (hơn 10% người bệnh viêm MBĐ sau đó bị hạn chế về tầm nhìn sau khỏi bệnh); glocom (quá trình viêm ngăn chặn sự tiêu thoát nước); đục thể thủy tinh (phẫu thuật lấy thể thủy tinh khi viêm MBĐ ổn định và thể thủy tinh đục nhiều, trong trường hợp viêm MBĐ cấp nặng, có khi thể thủy tinh đục trương phồng, cần phẫu thuật lấy thể thủy tinh sớm ngay cả khi viêm MBĐ chưa ổn định và kết hợp điều trị chống viêm mạnh).

Ngoài ra, viêm MBĐ còn dẫn tới các biến chứng gián tiếp như: phù hoàng điểm dạng nang gây giảm thị lực; teo nhãn cầu (do thể mi giảm tiết thủy dịch vĩnh viễn dẫn đến teo nhãn cầu); bong võng mạc.

Điều trị và phòng bệnh

Điều trị nội khoa: điều trị viêm khá phức tạp vì phải dựa vào chẩn đoán nguyên nhân mà trong nhiều trường hợp không xác định được nguyên nhân. Điều trị nguyên nhân với các thuốc đặc hiệu như thuốc chống vi rút, thuốc chống lao, thuốc chống nấm, kháng sinh chống vi khuẩn, penicillin điều trị giang mai... Điều trị thuốc giãn đồng tử và liệt thể mi; thuốc chống viêm corticosteroid - chủ lực trong điều trị viêm MBĐ. Tuy nhiên, nếu dùng dài ngày cần theo dõi tác dụng phụ (loét dạ dày, cao huyết áp, loãng xương, giảm sức đề kháng, đục thể thủy tinh, glocom, hội chứng Cushing... Các thuốc điều hòa miễn dịch được dùng điều trị viêm MBĐ khi bệnh không đáp ứng với Corticosteroid hoặc chống chỉ định với Corticosteroid do bệnh toàn thân hoặc tác dụng phụ trầm trọng do dùng Corticosteroid kéo dài.

Phẫu thuật: có thể chích mủ tiền phòng, sinh thiết dịch kính để xét nghiệm tìm nguyên nhân viêm MBĐ nhưng phần lớn các trường hợp phẫu thuật để điều trị biến chứng của bệnh. Phẫu thuật lấy thể thủy tinh có thể phối hợp đặt thể thủy tinh nhân tạo nếu thể thủy tinh đục; phẫu thuật lỗ dò với cắt mống mắt rộng điều trị tăng NA; cắt dịch kính, bóc màng trước võng mạc, phẫu thuật bong võng mạc.

 Phòng bệnh: Để giảm bớt nguy cơ mắc bệnh, cần tránh nhiễm ký sinh trùng gây viêm MBĐ bằng cách giữ vệ sinh, ăn chín, uống sôi, tránh ăn các món gỏi, đồ sống để không bị nhiễm ấu trùng giun, sán; không rửa mặt bằng nguồn nước ô nhiễm. Bảo vệ mắt bằng kính khi tiếp xúc với môi trường khói bụi; hạn chế tiếp xúc với môi trường hóa chất. Mặt khác, khi có các dấu hiệu bệnh cần được phát hiện sớm và đến ngay các cơ sở chuyên khoa về mắt để được khám, điều trị kịp thời.

Ghi chú:

1 Bên cạnh đó, có một số cách phân loại khác như: phân loại theo nguyên nhân: viêm MBĐ do vi khuẩn, vi rút, nấm, ký sinh trùng, do dị ứng, nhiễm độc, liên quan đến yếu tố miễn dịch…;  phân loại theo tiến triển bệnh: viêm MBĐ cấp (viêm tiến triển trong vòng 3 tháng, sau đó bệnh ổn định) và  viêm MBĐ mạn (kéo dài quá 3 tháng); phân loại theo mô bệnh học: viêm MBĐ dạng hạt và không hạt.

2 Chủ yếu đề cập loại phổ biến là viêm MBĐ trước.

3 Còn gọi là sợi tơ huyết.

4 Đau dây thần kinh số V còn gọi là đau dây tam thoa, là chứng đau ở vùng da mặt, đặc trưng bởi các cơn đau ngắn, cảm giác đau dữ dội.

5 Cương tụ kết mạc chủ yếu ảnh hưởng tới các mạch máu kết mạc phía sau.

6 Là hiện tượng xuất hiện máu trong tiền phòng (khoang nằm giữa giác mạc và mống mắt), thường xảy ra sau chấn thương.

7 Dấu hiệu Tyndall: là những thể lơ lửng trong thủy dịch do tế bào hoặc xuất tiết viêm.  
8 Đến nay, ít nhất có 13 nguyên nhân chính được xác định, chưa kể có các trường hợp đặc biệt.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Nguyễn Văn Đàm (chủ biên) (2007), Nhãn khoa, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân.

2. Đỗ Như Hơn (chủ biên) (2011), Nhãn khoa, Nhà xuất bản Y học, tr.187-234.

3. http://thuoc.net.vn/Default.aspx?Mod=ViewArticles&ArticlesID=7160.

Lê Thanh Trà
(Bệnh viện đa khoa Nghệ An)

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)