Nghiên cứu của các nhà khoa học cho thấy lượng khí thải N2O đang tăng nhanh hơn bất kỳ kịch bản phát thải nào do Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC) đưa ra. N2O đã tăng 20% so với mức tiền công nghiệp - từ 270 phần tỷ (ppb) năm 1750 lên 331 ppb vào năm 2018 (mức tăng trưởng nhanh nhất được quan sát thấy trong 50 năm qua do khí thải từ các hoạt động của con người). Lượng khí thải do con người gây ra, chủ yếu là do bổ sung nitơ vào đất trồng trọt, đã tăng 30% trong 4 thập kỷ qua, lên 7,3 tỷ kg nitơ/năm.
Nghiên cứu cho thấy: Đông Á, Nam Á, châu Phi và Nam Mỹ là những nơi đóng góp lớn nhất vào lượng N2O toàn cầu. Tốc độ tăng phát thải cao nhất là ở các nền kinh tế mới nổi, đặc biệt là Brazil, Trung Quốc và Ấn Độ, nơi sản lượng cây trồng và số lượng vật nuôi đang tăng lên nhanh chóng. Ngược lại, lượng khí thải N2O ở châu Âu giảm trong nông nghiệp và công nghiệp hóa chất. Điều này là do sự kết hợp của các yếu tố, bao gồm các biện pháp tự nguyện để loại bỏ N2O khỏi khí thải trong ngành công nghiệp Nylon và sự ra đời của kế hoạch buôn bán khí thải, cũng như việc nông nghiệp ở nhiều nước Tây Âu chuyển sang sử dụng phân bón hiệu quả hơn để giảm thiểu tác động xấu tới môi trường. Các chính sách về sử dụng phân đạm cũng được quan tâm ở khu vực này.
Đồng trưởng nhóm nghiên cứu, Giám đốc điều hành của Dự án Carbon Toàn cầu TS Josep 'Pep' Canadell cho biết: “Kết quả nghiên cứu mới này kêu gọi một sự suy nghĩ lại toàn diện về cách chúng ta sử dụng và lạm dụng phân đạm trên toàn cầu và thúc giục chúng ta áp dụng các thực hành bền vững hơn trong cách chúng ta sản xuất thực phẩm, bao gồm cả việc giảm lãng phí thực phẩm”.
Thu Hương (Theo sciencedaily.com)