Thứ năm, 08/10/2020 10:12

Giải Nobel Hóa học năm 2020 cho những đóng góp của công nghệ chỉnh sửa gen

Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển đã quyết định trao giải Nobel Hóa học 2020 cho TS Emmanuelle Charpentier (sinh năm 1968, người Pháp, hiện đang làm việc tại Viện Pasteur, Pháp và Viện Max Planck, Đức) và GS Jennifer A. Doudna (sinh năm 1964, hiện đang làm việc tại Đại học California và Viện Y khoa Howard Hughes, Hoa Kỳ) vì những đóng góp cho sự phát triển của công nghệ chỉnh sửa gen.

TS Emmanuelle Charpentier                                     GS Jennifer A. Doudna

TS Emmanuelle Charpentier và GS Jennifer A. Doudna đã khám phá ra một trong những công cụ sắc bén nhất của công nghệ gen, đó là “chiếc kéo phân tử” CRISPR/Cas9. Với công nghệ này, các nhà nghiên cứu có thể thay đổi các phân tử mang thông tin di truyền (ADN) của động vật, thực vật và vi sinh vật với độ chính xác cực cao, từ đó tạo ra các tác động mang tính cách mạng đối với khoa học sự sống, góp phần vào các liệu pháp điều trị ung thư và có thể biến giấc mơ chữa khỏi các bệnh di truyền thành hiện thực.

Các nhà khoa học cần phải chỉnh sửa các gen trong tế bào nếu muốn tìm hiểu về hoạt động và cơ chế bên trong của sự sống. Đây từng là công việc tốn nhiều thời gian, khó khăn và đôi khi là bất khả thi, nhưng giờ đây, công nghệ CRISPR/Cas9 cho phép thay đổi “mật mã” (ADN) của sự sống chỉ trong vài tuần.

Ông Claes Gustafsson - Chủ tịch Hội đồng Nobel Hóa học cho biết, công nghệ di truyền này có sức mạnh to lớn, ảnh hưởng đến tất cả chúng ta, nó không chỉ tạo ra một cuộc cách mạng trong khoa học cơ bản mà còn phát triển những giống cây trồng ưu việt và dẫn đến những phương pháp điều trị mang tính đột phá trong y học.

Trong quá trình nghiên cứu về vi khuẩn Streptococcus pyogenes (một trong những vi khuẩn gây hại nhiều nhất cho con người) TS Emmanuelle Charpentier đã phát hiện ra một phân tử chưa từng được biết đến trước đây, đó là tracrRNA. Kết quả nghiên cứu của bà cho thấy phân tử tracrRNA là một phần của hệ thống miễn dịch của vi khuẩn cổ đại, từ đó, công nghệ CRISPR/Cas làm suy yếu vi rút bằng cách phân cắt ADN của chúng.

Vào năm 2011, TS Charpentier công bố những khám phá của mình và bắt đầu hợp tác với GS Jennifer Doudna, một nhà hóa sinh giàu kinh nghiệm với kiến thức uyên bác về ARN. Họ đã thành công trong việc tái tạo “chiếc kéo phân tử” của vi khuẩn trong ống nghiệm và đơn giản hóa các thành phần phân tử để chúng dễ sử dụng hơn.

Kể từ khi TS Charpentier và GS Doudna phát hiện ra CRISPR/Cas9 vào năm 2012, việc ứng dụng công nghệ này đã trở nên bùng nổ. CRISPR/Cas9 đã có nhiều đóng góp quan trọng trong nghiên cứu cơ bản, nhờ vào đó, các nhà nghiên cứu thực vật có thể phát triển các loại cây trồng chống chịu được nấm mốc, sâu bệnh và hạn hán. Trong y học, các chuyên gia đang tiến hành thử nghiệm lâm sàng các liệu pháp điều trị ung thư, ước mơ có thể chữa khỏi các bệnh di truyền sắp trở thành hiện thực. Công nghệ này đã và đang đưa ngành khoa học sự sống bước sang một kỷ nguyên mới, chúng đang mang lại lợi ích lớn cho con người.

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)