Thứ năm, 01/10/2020 13:54

Covid-19 ở trẻ em và một vài điểm cần lưu ý

Trên PubMet1 từ tháng 12/2019 đến tháng 9/2020 có hơn 2.000 công trình nghiên cứu về Covid-19 ở trẻ em. Đến nay, các nghiên cứu cho thấy tỷ lệ mắc Covid-19 và tình trạng bệnh ở trẻ em tuy nhẹ hơn người lớn nhưng dễ mang nguy cơ phát tán mầm bệnh ra cộng đồng. Những trẻ em bị nặng phải chăm sóc đặc biệt đều mắc các bệnh tiềm ẩn.

Đặt vấn đề

Tính đến 21/9/2020, trên thế giới hiện có trên 31,4 triệu người nhiễm SARS-CoV-2, gần 1 triệu ca tử vong [1]. Nếu tính riêng ở Việt Nam thì đã có 1.040 ca nhiễm và 34 ca tử vong, nhưng chưa có trường hợp nào là trẻ em. Trên thực tế, hiện vẫn chưa có vắc xin và thuốc điều trị đặc hiệu đối với Covid-19, vi rút vẫn sẽ tiếp tục lây lan trên toàn cầu đến khi có vắc xin hiệu quả hoặc phần lớn dân số trên thế giới bị nhiễm sẽ tạo kháng thể cộng đồng. Ở thời điểm hiện tại, cách tốt nhất để hạn chế những ca nặng hoặc các trường hợp tử vong do Covid-19 là cách ly tập trung những ca nhiễm để giảm tốc độ lây lan.

Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Hàn Quốc đã tiến hành xét nghiệm toàn dân với cỡ mẫu rất lớn. Báo cáo từ CDC Hàn Quốc cho biết, chỉ có 6,3% các trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19 là trẻ em dưới 19 tuổi. Đồng thời, theo báo cáo từ nhiều quốc gia, đa số các trường hợp trẻ em có kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19 bị bệnh ở thể nhẹ. Có nghĩa là đối với trẻ em và thanh thiếu niên không mắc các bệnh lý tiềm ẩn, chẳng hạn như suy giảm chức năng phổi hoặc suy giảm miễn dịch, ít có nguy cơ mắc Covid-19 thể nặng hơn nhiều so với các nhóm tuổi khác [2].

Ảnh hưởng của Covid-19 ở trẻ em

Các triệu chứng Covid-19 dường như ít nặng nề hơn ở trẻ em so với người lớn [3]. Nghiên cứu của Y. Dong và cộng sự [3] đã đánh giá 2.143 trẻ em ở Trung Quốc bao gồm những bé đã được xét nghiệm và những bé nghi ngờ nhiễm bệnh dựa trên biểu hiện lâm sàng và dịch tễ. Trong số này, 34,1% trường hợp được xác nhận nhiễm bệnh qua xét nghiệm, số còn lại chỉ ở mức nghi ngờ. Các triệu chứng điển hình ở những trẻ này là sốt, ho, đau họng, hắt hơi, đau cơ và mệt mỏi. Một số trẻ biểu hiện thở khò khè. Một nghiên cứu khác từ Bệnh viện Nhi đồng Vũ Hán (Trung Quốc) [4] đánh giá 171 trẻ em mắc bệnh được điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng Vũ Hán cho thấy, các triệu chứng phổ biến nhất là ho (48,5%), đỏ hầu họng (46,2%) và sốt (41,5%), trong đó, 32,1% trẻ em bị sốt từ 38,1‐39oC và các triệu chứng khác là tiêu chảy (8,8%), mệt mỏi (7,6%) và nôn mửa (6,4%). 4/171 trẻ em (2,3%) có độ bão hòa ô xy thấp dưới 92%. Một tỷ lệ đáng kể trẻ em có biểu hiện thở nhanh (28,7%) và nhịp tim nhanh (42,1%) khi nhập viện.

Tính đến nay, trong nghiên cứu về Covid-19 trên trẻ em quy mô lớn nhất, hơn 90% trong số 2.143 trẻ em được chẩn đoán bệnh bằng xét nghiệm hoặc các triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh (lâm sàng và dịch tễ) cho kết quả hoặc là không rõ triệu chứng, mắc bệnh nhẹ hoặc trung bình. 5,2% có biểu hiện nặng và 0,6% nguy kịch phải điều trị trong phòng hồi sức tích cực [3]. Theo phân loại các mức độ nặng của Covid-19 được sử dụng tại Trung Quốc, bệnh nặng được xác định là khó thở, tím trung ương và độ bão hòa ô xy dưới 92%; mức độ nguy kịch cần điều trị trong phòng hồi sức tích cực (ICU) gồm suy hô hấp, ARDS, sốc và các dấu hiệu của suy đa cơ quan (như tổn thương não, suy tim, rối loạn đông máu và suy thận cấp). Theo đó, tỷ lệ trẻ em <1 tuổi mắc bệnh nặng và nguy kịch là 10,6%, 1‐5 tuổi là 7,3%, 6‐10 tuổi là 4,2%, 11‐15 tuổi là 4,1% và 16‐17 tuổi là 3,0% [3]. 1/2 số trẻ mắc Covid‐19 cần điều trị tại ICU trong nghiên cứu này đều dưới một tuổi. Trong một nghiên cứu khác tại Trung Quốc trên 171 trẻ nêu trên [4] thì có 3 trẻ (1,8%) cần được chăm sóc đặc biệt đều mắc các bệnh tiềm ẩn. Còn trong một nghiên cứu trên 123 trẻ em tại Hoa Kỳ mắc Covid‐19 [5], tỷ lệ cần nhập viện là 1,6‐2,5% và không có trẻ nào cần chăm sóc đặc biệt.

Trong một nghiên cứu đăng trên Tạp chí Dịch tễ học [6] của nhóm dịch tễ học ứng phó khẩn cấp bệnh viêm phổi do SARS-CoV-2 gây nên của Trung Quốc trên 44.672 trường hợp được xác nhận nhiễm Covid‐19 (cả người lớn và trẻ em), có 965 trường hợp tử vong (2,2%). Trong đó chỉ có một trẻ ở độ tuổi 10‐19 tử vong mà không có trường hợp nào từ 0‐9 tuổi mất vì Covid-19. Trong nghiên cứu của Lu và cộng sự cũng báo cáo ca tử vong là một trẻ 10 tháng tuổi bị lồng ruột và suy đa tạng [4]. Theo Trung tâm CDC Hoa Kỳ, tính đến ngày 16/9/2020, 397/182,095 ca tử vong ở độ tuổi 0-15 tuổi, chiếm khoảng 0,21% [7].

Một vài nhận xét

Trẻ em khi bị nhiễm Covid 19 thường nhẹ hơn người lớn?

Trên thực tế, trẻ em không phải là người lớn thu nhỏ. Hệ thống miễn dịch ở trẻ em và người lớn là tương đối khác nhau, cả về thành phần và khả năng đáp ứng với tác nhân gây bệnh [8]. Ngoài ra, giữa mỗi độ tuổi cũng có sự khác biệt trong hệ miễn dịch. Trong những tuần đầu tiên từ khi ra đời, em bé sẽ tiếp xúc với một loạt các yếu tố tác nhân môi trường khác nhau và bắt đầu có những thay đổi trong hệ miễn dịch [9]. Một điểm khác biệt khác giữa trẻ nhũ nhi và trẻ lớn là sự hiện diện của một số kháng thể nhận từ mẹ. Các kháng thể này không bao gồm các vi rút mới như SARS-CoV-2 [9]. Một lý do có thể giải thích cho việc Covid-19 thường có biểu hiện nhẹ hơn ở trẻ em so với người lớn là do có sự khác biệt trong phản ứng của hệ miễn dịch đối với SARS-CoV-2. Một lý do khác là sự hiện diện đồng thời của các loại vi rút khác trong niêm mạc phổi và đường hô hấp, thường gặp ở trẻ nhỏ, có thể hạn chế sự phát triển của SARS-CoV-2 do ức chế cạnh tranh [10].
Vậy tại sao Covid-19 thường biểu hiện nhẹ ở trẻ em. Hiện có nhiều bằng chứng cho thấy men chuyển angiotensin 2 (ACE) là rất cần thiết cho sự liên kết và gây bệnh của SARS-CoV-2. Tuy nhiên, ở trẻ nhỏ thì men chuyển kém trưởng thành hơn, vì vậy mức độ biểu hiện của Covid-19 cũng tương đối nhẹ hơn so với người lớn [11]. Covid-19 diễn tiến nặng đặc trưng bởi 3 giai đoạn. Phía sau giai đoạn vi rút xâm nhập và viêm phổi là tăng phản ứng viêm, có thể dẫn đến hội chứng suy hô hấp cấp tính (ARDS), suy giảm chức năng tim mạch và tử vong. Thực tế trẻ em thường ít bị ARDS khi nhiễm SARS-CoV-2 hơn so với người lớn [12], trong khi trong đại dịch cúm H1N1 năm 2009, trẻ dưới một tuổi có nguy cơ diễn tiến bệnh nặng và ARDS [13].

Khi trẻ em là nguồn lây tiềm ẩn

Một trường hợp đăng trong bài báo của Tạp chí Các bệnh truyền nhiễm lâm sàng (Clinical Infectious Diseases) [14], em bé 6 tháng tuổi bị nhiễm Covid-19 chỉ có một triệu chứng duy nhất là sốt 38,5oC, ngoài ra không có dấu hiệu lâm sàng nào khác. Dựa trên xét nghiệm RT-PCR cho thấy số vi rút từ mũi họng của em bé khá cao từ thời điểm nhập viện. Các mẫu xét nghiệm dịch mũi họng vẫn tiếp tục dương tính cho đến ngày thứ 16 sau khi nhập viện. Trong nghiên cứu đăng tải trên Tạp chí JAMA Pediatrics ngày 30/7/2020 [15], Heald Sargent và cộng sự thực hiện xét nghiệm RT-PCR dịch mũi họng cho 145 người, sau đó phân loại thành 3 nhóm - trẻ nhỏ, trẻ lớn và người lớn. Các nhà khoa học thấy rằng nhóm trẻ nhỏ nhất có lượng vi rút cao gấp 10-100 lần so với 2 nhóm còn lại.

Để xác định tải lượng vi rút ở bệnh nhân, một mẫu bệnh phẩm mũi họng đạt tiêu chuẩn và đem phân tích bằng phương pháp qPCR. Trong mỗi chu kỳ của qPCR, từ một lượng nhỏ vật chất di truyền ban đầu của vi rút sẽ tăng gấp đôi, và tiếp tục gia tăng không ngừng. Nếu ở thời điểm nhận bệnh phẩm đầu tiên có nhiều vật chất di truyền của vi rút, thì cần ít chu kỳ hơn để đạt được ngưỡng chu kỳ (cycle threshold - CT). Các mẫu bệnh phẩm lấy từ trẻ nhỏ hơn thường có CT thấp hơn, nghĩa là ngay từ đầu trong các mẫu này có nhiều vi rút hơn bình thường. Heald Sargent và cộng sự đã phân tích các mẫu bệnh phẩm lấy từ 145 người và chia thành 3 nhóm tuổi (trẻ em dưới 5 tuổi, trẻ em từ 17 tuổi và người lớn từ 18-65 tuổi) và nhận thấy mức CT thấp nhất ở nhóm trẻ nhỏ, trong khi CT của trẻ lớn tương đương với nhóm người lớn [16]. Có nghĩa là, trẻ nhỏ có thể mang một lượng vi rút rất lớn, vô hình chung có thể mang mầm bệnh và vô tình tạo nguy cơ phát tán mầm bệnh ra cộng đồng.

*

*           *

Như vậy, một điểm quan trọng mà chúng ta cần lưu ý, tuy rằng trẻ em nhiễm Covid‐19 đa số thường chỉ bị nhẹ hơn so với người lớn, nhưng điều đó không có nghĩa là có thể chủ quan. Nếu muốn ngăn chặn đại dịch, chúng ta cần phải có các biện pháp cụ thể để giảm bớt nguy cơ lây lan, bất kể là ở người lớn hay trẻ em. Điều cần quan tâm là trẻ nhỏ có thể mang một lượng vi rút rất lớn, ngay cả khi không biểu hiện triệu chứng khiến cho trẻ dễ dàng trở thành một “địa chỉ” phát tán mầm bệnh cho cộng đồng. Đặc biệt là khu vực có đông trẻ em tập trung như trường học hoặc nhà trẻ.

1 PubMed là một cơ sở dữ liệu miễn phí truy cập chủ yếu qua cơ sở dữ liệu medline về các tài liệu tham khảo và tóm tắt về các chủ đề khoa học đời sống và y sinh học. 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] https://ncov.moh.gov.vn/en/web/guest/trang-chu.

[2] Korean Center for Disease and Control and Prevention, Press releases. https://www.cdc.go.kr/board/board.es?mid=a30402000000&bid=0030.

[3] Y. Dong, X.I. Mo, Y. Hu, et al. (2020), “Epidemiological characteristics of 2143 pediatric patients with 2019 coronavirus disease in China”, Pediatrics, 16, p.16.

[4] X. Lu, L. Zhang, H. Du, et al. (2020), “SARS-CoV-2 infection in children”, N. Engl. J. Med., 382(17), pp.1663-1665.

[5] S. Bialek, E. Boundy, V. Bowen, et al. (2020), “Severe outcomes among patients with coronavirus disease 2019”, Morb. Mortal. Wkly. Rep., (69), pp.343-346.

[6] Y. Zhang, et al. (2020), “Outbreak of 2019 Novel Coronavirus Diseases (COVID-19) - China”, Chin. J. Epidemiol., 41(2), pp.139-144.

[7] https://www.cdc.gov/nchs/nvss/vsrr/covid_weekly/index.htm.

[8] A.K. Simon, G.A. Hollander, A. McMichael (2015), Evolution of the immune system in humans from infancy to old age, Proc. Biol. Sci, https://doi.org/10.1098/rspb.2014.3085.

[9] A. Olin, E. Henckel, Y. Chen, et al. (2015), “Stereotypic immune system development in newborn children”, Cell, 174(5), pp.1277-1292.e14.

[10] S. Nickbakhsh, C. Mair, L. Matthews, et al. (2019), “Virus‐virus interactions impact the population dynamics of influenza and the common cold”, PNAS, 116 (52), pp.27142-27150.

[11] https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC7164637/.

[12] https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/27933286/.

[13] https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/20445182/.

[14] K. Kam, C.F. Yung, L. Cui, et al. (2020), “A well infant with coronavirus disease 2019 (COVID‐19) with high viral load”, Clin. Infect. Dis., 71(15), pp.847-849.

[15] https://jamanetwork.com/journals/jamapediatrics/fullarticle/2768952.

(Nguyễn Thanh Tùng tổng hợp)

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)