Thứ tư, 30/09/2020 10:08
Cảm biến hạt mịn nhỏ nhất thế giới
Các nhà khoa học thuộc Đại học Công nghệ Graz (TU Graz), Phòng thí nghiệm Silicon (SAL) của Áo phối hợp với nhà sản xuất chất bán dẫn AMS AG đã phát triển thành công cảm biến hạt nhỏ gọn, tiết kiệm năng lượng. Với kích thước 12x9x3 mm, cảm biến này có thể tích hợp dễ dàng vào điện thoại thông minh, đồng hồ thông minh hoặc thiết bị đeo tay, giúp người dùng theo dõi hàm lượng bụi mịn trong không khí và phát ra âm thanh báo động trong trường hợp giá trị bụi mịn tăng cao đến mức nguy hiểm.
Lợi ích của cảm biến là rất rõ ràng. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, ô nhiễm không khí góp phần gây ra hơn 4 triệu ca tử vong mỗi năm. Trong khi các hạt PM10 (có đường kính 10 micron trở xuống) đã có thể xâm nhập vào phổi của chúng ta, thì các hạt mịn PM2.5 càng trở nên nguy hiểm, vì chúng có thể xuyên qua phổi, đi vào máu, gây ra các bệnh tim mạch, hô hấp nghiêm trọng, cùng nhiều vấn đề sức khỏe khác.
Khi được sản xuất hàng loạt, cảm biến mới này sẽ rẻ hơn đáng kể so với các loại cảm biến hiện có. GS Alexander Bergmann (TU Graz) tin rằng, sự ra đời của cảm biến nhỏ gọn này sẽ là bước đột phá trong giám sát chất lượng không khí: "Giám sát chặt chẽ và toàn diện chất lượng không khí cho đến nay đã thất bại do kích thước, độ phức tạp và chi phí của các cảm biến đo lường hiện có. Cảm biến hạt của chúng tôi sẽ giúp lấp đầy khoảng trống này".
Thu Hương (theo techxplore.com)