Mở đầu
Kinh tế xanh là nền kinh tế mà chính sách phát triển có định hướng thị trường sử dụng nền tảng là các nền kinh tế truyền thống với mục tiêu là sự hòa hợp giữa kinh tế và môi trường sinh thái. Muốn thúc đẩy nền kinh tế xanh thì không có cách nào khác là phải xây dựng một hệ thống tài chính xanh. Hiện nay, vẫn chưa có một khái niệm toàn diện và thống nhất được công nhận chính thức về hệ thống tài chính xanh trong các nghiên cứu trên thế giới và Việt Nam. Theo nhóm nghiên cứu đề tài cấp nhà nước (KX01.27/16-20): “Phát triển hệ thống tài chính xanh nhằm thúc đẩy kinh tế xanh ở Việt Nam”, cấu trúc chung của hệ thống tài chính xanh cũng không khác biệt nhiều so với hệ thống tài chính thông thường. Tuy nhiên, sự khác biệt nằm trong đặc điểm của các thành phần tham gia vào quá trình luân chuyển vốn cũng như mục đích sử dụng nguồn vốn huy động được. Như vậy, hệ thống tài chính xanh có thể được hiểu là: “Hệ thống tài chính cho phép luân chuyển nguồn tài chính tới các hoạt động đầu tư thông qua các trung gian tài chính và thị trường tài chính mà các hoạt động đầu tư đó phải đảm bảo các điều kiện xanh, bảo vệ môi trường và hướng tới phát triển bền vững. Khi đó, các bộ phận cấu thành của hệ thống tài chính xanh sẽ mang đặc điểm xanh, bao gồm: trung gian tài chính xanh, thị trường tài chính xanh, công cụ huy động vốn xanh hay nguồn vốn xanh, và đầu tư xanh”.
Thực trạng hệ thống tài chính xanh tại Việt Nam
Hệ thống pháp luật về tài chính xanh ở Việt Nam đã được quan tâm và xây dựng. Sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 403/QĐ-TTg ngày 20/3/2014 về việc phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014-2020; Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 2183/QĐ-BTC ngày 20/10/2015 về kế hoạch hành động của ngành tài chính thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đến năm 2020. Ngân hàng nhà nước cũng đã ban hành các chính sách phát triển ngân hàng xanh như: Kế hoạch hành động của ngành ngân hàng thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đến năm 2020 (Quyết định số 1552/QĐ-NHNN ngày 6/8/2015), Đề án phát triển ngân hàng xanh tại Việt Nam (Quyết định số 1604/QĐ-NHNN ngày 7/8/2018). Bên cạnh đó, các ngân hàng thương mại bước đầu đã có những chính sách cho tín dụng xanh như có các chương trình tín dụng góp phần sử dụng tài nguyên hiệu quả, tạo sinh kế và nâng cao mức sống của người dân, giải quyết từng bước các vấn đề môi trường và xã hội; ưu tiên phát triển một số ngành, lĩnh vực theo hướng đầu tư theo chiều sâu, sử dụng công nghệ cao… Tuy nhiên, hệ thống pháp luật về tài chính xanh của Việt Nam mới đang ở trong giai đoạn sơ khai, chưa được hoàn thiện, đồng bộ.
Về thị trường tài chính xanh, đã có một số hoạt động, sản phẩm được giới thiệu ra thị trường nhưng chưa thực sự trở thành một xu hướng đầu tư, phát triển. Trước hết, về thể chế thực thi, các chính sách về tài chính xanh tại Việt Nam mới đang ở dạng gợi mở trong các định hướng phát triển. Các quy định cụ thể về triển khai, vận hành thị trường vẫn đang được nghiên cứu, chưa được ban hành. Điển hình như chính sách đối với trái phiếu xanh mới ở dạng thử nghiệm, và chỉ là Trái phiếu Chính phủ, chưa phát triển Trái phiếu doanh nghiệp xanh. Đối với cổ phiếu xanh, chưa có khung chính sách phát triển thị trường cũng như các quy định về các sản phẩm (quy cách, điều kiện phát hành…).
Về việc phát triển các trung gian tài chính xanh, việc phát triển ngân hàng xanh đã có những bước tiến đáng kể như việc xây dựng khung chiến lược phát triển ngân hàng xanh. Các ngân hàng thương mại Việt Nam đạt được những tiến bộ khá tích cực trong việc phát triển hệ thống ngân hàng xanh thông qua hoàn thiện hệ thống quản trị, cải thiện chính sách cổ đông, công bố thông tin cũng như kiểm soát rủi ro. Các ngân hàng thương mại cũng đã chú trọng xây dựng hệ thống quản lý rủi ro môi trường và xã hội. Kết quả đến nay đã có 3 ngân hàng thương mại áp dụng được Hệ thống quản lý trách nhiệm với môi trường và xã hội (ESMS), 17 ngân hàng thương mại đã xây dựng quy trình thẩm định rủi ro môi trường và xã hội trong các quy định nội bộ và đa phần đã thực hiện đánh giá rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng. Tuy nhiên, đa phần các ngân hàng thương mại chưa có bộ phận riêng, chuyên trách về phát triển ngân hàng - tín dụng xanh.
Trong việc triển khai tín dụng xanh, thách thức hiện hữu nhất là rào cản về lượng vốn lớn, thời gian đầu tư lâu dài, trong khi hiệu quả tài chính chưa cao. Thời gian cho vay dự án điện mặt trời - điện gió hiện tại vào khoảng 11-15 năm, thời gian dài sẽ kéo theo lãi suất yêu cầu lớn. Bên cạnh đó, các vấn đề về kỹ thuật, kinh nghiệm trong thẩm định dự án xanh cũng là hạn chế lớn đối với các ngân hàng thương mại tại Việt Nam. Chính do công nghệ và dự án mới nên kinh nghiệm của chủ đầu tư và ngân hàng chưa nhiều, có thể tiềm ẩn rủi ro cao.
Đối với đầu tư xanh, các dự án cho đầu tư xanh có thời gian thực hiện tương đối dài và quy mô vốn đầu tư lớn, thu hồi vốn kéo dài nên việc cân nhắc lựa chọn có đầu tư hay không cũng là áp lực lớn cho doanh nghiệp khi đưa ra quyết định. Theo kết quả khảo sát nhận thức đầu tư xanh và phát triển bền vững của doanh nghiệp Việt Nam cho thấy, những nhân tố tác động tới đầu tư xanh của doanh nghiệp bao gồm: cơ sở hạ tầng cho đầu tư xanh; khó khăn khi tiếp cận nguồn vốn tài trợ cho hoạt động đầu tư xanh; ưu đãi tiếp cận vốn cho đầu tư xanh; hiểu biết đầu tư xanh; hỗ trợ từ Chính phủ, ngân hàng về tiếp cận vốn cho đầu tư xanh; nguồn vốn có thể tiếp cận cho đầu tư xanh; những ưu đãi đặc thù của đầu tư xanh. Phần lớn các doanh nghiệp khảo sát chưa thực sự biết tới quỹ đầu tư xanh, vốn xanh như phát hành trái phiếu xanh, tín dụng xanh và các công cụ huy động nợ xanh khác.
Bên cạnh đó, ý thức trách nhiệm của người dân, doanh nghiệp, tổ chức về bảo vệ môi trường nói chung và về hệ thống tài chính xanh nói riêng còn khá hạn chế. Người dân, doanh nghiệp và các tổ chức được vận động để tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường, nhưng về cơ bản ý thức trong các hoạt động hàng ngày chưa được hình thành một cách rõ nét. Các khái niệm về tăng trưởng xanh, tài chính xanh chưa được phổ cập rộng rãi cho mọi đối tượng trong xã hội.
Khuyến nghị phát triển hệ thống tài chính xanh tại Việt Nam
Để phát triển hệ thống tài chính xanh tại Việt Nam, theo chúng tôi cần phải có lộ trình phát triển cũng như sự chung tay góp sức của tất cả các bên có liên quan.
Lộ trình phát triển
- Đến năm 2025, thành lập thí điểm mô hình ngân hàng xanh, quỹ đầu tư xanh, doanh nghiệp đầu tư xanh.
- Đến năm 2040, áp dụng toàn diện hệ thống chỉ số đánh giá mức độ xanh hóa của hệ thống GFI, trong đó chia làm hai giai đoạn: giai đoạn 1 áp dụng riêng lẻ từng bộ chỉ số thành phần bao gồm bộ chỉ số đánh giá mức độ phát triển của ngân hàng xanh - green banking sub-index (GBI), bộ chỉ số đầu tư xanh - green investment sub-index (GII), bộ chỉ số chứng khoán xanh - green stock sub - index (GSI), bộ chỉ số phát triển bền vững doanh nghiệp - sustainability sub - index (SSI); giai đoạn 2 áp dụng bộ chỉ số tổng hợp tài chính xanh (GFI).
- Trên cơ sở đó, để đến năm 2050, vận hành toàn diện hệ thống tài chính xanh với 4 trụ cột chính: trung gian tài chính xanh, các công cụ huy động vốn xanh, các doanh nghiệp đầu tư xanh và thị trường tài chính xanh.
Sự góp sức của các bên liên quan
Về phía Nhà nước: cần đóng vai trò dẫn dắt thực hiện xanh hóa hệ thống tài chính. Phát triển hệ thống tài chính xanh là một quá trình lâu dài có thể chưa mang lại lợi ích trong ngắn hạn, vì vậy cần kết hợp với chiến lược phát triển xanh cũng như chiến lược phát triển chung của Chính phủ. Cụ thể, ưu tiên đầu tư và chi tiêu của Chính phủ trong những lĩnh vực kích thích xanh hóa các thành phần kinh tế, thu hút đầu tư của khu vực tư nhân vào kinh tế xanh; xây dựng, công bố lộ trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh ở Việt Nam từ nay đến năm 2050, trong đó phải xác định được những ngành, lĩnh vực được ưu tiên phát triển theo hướng kinh tế xanh.
Đối với các bộ, ban, ngành có liên quan: Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần xây dựng danh mục và tiêu chí đánh giá ngành nghề sản xuất kinh doanh “xanh"; Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cần xây dựng trình Chính phủ Nghị định về chính sách hỗ trợ triển khai phát hành trái phiếu xanh cũng như các quy định về kiểm soát công bố thông tin, sử dụng vốn và giám sát dự án. Đối với các lĩnh vực được phát hành trái phiếu xanh cần xác định lĩnh vực cụ thể, danh mục các dự án ưu tiên và xây dựng tiêu chí lựa chọn dự án xanh cụ thể, rõ ràng. Ngoài ra còn một số vấn đề khác cần được quan tâm như xây dựng bộ chỉ số xanh, các chứng chỉ đầu tư xanh do các Quỹ đầu tư phát hành cho các dự án, chương trình và lĩnh vực xanh…
Đối với ngân hàng: cần đóng vai trò chủ động trong việc xây dựng và phát triển ngân hàng xanh tại Việt Nam. Các ngân hàng nên ý thức rằng, việc phát triển ngân hàng xanh là một xu thế tất yếu trong giai đoạn hiện nay và tương lai. Hiện tại ở Việt Nam chưa có một ngân hàng nào thực sự được coi là ngân hàng xanh, mà mới chỉ dừng lại ở việc cung cấp các dịch vụ xanh của ngân hàng hay các hoạt động cho vay gắn với các cam kết về môi trường.
Đối với các tổ chức tín dụng: cần quan tâm hơn đến xây dựng chiến lược quản trị rủi ro về môi trường cũng như các rủi ro về nguồn lực thiên nhiên khác (đất đai, nguồn nước…) trong quá trình hoạt động kinh doanh. Bên cạnh đó, việc thúc đẩy vai trò của các tổ chức tài chính vi mô có ý nghĩa quan trọng trong phát triển hệ thống tài chính xanh. Các tổ chức tài chính vi mô cần xây dựng chiến lược huy động vốn xã hội từ các nhà tài trợ, nguồn hỗ trợ, tài trợ trong nước và quốc tế. Kinh nghiệm tại Bangladesh cho thấy, với cách tiếp cận phù hợp, với sự tài trợ của Ngân hàng thế giới, tín dụng vi mô xanh cho năng lượng tái tạo thành công hơn so với cách tiếp cận của nhà nước. Một lý do nữa là, khách hàng của tài chính vi mô là người nghèo nên nếu không có sự hỗ trợ của các tổ chức xã hội, những sản phẩm năng lượng tái tạo có giá thành cao như hệ thống năng lượng mặt trời sẽ khó tiếp cận được. Các tổ chức tài chính vi mô nên tiếp cận và tăng cường cho vay các doanh nghiệp siêu nhỏ, bên cạnh đối tượng truyền thống là cá nhân và hộ gia đình nghèo. Kinh nghiệm ở Mỹ La tinh và Caribean cho thấy, đối tượng khách hàng này phù hợp với nhóm tín dụng xanh với mục tiêu bền vững về môi trường và các sáng kiến phát triển xanh. Để mô hình tài chính vi mô xanh thành công, cần có sự kết nối trực tiếp giữa các tổ chức cung cấp tài chính vi mô với đơn vị cung cấp sản phẩm/dịch vụ xanh và các tổ chức địa phương. Khác với cách cấp tín dụng truyền thống, các tổ chức cung cấp tín dụng vi mô muốn thành công cần nghiên cứu mô hình hợp tác “liên minh” để tăng khả năng tiếp cận với khách hàng và giảm thiểu rủi ro cho các tổ chức tài chính vi mô.
Đối với nhà đầu tư, doanh nghiệp: cần đầu tư đổi mới công nghệ theo hướng công nghệ xanh, hướng tới công bố các báo cáo trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Các nhà quản trị doanh nghiệp cần tự nâng cao nhận thức về các vấn đề xã hội, môi trường, ý thức được vị trí, tầm quan trọng của việc cung cấp các sản phẩm sạch, thân thiện với môi trường, có lợi cho sức khỏe của người tiêu dùng. Các nhà đầu tư xanh đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng một mạng lưới các nhà đầu tư xanh để khuyến khích những nhà đầu tư tiềm năng đầu tư vào các lĩnh vực xanh. Các cá nhân tham gia thị trường cũng nên đa dạng hóa đầu tư và tăng kỳ vọng phát triển bền vững trong tương lai, phân tán rủi ro. Tận dụng các khoản tiền nhàn rỗi để đầu tư vào các dự án xanh, mang lại nhiều giá trị cho xã hội.
Về phía người tiêu dùng, các cá nhân, hộ gia đình: cần có ý thức về trách nhiệm bảo vệ môi trường, về việc làm xanh và phát triển kỹ năng xanh. Người tiêu dùng xanh có vai trò quan trọng đối với sự cân bằng cung - cầu trên thị trường, kích thích nền kinh tế xanh. Nếu như ngày càng nhiều người nâng cao nhận thức, chuyển sang sử dụng các sản phẩm xanh để bảo vệ môi trường thì sẽ có càng nhiều các doanh nghiệp, tổ chức tham gia vào các lĩnh vực xanh, từ đó thúc đẩy phát triển hệ thống tài chính xanh tại Việt Nam.
Bài viết này là một phần kết quả của đề tài khoa học cấp nhà nước: “Phát triển hệ thống tài chính xanh nhằm thúc đẩy kinh tế xanh ở Việt Nam” (mã số KX01.27/16-20). Các tác giả xin trân trọng cảm ơn Bộ Khoa học và Công nghệ đã tài trợ.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Kỷ yếu Hội thảo quốc gia (2020), Cơ hội và thách thức phát triển hệ thống tài chính xanh ở Việt Nam, Trường Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) và Trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng) đồng tổ chức.
[2] Trần Thị Thanh Tú (2020), Phát triển hệ thống tài chính xanh nhằm thúc đẩy kinh tế xanh ở Việt Nam, Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật.
[3] United Nations Development Programme - UNDP (2016), Green Bonds, http://www.undp.org/content/sdfinance/en/home/solutions/green-bonds.html.