Cánh cửa cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu
Báo cáo chỉ số thương mại điện tử Việt Nam cho thấy, để chủ động tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã triển khai thương mại điện tử nhằm hỗ trợ xuất nhập khẩu theo cả mô hình doanh nghiệp tới doanh nghiệp (B2B) cũng như doanh nghiệp tới người tiêu dùng (B2C). Xét trên phạm vi toàn cầu, thương mại điện tử xuyên biên giới tăng trưởng rất nhanh và trở thành xu thế nổi bật của thương mại điện tử trong những năm gần đây.
Tại Diễn đàn Chuyển đổi số trong lĩnh vực xuất nhập khẩu hàng hóa do Bộ Công Thương phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam tổ chức mới đây tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng cho biết, EVFTA có hiệu lực sẽ mở ra cánh cửa mới và tạo động lực cho sự phát triển kinh tế nói chung và các doanh nghiệp xuất nhập khẩu nói riêng. Cùng với các cơ hội từ EVFTA, xu hướng chuyển đổi từ kinh doanh truyền thống sang các nền tảng số đang ngày càng trở nên phổ biến và được coi là giải pháp hữu hiệu giúp các doanh nghiệp thâm nhập và mở rộng thị trường xuất khẩu trong bối cảnh Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới. Thống kê cho thấy, 6 tháng đầu năm 2020, kim ngạch xuất khẩu đạt 122,8 tỷ USD (tăng 0,2% so với cùng kỳ năm trước); kim ngạch nhập khẩu đạt 117,3 tỷ USD (giảm 2,9% so với cùng kỳ năm trước). Nhiều mặt hàng xuất khẩu quan trọng đã ghi nhận sụt giảm so với cùng kỳ như: hàng dệt may (giảm 12,7%), giầy - dép (giảm 6,9%)... Đây chính là thời điểm để doanh nghiệp nhận ra tính ưu việt của kinh tế số và yêu cầu cấp bách hơn nữa của quá trình chuyển đổi số. Trong giai đoạn phục hồi sau đại dịch COVID-19, chuyển đổi số sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ tìm kiếm một mô hình hoạt động kinh doanh linh hoạt hơn, vừa tiết giảm chi phí, vừa tối ưu nguồn lực để vượt qua khó khăn.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng chia sẻ tại Diễn đàn Chuyển đổi số trong lĩnh vực xuất nhập khẩu hàng hóa.
Thứ trưởng Cao Quốc Hưng cũng khẳng định, trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương đã áp dụng thành tựu của khoa học và công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin từ rất sớm để cải cách thủ tục hành chính nhằm thúc đẩy xuất khẩu. Quá trình chuyển đổi số hay điện tử hoá trong lĩnh vực xuất nhập khẩu đã góp phần làm giảm khối lượng công việc và hồ sơ giấy phải lưu tại cơ quan, tổ chức xử lý thủ tục hành chính. Nhờ vậy, góp phần tăng chất lượng dịch vụ công và thời gian để giải quyết các hồ sơ của các thủ tục hành chính. Lợi ích to lớn của chuyển đổi số trong lĩnh vực xuất nhập khẩu là tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu tham gia vào hoạt động thương mại quốc tế, tiết kiệm thời gian, chi phí và công sức, từ đó thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam.
Cần sự chung sức của nhà nước và doanh nghiệp
Chuyển đổi số không chỉ dừng lại ở các doanh nghiệp xuất nhập khẩu mà phải diễn ra đồng thời ở nhiều cơ quan, tổ chức cung cấp các dịch vụ liên quan. Giải pháp giúp các doanh nghiệp liên quan tới xuất nhập khẩu chuyển đổi số như thế nào? Các nền tảng công nghệ hàng đầu thế giới quan tâm ra sao tới lĩnh vực này? Những đơn vị trong nước đã triển khai những giải pháp nào hỗ trợ doanh nghiệp dễ dàng hơn trong thương mại điện tử qua biên giới? Một số chính sách và quy định về quản lý hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu được giao dịch qua thương mại điện tử… Do chính là những chia sẻ của các đại biểu tại Diễn đàn.
Theo đó, để các doanh nghiệp xuất nhập khẩu tận dụng cơ hội từ EVFTA, Bộ Công Thương đã và đang triển khai nhiều biện pháp để hỗ trợ hoạt động xuất nhập khẩu, đặc biệt thông qua việc ứng dụng thương mại điện tử trong giai đoạn hoạt động trao đổi thương mại gặp nhiều khó khăn; ban hành các văn bản pháp luật cần thiết; tăng cường công tác đối thoại, trao đổi với cộng đồng doanh nghiệp nhằm tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh nói chung cũng như hoạt động xuất nhập khẩu nói riêng. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương đã khai trương nền tảng hỗ trợ xuất khẩu Việt Nam ECVN tại địa chỉ: www.ecvn.com nhằm giúp các doanh nghiệp dễ dàng tìm kiếm cơ hội giao thương trên môi trường trực tuyến. Đặc biệt, Nhà nước và doanh nghiệp cần chú trọng quảng bá, nâng cao thương hiệu, phát triển các chỉ dẫn địa lý đối với các sản phẩm mang thương hiệu Việt có kim ngạch xuất khẩu lớn cũng như lợi thế của Việt Nam sang EU, bao gồm: dệt - may, giày - dép, thủy sản, cà phê, gạo, đường, gỗ - sản phẩm từ gỗ, các sản phẩm rau quả tươi và chế biến, điện thoại, máy móc, máy vi tính…
Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng, kinh tế số là một xu thế bắt buộc trong dòng chảy kinh tế toàn cầu, trong kỷ nguyên số. Điều này tạo ra cơ hội nhưng cũng là thách thức đối với tất cả các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa. Do vậy, mặc dù là lĩnh vực công nghệ, nhưng chuyển đổi số thành công hay thất bại lại không chủ yếu phụ thuộc vào công nghệ mà phụ thuộc chủ yếu vào quyết tâm của cả hệ thống chính trị. Để hỗ trợ các doanh nghiệp tận dụng cơ hội từ EVFTA, ông Lộc cho rằng, Chính phủ cần tạo ra một hệ thống thể chế hiện đại, với các quy định pháp luật minh bạch, có thể tạo được hệ sinh thái cho thương mại điện tử, cho nền kinh tế số. Về phần doanh nghiệp, trách nghiệm của doanh nghiệp là phải đổi mới mô hình kinh doanh, hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững.
Phong Vũ