Thứ ba, 28/07/2020 10:44

Ứng dụng công nghệ cao vào nuôi tôm thẻ chân trắng ở Đồng bằng sông Cửu Long: Còn nhiều nan giải

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vựa tôm lớn nhất nước cả về nuôi, chế biến và xuất khẩu với hơn 600 ha. Những năm gần đây, trước nhu cầu về tôm nguyên liệu cho chế biến phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu ngày càng tăng, bên cạnh mô hình nuôi tôm truyền thống, tại ĐBSCL đã và đang xuất hiện ngày càng nhiều mô hình nuôi tôm, trong đó có mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng theo hình thức thâm canh, siêu thâm canh bước đầu đem lại hiệu quả cao. Tuy nhiên, việc ứng dụng khoa học và công nghệ (KH&CN), đặc biệt là công nghệ cao, nhằm góp phần tạo chuyển biến mạnh mẽ cho nghề nuôi tôm đang còn nhiều nan giải.

Bất cập từ vùng nuôi tôm

Đối tượng tôm thẻ chân trắng đã được cho phép phát triển nuôi ở các tỉnh ĐBSCL từ các đây hơn 10 năm với hình thức nuôi thâm canh và bán thâm canh, nhằm đa dạng đối tượng nuôi và xuất khẩu thủy sản. Tuy là đối tượng có nguồn gốc ngoại lai, nhưng tôm thẻ chân trắng lại có nhiều đặc điểm sinh học khá ưu việt, phù hợp với điều kiện đất đai, thổ nhưỡng và nguồn nước ở Việt Nam nói chung, ĐBSCL nói riêng.

Theo báo cáo từ các địa phương, diện tích thả nuôi tôm nước lợ toàn vùng ĐBSCL tính đến thời điểm hiện tại ước đạt hơn 480.000 ha, chiếm gần 85% so với cùng kỳ năm ngoái và đạt hơn 71% so với kế hoạch, trong đó, tôm sú hơn 457.000 ha, tôm thẻ chân trắng là hơn 22.000 ha. Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của thời tiết và xâm nhập mặn, nhiều vùng nuôi tôm thẻ chân trắng đã xuất dịch bệnh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng và giá trị của con tôm. Đặc biệt, việc ứng dụng KH&CN vào lĩnh vực quan trắc và kiểm soát môi trường nước trong nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng ĐBSCL đang bộc bộ nhiều bất cập.

Khảo sát hiện trạng ứng dụng KH&CN, trong đó có lĩnh vực IoT phục vụ nuôi tôm thẻ chân trắng ở Bạc Liêu và Cà Mau, nhóm nghiên cứu của Viện KH&CN Việt Nam - Hàn Quốc (VKIST) cho biết, có trên 54,2% các hộ nuôi chưa từng biết đến công nghệ này và gần như (99,5%) hộ nuôi chưa từng áp dụng IoT vào nuôi tôm, trong khi mức độ sẵn sàng là 67,1%... Các trang thiết bị phục vụ nuôi tôm của bà con chủ yếu vẫn là các thiết bị có sẵn trên thị trường như máy guồng nước, máy xục khí, thiết bị kiểm tra độ mặn, độ pH, máy cho ăn tự động… Hầu hết các sản phẩm công nghệ IoT trong nuôi tôm hiện nay đều là các sản phẩm quan trắc môi trường nước, vẫn còn mang nặng tính trình diễn, chưa sát thực với nhu cầu của người sử dụng. Bên cạnh đó, là giá vật tư và tôm nguyên liệu nhập khẩu tăng, dịch COVID-19 đã ảnh hưởng đến đời sống và hoạt động thương mại, dẫn đến sự sụt giảm về nhu cầu trong những tháng đầu năm. Hiện tại, ngành tôm nước lợ đang phải đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt là việc ứng phó với xâm nhập mặn, công tác quan trắc cảnh báo môi trường, phòng chống dịch bệnh.

Đẩy mạnh ứng dụng IoT vào sản xuất

Để hỗ trợ các vùng nuôi tôm thẻ chân trắng ứng dụng công nghệ vào sản xuất, ngày 23/7/2020, Viện KH&CN Việt Nam - Hàn Quốc (VKIST) đã tổ chức hội thảo giới thiệu kết quả đề tài: “Thực trạng ứng dụng công nghệ cao trong quan trắc và kiểm soạt môi trường nước trong nuôi tôm thẻ chân trắng theo hình thức siêu thâm canh, thâm canh và bán thâm canh tại các vùng nuôi tập trung ở ĐBSCL” nhằm tìm hiểu nhu cầu thực tiễn và khả năng tiếp cận để chuyển giao công nghệ đến các hộ nuôi.

Trong thực tế, hoạt động quan trắc thông thường hiện tại chưa đáp ứng được yêu cầu cấp bách quản lý môi trường nuôi tôm thẻ chân trắng, vì vậy việc nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông tin bằng thiết bị cảm biến không dây nhằm giám sát môi trường ao nuôi tôm thực tại là một công việc hết sức có ý nghĩa đối với người nuôi tôm thương phẩm công nghiệp. Nhìn chung, các sản phẩm trên thị trường giá thành vẫn còn rất cao do chưa làm chủ hoàn toàn công nghệ; các hệ thống còn mang tính thử nghiệm. Bên cạnh đó, các thiết bị quan trắc môi trường nước do các nhà khoa học trong nước nghiên cứu, chế tạo lại tương đối đắt tiền, không linh hoạt do thiết bị cồng kềnh khó khăn trong việc di chuyển cũng như xử lý; chưa tự động hóa việc lấy dữ liệu còn cần sự can thiệp từ phía con người nên kinh phí tốn kém; dữ liệu không được cập nhật một cách liên tục.

Theo đánh giá của các chuyên gia, ngành tôm của nước ta chưa phát huy hết tiềm lực và thế mạnh, đồng thời chưa tạo được lợi thế cạnh tranh so các quốc gia trên thế giới như: Ấn Độ, Thái Lan, Ecuador, Indonesia… Thực tế cho thấy, việc nuôi tôm công nghiệp cho năng suất, lợi nhuận cao nhưng luôn đi kèm rủi ro cao, đầu tư lớn và chỉ cần thất bại một vụ là có thể kéo theo hệ lụy rất lớn. Do đó, để phát triển nghề nuôi tôm thẻ chân trắng, việc đầu tư ứng dụng KH&CN, đặc biệt là công nghệ cao là nhu cầu bức thiết nhằm kiểm soát chặt chẽ môi trường sẽ góp phần quan trọng hỗ trợ cho công tác quản lý, chăm sóc ao nuôi. TS Nguyễn Duy Tài - Viện VKIST cho biết, mặc dù đã có nhiều giải pháp ứng dụng IoT hoàn chỉnh được thiết kế, chế tạo và chuyển giao vào sản xuất nhưng đa số các hộ gia đình nuôi đều chưa mặn mà với các thiết bị này do giá thành cao và sớm phải chỉnh sửa, thay mới. Do đó, việc liên kết, hợp tác giữa doanh nghiệp với các nhà khoa học nhằm tìm ra giải pháp thiết thực hơn trong quá trình nuôi tôm là rất cần thiết. TS Tài nêu ví dụ, ở các vùng nuôi, thiết bị mà người dân cần không chỉ là các sản phẩm quan trắc môi trường nước thông thường, cái họ cần chính là các thiết bị tự động để kiểm soát và xử lý các thông số môi trường nước cơ bản.

Đồng quan điểm với TS Nguyễn Duy Tài, nhiều chuyên gia cho rằng, bên cạnh việc đầu tư các trang thiết bị hiện đại thì việc quản lý chặt chẽ vật tư đầu vào, kiểm tra, đánh giá, công nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất, ươm dưỡng giống thủy sản, đồng thời xử lý tận gốc các cơ sở vi phạm chất lượng giống thủy sản, thức ăn; áp dụng công nghệ nuôi tiên tiến, mô hình sản xuất hiệu quả, bền vững… chính là giải pháp phát triển bền vững cho ngành nuôi tôm thẻ chân trắng trong bối cảnh hiện nay.

Phong Vũ
 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)