Thứ tư, 20/05/2020 09:00

Bạn có đang bị khô mắt?

Trần Thụy Hương Quỳnh

Đại học Y khoa Kansai, Nhật Bản

Bệnh khô mắt là tình trạng giảm tiết nước mắt hoặc nước mắt bay hơi quá nhanh khiến mắt trở nên kích ứng, đỏ, chảy dịch và mỏi, thậm chí còn có thể dẫn đến tình trạng nhìn mờ. Triệu chứng có các thể từ nặng đến nhẹ và có thể gây sẹo giác mạc nếu không được điều trị đúng cách [1]. Khô mắt là một bệnh thường gặp, khoảng 34% dân số mắc bệnh này với nhiều mức độ [2], tăng dần theo tuổi và thường gặp ở nữ [1, 2]. Với những người cao tuổi, khô mắt có thể gặp đến 70% [3].

Nước mắt làm việc như thế nào?

Mắt gồm có nhãn cầu, thần kinh mắt và những bộ phận phụ thuộc như mí mắt, lông mi, các cơ mắt, các cân mạc, tuyến lệ và các màng tiếp hợp... Ở tuyến lệ có bộ phận thoát nước (lệ quản), và nước ở trên bề mặt mắt giữ cho giác mạc và kết mạc luôn ướt. Nước mắt trào ra để rửa sạch bụi bẩn, sát trùng cho mắt. Với kích thước nhỏ so với toàn bộ mắt nhưng cấu trúc tuyến lệ rất tinh vi và được ví như vị “dũng sĩ” bảo vệ cho mắt (hình 1). 

Hình 1. Cấu tạo của mắt.

Hình 2 mô tả cấu tạo hệ thống tuyến lệ ở mắt (bên trái), bộ phận sinh ra và chứa nước mắt. Không chỉ khi khóc (hay ngáp) nước mắt mới xuất hiện mà trên thực tế, nước mắt luôn tồn tại dù với lượng nhỏ, và khi chớp mắt, một lớp nước mắt sẽ dàn trên toàn bộ bề mặt mắt. Nước mắt giúp cho bề mặt mắt trở nên sạch và mướt hơn, đóng vai trò rất quan trọng để đôi mắt có được thị lực tốt.

Hình 2. Cấu tạo tuyến lệ ở mắt (bên trái) [4].

Lớp nước mắt gồm ba phân lớp (hình 3) với ba chức năng khác nhau: i) Lớp dầu có nguồn gốc từ tuyến nhờn bờ mi (còn gọi là tuyến Meibomian) nằm ngoài cùng giúp cho bề mặt nước mắt mướt và giữ cho nước mắt không bị khô đi nhanh chóng; ii) Lớp nước là lớp giữa của nước mắt, là thành phần cấu tạo chủ yếu của nước mắt, giúp làm sạch, quét những hạt bụi nhỏ li ti ra khỏi mắt. Lớp nước có nguồn gốc từ tuyến lệ tại mi mắt; iii) Lớp nhầy có nguồn gốc từ kết mạc, nằm trong cùng, giúp trải lớp nước rộng trên toàn bộ bề mặt mắt, giữ ẩm cho mắt. Nếu không có lớp nhầy, nước mắt sẽ không thể bám lại trên bề mặt mắt. Kết mạc là lớp bao bọc bên ngoài củng mạc (phần tròng trắng mắt) và bên trong của mí mắt. Thông thường, đôi mắt sẽ tạo nước mắt liên tục để giữ cho mắt luôn ẩm. Khi mắt bị kích ứng bởi bụi, chất hóa học, phấn hoa, hoặc khi ta khóc, mắt sẽ tạo ra một lượng lớn nước mắt. Tuy nhiên, khi đôi mắt không tự sản xuất đủ lượng nước cần thiết hoặc khi một trong ba lớp này bị tác động từ các tác nhân bên ngoài sẽ sinh ra khô mắt [5]. 

Hình 3. Cấu tạo ba lớp của nước mắt [6].

Nguyên nhân khô mắt và triệu chứng

Khi xuất hiện một tình trạng bất thường nào đó trong hệ thống 3 lớp của nước mắt sẽ đều dẫn tới khô mắt. Ví dụ như lớp dầu được sản xuất từ tuyến nhờn bờ mi nếu bị nghẽn do viêm, mụn, mẩn đỏ làm giảm lớp dầu trong thành phần nước mắt, sẽ khiến nước mắt dễ bay hơi và làm khô mắt. Khô mắt thường do giảm tiết nước mắt từ tuyến lệ và tăng bay hơi nước mắt quá mức. Việc giảm tiết nước mắt từ tuyến lệ thường xảy ra ở người già, và cũng là nguyên nhân phổ biến được tìm thấy ở phụ nữ sau mãn kinh [7]. Khô mắt là phổ biến trong hội chứng Sjögren (một rối loạn của hệ thống miễn dịch được xác định bởi hai triệu chứng thường thấy là khô mắt và khô miệng). Các nguyên nhân tiếp theo là: tăng bay hơi nước mắt [4, 7] (tiếp xúc môi trường gió, khói, không khí khô, thiếu ô xy trong thời gian dài); giảm chớp mắt khi đang tập trung vào một vấn đề khác như đọc sách, lái xe hoặc làm việc trên máy tính; mắc các tật về mí mắt như mí mắt lật ra ngoài hay mí mắt lật vào trong, hoặc tốc độ chớp mắt không đủ (như có thể xảy ra trong bệnh Parkinson); ảnh hưởng do sử dụng kính áp tròng sai cách… Ngoài ra, khô mắt còn do thiếu cân bằng các thành phần trong nước mắt [7].

Một số triệu chứng điển hình của khô mắt: cảm giác khô, nóng và kích ứng như bị bụi mắt xâm nhập với mức độ ngày càng gia tăng. Ngoài ra, có thể bổ sung thêm hiện tượng ngứa, rát, như bị châm chích, mỏi, đỏ mắt, đau, căng và xuất hiện một áp lực từ phía sau mắt [1, 4, 8, 9]. Khô mắt thường ảnh hưởng tới cả hai bên và có thể ảnh hưởng đến thị lực về sau nếu không được kịp thời chữa trị. Đôi khi khô mắt có thể khiến mắt chảy dịch (nước mắt) nhiều hơn. Triệu chứng này xuất hiện là do hiện tượng kích ứng mắt, tương tự như hiện tượng chảy nước mắt mỗi khi bụi bay vào mắt. Mặc dù nước mắt gia tăng nhưng triệu chứng này sẽ không giúp mắt của bạn trở nên tốt hơn bởi nước mắt ở đây được sản xuất dựa trên phản ứng của mắt với tổn thương, kích thích hoặc cảm xúc và vì thế không thể cung cấp đủ lượng chất bôi trơn cần thiết để phòng ngừa khô mắt [9]. Việc chớp mắt giúp mắt được làm ẩm với nước mắt, do đó khi vô thức giảm chớp mắt do bất cứ nguyên nhân nào như: đọc sách, sử dụng máy tính, lái xe hoặc xem phim trong thời gian dài… có thể khiến triệu chứng khô mắt trở nên trầm trọng hơn. Ngoài ra, triệu chứng khô mắt sẽ tăng nặng tại khu vực có nhiều gió, bụi/khói, trong môi trường khô và độ ẩm cao như trên máy bay, trong các ngày ẩm thấp, sử dụng điều hòa nhiệt độ (đặc biệt là trong xe hơi), quạt, máy sưởi, hoặc máy sấy tóc… trong thời gian dài [8, 9]. Triệu chứng khô mắt sẽ giảm rõ rệt trong môi trường/thời điểm có điều kiện ngược lại.

Chẩn đoán khô mắt và phương pháp chữa trị

Khô mắt có thể được chẩn đoán qua thăm khám bệnh và các xét nghiệm nâng cao nhằm đánh giá số lượng/chất lượng nước mắt được sản xuất và thông qua các triệu chứng cũng như các yếu tố liên quan (bệnh nền, các loại thuốc đang sử dụng, môi trường sống và làm việc). Xét nghiệm chức năng bên ngoài của mắt, gồm kiểm tra cấu trúc mí mắt và khả năng chớp mắt. Đánh giá mi mắt và giác mạc qua ánh sáng và độ phóng đại. Đánh giá số lượng và chất lượng nước mắt nếu phát hiện các bất thường trong quá trình thăm khám bệnh bằng cách nhỏ một loại dung dịch đặc hiệu để quan sát rõ dòng nước mắt và các bất thường bên ngoài do thiếu nước mắt. Dựa trên chỉ số cụ thể, bác sĩ sẽ quyết định hướng điều trị [8].

Khô mắt có thể trở thành mạn tính, nhưng điều trị đúng cách sẽ giúp cho đôi mắt khỏe mạnh, thoải mái hơn và phòng ngừa các tổn thương không đáng có. Một số phương pháp điều trị khô mắt như: dùng nước mắt nhân tạo cho các trường hợp nhẹ (nên sử dụng loại nước mắt nhân tạo không chứa chất bảo quản để giảm hiện tượng nghiện hoặc dị ứng mắt). Trong trường hợp không đáp ứng với nước mắt nhân tạo, sẽ chọn thay bằng các phương pháp: giữ nước mắt lưu lại lâu hơn bằng cách làm nghẽn ống lệ với hạt silicon siêu nhỏ hoặc nút gel; phẫu thuật đóng ống lệ tạm thời…; bổ sung axit béo Omega-3; điều trị các bệnh về mí mắt và viêm bề mặt nhãn cầu bằng các thuốc nhỏ mắt, thuốc mỡ, giữ ấm và mát-xa mắt, hoặc sử dụng thuốc nhỏ làm sạch để giảm viêm trên bề mặt mắt [9]. Tuy nhiên, tăng sản xuất nước mắt bằng các loại thuốc đặc hiệu cần có chỉ định của bác sĩ.

Khô mắt là hoàn toàn có thể phòng ngừa. Để tránh khô mắt hay làm giảm triệu chứng khô mắt, cần lưu ý: i) Chớp mắt thường xuyên khi làm việc với màn hình máy tính hoặc đọc sách trong thời gian dài; ii) Tăng độ ẩm không khí tại nhà và nơi làm việc; iii) Sử dụng kính râm khi ra đường nhằm tránh gió và ánh sáng mặt trời; iv) Bổ sung các axit béo cần thiết theo chỉ định của bác sĩ; v) Bổ sung nước bằng cách uống đủ 2 l/ngày. Khi mắc một số bệnh có thể sinh ra khô mắt thì cần kịp thời chữa trị.

Ngoài việc giúp chúng ta biểu đạt cảm xúc, nước mắt còn có một nhiệm vụ rất quan trọng, đó là giúp cho mắt tránh khỏi sự xâm nhập của vi khuẩn và vật lạ, có tác dụng diệt khuẩn và khử độc. Người ta ví rằng, đôi mắt là “cửa sổ tâm hồn” và khô mắt là một căn bệnh thường gặp, gây bất lợi cho công việc cũng như sinh hoạt hàng ngày. Tuy nhiên, cùng với việc phòng ngừa và tăng cường hiểu biết về đặc điểm cấu tạo của mắt, cơ chế hoạt động của nước mắt, nguyên nhân khô mắt… sẽ duy trì một đôi mắt khỏe [9].

Tài liệu tham khảo

[1] National Eye Institute (2013), Dry eyes,  https://www.nei.nih.gov/learn-about-eye-health/eye-conditions-and-diseases/dry-eye.

[2] P.Y. Lin, S.Y. Tsai, C.Y. Cheng, J.H. Liu, P. Chou & W.M. Hsu (2003), “Prevalence of dry eye among an elderly Chinese population in Taiwan: the Shihpai Eye Study”, Ophthalmology, 110(6), pp.1096-1101.

[3] D.A. Schaumberg, J.J. Nichols, E.B. Papas, L. Tong, M. Uchino, K.K. Nichols,  The international workshop on meibomian gland dysfunction: report of the subcommittee on the epidemiology of, and associated risk factors for, Ophthalmol Vis Sci., 52(4), pp.1994-2005.

[4] https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/dry-eyes/symptoms-causes/syc-20371863.

[5] https://www.aao.org/eye-health/diseases/what-is-dry-eye.

[6] https://www.opticianonline.net/cet-archive/5865.

[7] https://www.merckmanuals.com/home/eye-disorders/corneal-disorders/keratoconjunctivitis-sicca. 

[8] http://www.aoa.org/patients-and-public/eye-and-vision-problems/glossary-of-eye-and-vision-conditions/dry-eye?sso=y.

[9] https://web.archive.org/web/20080223190429/https:/www.fda.gov/fdac/features/2005/305_eye.html.

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)