Thứ hai, 18/05/2020 14:56

Tổng cục Thống kê công bố “Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam năm 2020”

Để đáp ứng yêu cầu của các nhà quản lý, nghiên cứu sử dụng thông tin phục vụ mục tiêu phát triển doanh nghiệp (DN) cả nước và các địa phương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ đạo Tổng cục Thống kê chủ trì biên soạn và công bố “Sách trắng DN Việt Nam năm 2020”. Nội dung Sách trắng DN Việt Nam năm 2020 gồm những thông tin cơ bản đánh giá mức độ phát triển DN cả nước và các địa phương giai đoạn 2016-2019.

DN đang hoạt động

Tính đến ngày 31/12/2019, cả nước có 758.610 DN đang hoạt động, tăng 6,1% so với cùng thời điểm năm 2018. Trong đó, khu vực dịch vụ chiếm 67,1% trong toàn bộ khu vực DN của cả nước, tăng 6,9% so với cùng thời điểm năm 2018; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 31,6%, tăng 5,1%; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 1,3%, giảm 6,3%.

Có 27/63 địa phương có tốc độ tăng DN đang hoạt động tại thời điểm 31/12/2019 so với thời điểm 31/12/2018, cao hơn bình quân cả nước (6,1%), trong đó: Bình Dương tăng 14,6%, Bắc Ninh tăng 14,5%, Bình Phước tăng 14,2%, Ninh Thuận tăng 12,7%, Quảng Nam tăng 11,9%, Đà Nẵng tăng 10,8%… Có 36/63 địa phương có tốc độ tăng DN đang hoạt động thời điểm 31/12/2019 so với thời điểm 31/12/2018 thấp hơn bình quân cả nước, trong đó có 8/63 địa phương có số DN đang hoạt động tại thời điểm 31/12/2019 giảm so với cùng thời điểm năm 2018, gồm: Hải Phòng giảm 7,8%, Bắc Kạn giảm 7,6%, Nghệ An giảm 7,3%, Lai Châu giảm 5,2%, Bến Tre giảm 3,3%, Kiên Giang giảm 1,3%, An Giang giảm 0,5%, Lào Cai giảm 0,2%.

Năm 2019, bình quân cả nước có 7,9 DN đang hoạt động trên 1.000 dân. Có 8/63 địa phương có mật độ DN đang hoạt động trên 1.000 dân cao hơn bình quân cả nước gồm: TP Hồ Chí Minh có 26,5, Đà Nẵng có 19,8, Hà Nội có 19,3, Bình Dương có 12,9, Hải Phòng có 9,8, Khánh Hòa có 9,0, Bà Rịa - Vũng Tàu có 8,8 và Bắc Ninh có 8,2. Có 55/63 địa phương có mật độ DN đang hoạt động trên 1.000 dân thấp hơn bình quân cả nước, trong đó 5 địa phương có mật độ DN đang hoạt động trên 1.000 dân thấp hơn 2 DN: Hà Giang và Sơn La đều có 1,4 DN; Tuyên Quang và Điện Biên cùng có 1,7 DN; Bắc Kạn có 1,9 DN.

Bình quân cả nước có 15,4 DN đang hoạt động trên 1.000 dân trong độ tuổi lao động. Có 9/63 địa phương có mật độ DN đang hoạt động trên 1.000 dân trong độ tuổi lao động cao hơn bình quân cả nước 54/63 địa phương có mật độ DN đang hoạt động trên 1.000 dân trong độ tuổi lao động thấp hơn bình quân cả nước.

DN thành lập mới, quay trở lại hoạt động, tạm ngừng hoạt động và giải thể

DN thành lập mới

Năm 2019, cả nước có 138.139 DN thành lập mới, tăng 5,2% so với năm 2018. Theo khu vực kinh tế, khu vực dịch vụ có số DN thành lập mới năm 2019 nhiều nhất với 99.548 DN, tăng 5,1% so với năm 2018; khu vực công nghiệp và xây dựng có 36.562 DN, tăng 5,3%; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản có 2.029 DN, tăng 9,9%.

Theo địa phương, có 30/63 địa phương có tốc độ tăng số DN thành lập mới năm 2019 so với năm 2018 cao hơn tốc độ tăng bình quân chung của cả nước (5,2%), trong đó một số địa phương tập trung nhiều DN của cả nước có số DN thành lập mới năm 2019 tăng so với năm 2018: Bắc Ninh tăng 17,8%, Bình Dương tăng 11,6%, Hà Nội tăng 9,8%, Đồng Nai tăng 7,6%, Đà Nẵng tăng 6,0%. Có 10/63 địa phương có tốc độ tăng số DN thành lập mới năm 2019 so với năm 2018 thấp hơn tốc độ tăng bình quân chung cả nước, trong đó TP Hồ Chí Minh có số DN thành lập mới chiếm 32,4% cả nước, tăng 3,6% so với năm 2018. Có 23/63 địa phương có số DN thành lập mới năm 2019 giảm so với năm 2018, trong đó có 6/20 địa phương có số lượng DN thành lập mới năm 2019 lớn (trên 1.000 DN) giảm so với năm 2018 gồm: Nghệ An giảm 6,5%, Hải Phòng giảm 6,4%, Kiên Giang giảm 5,8%, Thanh Hóa giảm 4,4%, Quảng Ninh giảm 3,0%, Khánh Hòa giảm 1,2%.

Tổng vốn đăng ký của các DN thành lập mới năm 2019 đạt 1,73 triệu tỷ đồng, tăng 17,1% so với năm 2018. Theo khu vực kinh tế, vốn đăng ký của khu vực dịch vụ đạt cao nhất với 1,17 triệu tỷ đồng, chiếm 67,6%, tăng 12,9% so với năm 2018; khu vực công nghiệp 531,15 nghìn tỷ đồng, tăng 30,2%; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản 25,6 nghìn tỷ đồng, giảm 16,5% so với năm 2018.

DN quay trở lại hoạt động

Năm 2019, cả nước có 39.421 DN quay trở lại hoạt động, tăng 15,9% so với năm 2018 và đạt mức cao nhất trong giai đoạn 2014-2019. Theo khu vực kinh tế, có 27.278 DN thuộc khu vực dịch vụ quay trở lại hoạt động, tăng 18,7% so với năm 2018; có 11.429 DN công nghiệp và xây dựng, tăng 11,6% và 714 DN nông, lâm nghiệp và thủy sản, giảm 10,0%. Theo địa phương, những địa phương có số DN quay trở lại hoạt động trên 1.000 DN và tăng so với năm 2018 gồm: Thanh Hóa là địa phương tăng cao nhất với 1.697 DN (tăng 130,9%), Hải Phòng có 1.209 DN (tăng 22,2%), Hà Nội có 7.612 DN (tăng 17,7%), TP Hồ Chí Minh có 11.006 DN (tăng 6,5%).

DN tạm ngừng kinh doanh có đăng ký

Tổng số DN tạm ngừng kinh doanh có đăng ký trên phạm vi cả nước là 28.731 DN, tăng 5,9% so với năm 2018. Theo khu vực kinh tế, khu vực dịch vụ có số DN tạm ngừng kinh doanh có đăng ký năm 2019 cao nhất với 20.139 DN, chiếm 70,1% số DN tạm ngừng kinh doanh của toàn bộ nền kinh tế, tăng 5,7% so với năm 2018; khu vực công nghiệp và xây dựng có 8.189 DN, tăng 6,7%; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản có 403 DN, giảm 0,2%. Theo địa phương, có 29/63 địa phương có số DN tạm ngừng kinh doanh có đăng ký trong năm 2019 giảm so với năm 2018; có 5/63 địa phương có số DN tạm ngừng kinh doanh có đăng ký trong năm 2019 trên 1.000 DN, trong đó có 2 địa phương có số DN tạm ngừng kinh doanh giảm (Thanh Hóa có 1.022 DN, giảm 11,5%; Hải Phòng có 1.035 DN, giảm 11,4%) và 3 địa phương có số DN tạm ngừng tăng (Hà Nội có 6.319 DN, tăng 10,2%; TP Hồ Chí Minh có 7.800 DN, tăng 9,4%; Đà Nẵng có 1.150 DN, tăng 0,3%).

DN chờ giải thể

Năm 2019, cả nước có 43.711 DN chờ giải thể, tăng 41,7% so với năm 2018, trong đó có 17.708 DN bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; có 14.496 DN đăng thông báo giải thể và có 11.507 DN chờ làm thủ tục giải thể với cơ quan thuế. Các ngành kinh tế có số lượng DN chờ giải thể lớn nhất như sau: Bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy có 15.996 DN, chiếm 36,6% số DN chờ giải thể của toàn bộ nền kinh tế; xây dựng có 6.058 DN, chiếm 13,9%; công nghiệp chế biến, chế tạo có 5.376 DN, chiếm 12,3%. Đồng bằng sông Hồng là khu vực có số lượng DN chờ giải thể lớn nhất với 14.390 DN, chiếm 33,0% số DN chờ giải thể của cả nước; tiếp đến là khu vực Đông Nam Bộ có 14.035 DN, chiếm 32,1%.

DN hoàn thành thủ tục giải thể

Năm 2019, cả nước có 16.840 DN hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 3,0% so với năm 2018. Khu vực dịch vụ có số DN giải thể năm 2019 nhiều nhất với 12.754 DN, tăng 11,3% so với năm 2018; khu vực công nghiệp và xây dựng có 3.722 DN, giảm 17,3%; khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản có 364 DN, giảm 7,4%. Có 28/63 địa phương có tỷ lệ DN hoàn thành thủ tục giải thể năm 2019 so với 2018 cao hơn bình quân chung cả nước, 35/63 địa phương có tỷ lệ DN hoàn thành thủ tục giải thể năm 2019 so với năm 2018 thấp hơn bình quân chung cả nước.

DN không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký

Qua kiểm tra của cơ quan thuế, cả nước có 46.841 DN không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký, không tìm thấy, không liên lạc được, tăng 43,4% so với năm 2018. Số DN không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký tập trung chủ yếu ở các ngành: Bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy có 16.035 DN, chiếm 34,2% tổng số DN không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký của toàn bộ nền kinh tế; xây dựng có 7.181 DN, chiếm 15,3%; công nghiệp chế biến, chế tạo có 5.561 DN, chiếm 11,9%. Các địa phương có số lượng DN không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký nhiều nhất: TP Hồ Chí Minh có 13.458 DN, chiếm 28,7% số DN không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký của cả nước; Hà Nội có 10.677 DN, chiếm 22,8%; Thanh Hóa có 2.233 DN, chiếm 4,8% và Hải Phòng có 1.580 DN, chiếm 3,4%.

DN đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh

Theo số liệu điều tra và cập nhật của ngành Thống kê tại thời điểm 31/12/2018, cả nước có 610.637 DN đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh (SXKD), tăng 9,0% so với thời điểm 31/12/2017. Trong đó, có 269.169 DN kinh doanh có lãi, chiếm 44,1%; có 45.737 DN kinh doanh hòa vốn, chiếm 7,5%; có 295.731 DN kinh doanh lỗ, chiếm 48,4%.

- Tại thời điểm 31/12/2018, tổng số lao động đang làm việc trong các DN đang hoạt động có kết quả SXKD là 14,82 triệu người, tăng 2,1% so với cùng thời điểm năm 2017.

- Tổng nguồn vốn sử dụng cho SXKD của toàn bộ DN đang hoạt động có kết quả SXKD tại thời điểm 31/12/2018 đạt 38,93 triệu tỷ đồng, tăng 18,0% so với cùng thời điểm năm 2017.

- Tổng doanh thu thuần của toàn bộ khu vực DN đang hoạt động có kết quả SXKD năm 2018 đạt 23,64 triệu tỷ đồng, tăng 14,4% so với năm 2017.

- Năm 2018, tổng lợi nhuận trước thuế của khu vực DN đạt 895,56 nghìn tỷ đồng, tăng 2,1% so với năm 2017 (thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng 18,0% của vốn và 14,4% của doanh thu).

- Năm 2018, hiệu suất sử dụng lao động của toàn bộ khu vực DN đạt 15,3 lần, tăng 1,04 lần so với năm 2017; chỉ số nợ 2,1 lần, bằng 0,85 lần năm 2017; chỉ số quay vòng vốn đạt 0,6 lần, bằng 0,96 lần năm 2017; hiệu suất sinh lợi trên tài sản (ROA) đạt 2,4%, bằng 0,85 lần năm 2017; hiệu suất sinh lợi trên vốn chủ sở hữn (ROE) đạt 7,6%, bằng 0,76 lần năm 2017; hiệu suất sinh lợi trên doanh thu thuần (ROS) đạt 3,8%, bằng 0,89 lần năm 2017. Thu nhập bình quân/tháng một lao động của DN đang hoạt động có kết quả SXKD năm 2018 đạt 8,82 triệu đồng, tăng 6,6% so với năm 2017.

NVA

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)