Phân biệt giữa cảm cúm… gây ra bởi các nguyên nhân khác với nhiễm SARS-CoV-2
Vấn đề sức khoẻ đầu tiên chúng ta thường đặt ra đó là: Làm sao để phân biệt được giữa cảm cúm, ho, sốt, tức ngực, khó thở gây ra bởi các nguyên nhân khác hay do nhiễm SARS-CoV-2. Đây là vấn đề vô cùng quan trọng, quyết định thái độ xử trí trong việc cách ly cũng như những hoạt động dự phòng lây nhiễm khác.
Cần phân biệt giữa cảm cúm… gây ra bởi các nguyên nhân khác với nhiễm SARS-CoV-2
Thứ nhất, điểm nổi bật đầu tiên để chúng ta nghĩ đến nhiễm SARS-CoV-2 chính là có yếu tố dịch tễ, điều này rất quan trọng. Hiện nay, khi số lượng người nhiễm trong nước đang tăng lên, số người về từ những vùng dịch cũng tăng lên… dẫn đến yếu tố dịch tễ sẽ càng khó truy tìm và không phải lúc nào cũng có thể xác định rõ ràng hoàn toàn. Tuy nhiên, những người có nguy cơ chính là những người đi từ vùng có dịch về hoặc những người có tiếp xúc (F1, F2, F3) với người có xét nghiệm dương tính (F0). Chúng ta nên dừng lại ở “F” mấy thì có thể gọi là an toàn? Rất khó trả lời, vì nguy cơ lây nhiễm còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Tuy nhiên khi chúng ta chẳng may “lọt vào” danh sách “F” thì việc theo dõi những người “F” mình có tiếp xúc có dương tính hay không cũng như để ý những biểu hiện triệu chứng của mình và tự chủ động cách ly ở nhà là điều rất cần thiết.
Thứ hai, chúng ta cần nghĩ nhiều đến nhiễm SARS-CoV-2 khi có những biểu hiện lâm sàng tương đối đặc trưng của chúng, đặc biệt là những người có yếu tố dịch tễ từ F3 trở lại. Triệu chứng bao gồm: ho khan, mũi họng khô, sốt cao, tức ngực, khó thở. Bệnh nhân rất ít khi hắt xì hơi, chảy nước mũi miệng cũng như ít khi đau nhức xương khớp toàn thân như cảm cúm thông thường.
Thứ ba, cần lưu ý là có vô vàn các nguyên nhân gây ho, sốt, tức ngực, khó thở… Chúng ta không chủ quan về SARS-CoV-2, nhưng chúng ta cũng không nên quá hoang mang khi có người thân hoặc chính mình biểu hiện những triệu chứng trên. Sốt có thể gặp do mọc răng, viêm tai giữa, việm họng, nhiễm vi rút cúm, sốt xuất huyết, viêm gan A, sau uống thuốc tây hoặc do các nguyên nhân nhiễm trùng khác (sỏi mật, nhiễm khuẩn tiết niệu, áp xe ngoài da, tắc ruột…). Tức ngực khó thở có thể do thiếu máu, bệnh lý tim mạch, lười vận động, thể dục thể thao hoặc nằm lâu 1 tư thế, bệnh lý khác của phổi…
Thứ tư, sau khi áp dụng những thông tin trên nhưng vẫn hoang mang hoặc chưa an tâm liệu có nhiễm SARS-CoV-2 hay không, chúng ta có thể gọi điện cho đường dây nóng của Bộ Y tế: 19003228 hoặc đường dây nóng của các bệnh viện tại các khu vực (có danh sách trên mạng) để xin tư vấn thêm.
Phân biệt vấn đề sức khoẻ cấp cứu hay không
Tình trạng cấp cứu hay gặp nhất đó là những tai nạn (giao thông, ngã cao, tai nạn trong công xưởng, mâu thuẫn dẫn đến đâm chém…). Với những tổn thương này, chúng ta cần vào trung tâm y tế gần nhất (trạm y tế, bệnh viện huỵện, bệnh viện tỉnh…) để đánh giá và xử trí ban đầu. Nếu thực sự rất cần kíp mới xin chuyển lên tuyến cao hơn nữa, vì sẽ tăng sự di chuyển cũng như tăng tiếp xúc nhiều các bệnh viện dẫn đến tăng nguy cơ lây nhiễm dịch. Với tai nạn, cần lưu ý 3 điều:
- Trước khi vào bệnh viện nào đó, cần liên hệ trước xem có bộ phận trực cấp cứu ngoại khoa cũng như có bệnh nhân nghi nhiễm SARS-CoV-2 cách lý hay không để chúng ta còn biết đường đi nước bước lúc đến viện.
- Nếu bệnh nhân có kèm theo sốt từ trước khi tai nạn, cần thông báo cho cơ sở y tế nơi mình chuẩn bị đến để cơ sở y tế đó có giải pháp đón tiếp cũng như thăm khám đảm bảo an toàn cho cả các bên.
- Hạn chế người nhà đi theo vào viện trong giai đoạn này, đặc biệt là những người trên 60 tuổi hoặc trẻ em.
Ngoài tình trạng cấp cứu liên quan tai nạn, chúng ta còn có những cấp cứu bệnh lý khác như lồng ruột trẻ em, xoắn tinh hoàn, chuyển dạ đẻ, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não, khó thở cấp tính do các nguyên nhân khác, đau bụng cấp, đau đầu cấp tính, co giật, viêm túi mật cấp, tắc ruột, sỏi kẹt niệu đạo -sỏi niệu quản gây cơn đau quặn thận, viêm ruột thừa, thoát vị bẹn nghẹt, xuất huyết đường tiêu hoá…Với những tổn thương bệnh lý này, chúng ta cũng cần ưu tiên vào viện và cũng tuân thủ theo lộ trình như với những trường hợp bị tai nạn nêu trên. Đó là tuần tự sơ cấp cứu từ tuyến thấp lên cao dần kèm theo cần liên hệ trước với cơ sở y tế để thông báo nếu bệnh nhân có sốt hoặc có những triệu chứng kèm theo khác mà chúng ta chưa thể loại trừ nhiễm SARS-CoV-2.
Với những bệnh lý đã có từ trước (tiểu đường, cao huyết áp, hen xuyễn, suy thận, viêm da cơ địa…) hoặc cơ thể biểu hiện triệu chứng chưa rầm rộ như đau lưng nhẹ nhàng, mỏi vai gáy, đau đầu âm ỉ, mất ngủ, huyết áp hơi thấp, tiểu buốt mấy hôm, đau nhức chân ràng, rối loạn đại tiện… Chúng ta có thể trì hoãn hoặc xin tư vấn từ xa từ những bạn bè, người thân làm trong chuyên ngành đó.
Thời khắc khó khăn này luôn cần mỗi chúng ta đoàn kết, san sẻ, giúp đỡ và thương yêu để cùng nhau đi qua đại dịch. Như lời Bill Gate nói “Trước đại dịch này, mỗi con người chúng ta trở nên nhỏ bé và tất cả những vật chất phù dù sẽ chẳng còn là gì khi… sức khoẻ không còn”.