Thứ tư, 25/09/2019 09:46

Tiếp thu công nghệ tính toán mưa, lũ lớn cho các lưu vực sông liên quốc gia

Ngày 24/9/2019, tại Hà Nội, Phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia về động lực học sông biển (Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam) đã tổ chức hội thảo tổng kết dự án “Tiếp thu công nghệ tính toán mưa, lũ lớn cho các lưu vực sông liên quốc gia trong điều kiện hạn chế hoặc không có dữ liệu đo đạc - áp dụng thử nghiệm cho lưu vực sông Đà - Thao” (mã số 30/FIRST/1a/KLORCE). Dự án được thực hiện trong khuôn khổ Dự án FIRST do Bộ Khoa học và Công nghệ quản lý. Tham dự Hội thảo có đại diện Ban quản lý Dự án FIRST, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, đại diện Đại học UC Davis (Hoa Kỳ) cùng một số viện nghiên cứu, trường đại học đóng trên địa bàn Hà Nội.

Theo nhận định của các chuyên gia, mưa, lũ lớn đang có xu hướng tác động ngày càng nghiêm trọng đến sản xuất, đời sống và môi trường ở Việt Nam. Gần đây ngoài các trận mưa, lũ trong thời kỳ mưa lũ, còn xuất hiện các trận lũ trái mùa có liên quan đến các đợt mưa lớn bất thường. Quá trình hình thành và phát triển mưa, lũ rất phức tạp, do đó đánh giá được quá trình hình thành mưa lũ lớn trong quá khứ và dự báo những biến đổi các đặc trưng này trong tương lai dưới tác động của biến đổi khí hậu là rất cần thiết. Bênh cạnh đó, các lưu vực sông lớn của Việt Nam như hệ thống sông Hồng - Thái Bình và sông Mê Kông đều có phần thượng nguồn nằm ngoài lãnh thổ biên giới Việt Nam. Đây là phần lưu vực mà dữ liệu đo đạc bị hạn chế. Do đó, các công nghệ có khả năng tính toán khôi phục và dự báo xu thế diễn biến mưa, lũ trong điều kiện hạn chế về số liệu là vấn đề đang rất được quan tâm.
Dự án 30/FIRST/1a/KLORCE được thực hiện với mục tiêu thiết lập được hệ thống tính toán khí tượng thủy văn khép kín sử dụng đầu vào là dữ liệu khí tượng toàn cầu, nhằm mô phỏng được điều kiện khí tượng thủy văn chi tiết cho một lưu vực cụ thể; tăng cường năng lực nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực thủy văn tài nguyên nước cho cán bộ Việt Nam. Theo báo cáo tại Hộị thảo, sau gần 1 năm thực hiện với sự hỗ trợ chuyển giao công nghệ từ Đại học UC Davis, các nhà khoa học của Phòng thí nghiệm trọng điểm về động lực học sông biển đã tiếp nhận thành công mô hình khí tượng thủy văn kết hợp WEHY-HCM do Đại học UC Davis nghiên cứu và phát triển; ứng dụng thành công bộ mô hình WEHY-HCM để tính toán mô phỏng cho lưu vực sông Đà - Thao; khôi phục toàn bộ chuỗi số liệu mưa và dòng chảy cho lưc vực từ năm 1900 đến 2016... Trên cơ sở đó, nhóm nghiên cứu đã tính toán dự báo biến động mưa, dòng chảy cho lưu vực sông Đà - Thao trong giai đoạn 2019-2100 theo các kịch bản khác nhau.
Bên cạnh đó, dự án đã góp phần đào tạo thành công một học viên cao học và đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ một giải pháp hữu ích, xuất bản một số bài báo trên tạp chí quốc tế và trong nước... Với các kết quả đạt được, dự án đã nhận được sự đánh giá cao của các đại biểu, đặc biệt khi thời gian thực hiện dự án đã bị rút ngắn từ 24 tháng xuống còn 10 tháng.

CT

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)