Thứ hai, 23/09/2019 09:36

Phát triển giáo dục nghề nghiệp trong bối cảnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng và hội nhập quốc tế

Đó là tên Hội thảo do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội phối hợp tổ chức ngày 20/9/2019 tại Hà Nội. Hội thảo đã quy tụ hàng trăm đại biểu là các nhà làm chính sách, lãnh đạo các trường cao đẳng nghề, các nhà nghiên cứu về giáo dục nghề nghiệp (GDNN) trong và ngoài nước.

gdnghe 1

Ông Phan Thanh Bình - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội phát biểu đề dẫn tại Hội thảo.

Với 3 phiên chuyên đề và 1 phiên tổng quan, các đại biểu đã trao đổi và thảo luận 3 nội dung: thể chế cho GDNN; doanh nghiệp với GDNN; bảo đảm chất lượng GDNN trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Tại hội thảo, ông Jürgen Hartwig - Giám đốc Chương trình Đổi mới đào tạo nghề Việt Nam nêu quan điểm, Việt Nam cần gắn kết GDNN chặt chẽ hơn với thị trường lao động và việc làm bền vững bằng cách đồng bộ hóa khung pháp lý; thiết lập cơ chế tham gia của doanh nghiệp vào GDNN với trách nhiệm và vai trò rõ ràng; tổ chức liên kết đào tạo tại nhà trường và doanh nghiệp cũng như phối hợp đánh giá học sinh/người tốt nghiệp. Xây dựng hệ thống GDNN mở, linh hoạt và được công nhận, tạo điều kiện cho việc học tập suốt đời, đảm bảo liên thông giữa các bậc trong GDNN và với giáo dục hàn lâm…
Từ góc độ nhà đào tạo, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Viễn Đông TP Hồ Chí Minh Trần Thanh Hải đã đưa ra đề xuất rất cụ thể: người giảng dạy thực hành trong doanh nghiệp có thể đạt một trong các điều kiện: (i) là nghệ nhân được tặng giải thưởng, bằng khen từ các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương trở lên; (ii) là người đã có chứng chỉ hành nghề đúng nghề đang dạy thực hành. Chứng chỉ này do các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam hay nước ngoài cấp; (iii) không thuộc 2 loại trên nhưng đã có thâm niên hơn 10 năm liên tục và hiện đang hành nghề trong lĩnh vực được mời giảng dạy thực hành.
Ông Cao Văn Sâm - Phó Chủ tịch Hiệp hội GDNN và Nghề công tác xã hội Việt Nam lại cho rằng, để khắc phục những tồn tại, hạn chế như: tỷ lệ lao động được GDNN còn thấp, quy mô tuyển sinh đào tạo chưa tương xứng với năng lực của hệ thống GDNN và nhu cầu của thị trường; cơ cấu ngành, nghề đào tạo còn bất hợp lý; chất lượng, hiệu quả đào tạo của nhiều cơ sở GDNN chưa cao, nên tổ chức đánh giá 5 năm thi hành Luật GDNN để xem xét sửa đổi, bổ sung, thay thế một số điều cho phù hợp với bối cảnh mới. Sớm có chính sách, đề án quy hoạch mạng lưới cơ sở GDNN theo hướng mở, bảo đảm quy mô, cơ cấu, hợp lý về ngành, nghề, trình độ đào tạo (đa ngành, chuyên ngành), vùng miền, chuẩn hóa, hiện đại hóa, có phân tầng chất lượng. Sáp nhập, hoặc giải thể các cơ sở GDNN yếu kém, hoạt động không hiệu quả, không đủ năng lực triển khai tự chủ; có cơ chế, giải pháp hữu hiệu đẩy mạnh phân luồng, tạo ra sự cân đối tương đối hợp lý cung - cầu trong đào tạo các trình độ và nhu cầu sử dụng; tư vấn học nghề, việc làm hiệu quả hơn... Phát triển GDNN là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, là trách nhiệm của cấp ủy đảng, chính quyền, trước hết là của ngành lao động, thương binh và xã hội các cấp, của doanh nghiệp và người dân. Đồng thời, Phó Chủ tịch Hiệp hội GDNN cũng đã đề nghị, trong bối cảnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng và hội nhập quốc tế, trọng tâm của phát triển GDNN sắp tới cần tập trung hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật.

gdnghe 2

Phiên họp chuyên đề nhận được nhiều câu hỏi từ các đại biểu tham dự Hội thảo.

Với nhiều ý kiến thẳng thắn, trọng tâm, số liệu cụ thể của đại diện đến từ nhiều cơ sở, đơn vị đào tạo, quản lý GDNN, doanh nghiệp và các tổ chức quốc tế, có thể nói, Hội thảo là cơ hội quý để các nhà làm chính sách và đào tạo trao đổi, thảo luận về chính sách GDNN hiện hành và cùng nhau phân tích về các mô hình thành công của các nước, các doanh nghiệp để từ đó xây dựng một nền tảng đảm bảo thúc đẩy GDNN phát triển mạnh mẽ trong tương lai.

Thu Hằng

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)