Đóng góp cho xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021-2020
VRDF do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Ngân hàng thế giới (WB) và các đối tác phát triển của Việt Nam tổ chức. Tham dự phiên toàn thể của Diễn đàn vào chiều ngày 19/9/2019 có Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Giám đốc Quốc gia của WB tại Việt Nam Ousmane Dione, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, Thứ trưởng Bộ Công an Bùi Văn Nam, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung và đông đảo các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Đoàn chủ tịch chủ trì phiên toàn thể (Ảnh: baophapluat.vn).
VRDF 2019 diễn ra trong bối cảnh Việt Nam chuẩn bị kết thúc Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm cho thời kỳ 2011-2020 để bước sang một thập kỷ, kỷ nguyên mới với nhiều cơ hội phát triển mới đi liền với các thách thức lớn. VRDF 2019 nhằm mục đích thu nhận các ý kiến đóng góp của các chuyên gia trong nước và quốc tế có uy tín cho việc xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021-2020, phương hướng và nhiệm vụ Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 dự kiến trình Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 11 (Khóa XII) vào tháng 10/2019. VRDF 2019 cũng sẽ cung cấp đầu vào cho việc xây dựng Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 thông qua việc đề xuất các ưu tiên, trọng tâm cải cách và phát triển của đất nước trong giai đoạn tới.
Mở đầu Phiên toàn thể, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã tóm tắt kết quả phiên 1 với chủ đề “Hướng tới thể chế kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập” và phiên 2 với chủ đề “Đổi mới sáng tạo để vượt qua bẫy thu nhập trung bình” của VRDF 2019 diễn ra buổi sáng ngày 19/9/2019. Theo đó, các diễn giả đều đã nhất trí rằng, xây dựng, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam trong hiện tại cũng như trong giai đoạn sắp tới. Tuy nhiên, nhiều diễn giả đã đưa ra một nhận định quan trọng là so với thông lệ quốc tế và yêu cầu của sự phát triển, các thể chế kinh tế thị trường ở Việt Nam về thực chất còn nhiều khiếm khuyết, dẫn đến kìm hãm sự phát triển. Để giải quyết những vấn đề này, các diễn giả đã chia sẻ kinh nghiệm, đề xuất các ý tưởng, giải pháp rất có giá trị mà Việt Nam cần cân nhắc thực hiện trong giai đoạn tới.
Ở phiên thảo luận thứ hai về “Đổi mới sáng tạo để vượt qua bẫy thu nhập trung bình”, các diễn giả đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm, trong đó có Indonesia và Hàn Quốc là những ví dụ rất tốt để tham khảo. Việt Nam đã và đang triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và đã đạt được các kết quả tích cực, nhưng vẫn cần hơn nữa các dòng vốn đầu tư mạo hiểm. Đặc biệt, các diễn giả cũng nhận định rằng, lĩnh vực trí tuệ nhân tạo đang có dư địa phát triển rất lớn ở Việt Nam và cần được thúc đẩy phát triển mạnh hơn trong thời gian tới. Để thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, phát triển trí tuệ nhân tạo ở Việt Nam, các diễn giả cũng đề xuất và kiến nghị nhiều giải pháp cho Việt Nam trong giai đoạn tới: Chính phủ cần khuyến khích sự tham gia của khu vực tư nhân không chỉ trong việc thiết kế chính sách mà cả trong quá trình xây dựng cơ sở hạ tầng…; Chính phủ cũng cần tham gia đầu tư trực tiếp để kích thích tăng trưởng về số lượng và chất lượng cho các startup, cũng như cần xây dựng được thị trường đầu tư mạo hiểm đủ lớn mạnh trong nước, xây dựng Luật Đầu tư mạo hiểm và thí điểm đầu tư vốn mồi vào các quỹ đầu tư mạo hiểm trong nước…
Đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ
Phát biểu tại Diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao việc Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với WB, Cơ quan Phát triển quốc tế Úc (AusAid) và các đối tác phát triển của Việt Nam tổ chức Diễn đàn thường niên về cải cách và phát triển Việt Nam lần thứ hai với chủ đề: “Việt Nam: Khát vọng thịnh vượng - Ưu tiên và Hành động”. Chia sẻ về “một Việt Nam không ngừng mơ ước”, Thủ tướng cho biết, vào những thập niên đầu sau chiến tranh, đất nước Việt Nam khi đó còn muôn vàn khó khăn, tỷ lệ nghèo đói cao, những gia đình Việt Nam chỉ mơ ước có được bữa cơm no, áo mặc ấm, con em được đến trường học hành tử tế - một cuộc sống không còn đói rét và vất vả. Từ năm 1986, công cuộc Đổi mới lan tỏa sâu rộng, đã chắp cánh cho bao giấc mơ được hiện thực hóa, để rồi hơn 70 triệu người, gần 1,3% dân số thế giới, trong những thập niên sau đó đã vươn lên vượt qua đói, nghèo, muôn nhà ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành như chính mong ước bình dị của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong 30 năm Đổi mới, kinh tế Việt Nam đã đạt mức tăng trưởng cao và đó là cơ sở để tỷ lệ đói nghèo ở mức rất cao (53% năm 1992) đã giảm xuống 10 lần (5,23% năm 2018) theo chuẩn nghèo đa chiều. Đồng thời tầng lớp trung lưu cũng tăng lên hơn 15% dân số và đang tăng nhanh. "Xét về quy mô dân số, có thể nói rằng, đây là một trong những cuộc vượt đói nghèo vĩ đại trong lịch sử các nước" - Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Diễn đàn (Ảnh: baodautu.vn).
Với quan điểm nhìn thẳng vào những hạn chế, yếu kém, Thủ tướng đồng tình với nhiều nhận định xác đáng của các chuyên gia quốc tế về những tồn tại, hạn chế và tiềm ẩn nhiều rủi ro; khả năng chống chịu, thích ứng với tác động bên ngoài của Việt Nam còn yếu; năng lực tiếp cận nền kinh tế số còn nhiều hạn chế. Gần đây, tốc độ tăng GDP có xu hướng chững lại, nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình và tụt hậu còn cao. Năm 2018, dân số Việt Nam đứng thứ 3 trong ASEAN, nhưng quy mô kinh tế là thứ 6… Trước tình hình đó, đòi hỏi Việt Nam phải có bản lĩnh vững vàng, phát huy những thành tựu, kinh nghiệm vừa qua để tự tin tiếp tục thực hiện 3 đột phá chiến lược về hoàn thiện thể chế, phát triển hạ tầng và phát huy nguồn nhân lực với những quan điểm và hành động mạnh mẽ. Thủ tướng nêu 5 định hướng: Thứ nhất, phải gìn giữ môi trường hòa bình, ổn định chính trị, xã hội cho phát triển nhanh, bền vững; thứ hai, thực hiện đổi mới mạnh mẽ thể chế kinh tế, chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường Việt Nam hiện đại, hội nhập, phục vụ người dân, doanh nghiệp, hướng tới nền kinh tế số, xã hội số; thứ ba, phát huy nội lực, giải phóng các nguồn lực tiềm năng trong xã hội trên cơ sở thúc đẩy mạnh mẽ khoa học và công nghệ, phát triển khu vực tư nhân năng động, sáng tạo, lấy doanh nghiệp làm trung tâm, động lực cho phát triển; thứ tư, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, có sức chống chịu và khả năng thích ứng cao; thứ năm, mở rộng đối ngoại, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, thực hiện hiệu quả các hiệp định FTA đã ký, tích cực tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu...
"Không có cách nào khác là Việt Nam phải hành động vươn lên, phát huy nguồn nhân lực năng động, sáng tạo". Thủ tướng lưu ý, cần đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ nhằm nâng cao trình độ để ngày càng có nhiều doanh nghiệp Việt Nam đủ năng lực tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu và tiếp nhận chuyển giao công nghệ mới, mạnh mẽ tiến lên những “nấc thang” có giá trị gia tăng cao hơn, thu được nhiều hơn khi tham gia các chuỗi giá trị toàn cầu. Nhìn rộng ra, phải chăng đây là một phương cách để nâng cao năng lực, sức cạnh tranh của từng sản phẩm, từng doanh nghiệp và cả nền kinh tế, góp phần giúp Việt Nam nâng cao “quốc lực” để tự tin phát triển nhanh, bền vững, không bị rơi vào bẫy thu nhập trung bình.
*
* *
Tại VRDF 2019, các từ khóa như cải cách/hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, bẫy thu nhập trung bình, khoa học, công nghệ, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, cách mạng công nghiệp 4.0, phát triển bền vững… được rất nhiều diễn giả đề cập trong phát biểu, thảo luận của mình cho thấy chúng có ý nghĩa, vai trò quan trọng đối với cải cách và phát triển. Việc ghép các từ khóa này tạo ra một mệnh đề có tính chân lý cho sự phát triển của Việt Nam hiện nay: muốn thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình và bền vững, Việt Nam cần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, đặc biệt trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0.
VVH